Với phán quyết này, ông Srettha sẽ bị bãi nhiệm chức Thủ tướng Thái Lan sau chưa đầy 1 năm nắm quyền. Kéo theo quyết định này, Nội các hiện nay sẽ chuyển thành Nội các tạm quyền do một Phó Thủ tướng được lựa chọn làm quyền Thủ tướng.
Chính trường Thái Lan sẽ bước sang giai đoạn mới với dự báo sẽ diễn biến phức tạp hơn liên quan quy trình bầu chọn Thủ tướng và thành lập Nội các mới. Thậm chí, quyền Thủ tướng Thái Lan sắp tới hoàn toàn có quyền tuyên bố giải tán Hạ viện để mở đường cho một cuộc Tổng tuyển cử mới.
Trước đó, Tòa án Hiến pháp Thái Lan hôm 23/5 ra thông báo chấp thuận thụ lý vụ kiện do nhóm 40 thượng nghị sỹ đệ trình, đề nghị xem xét cách chức Thủ tướng Thái Lan của ông Srettha. Nhóm thượng nghị sỹ này cáo buộc ông Srettha đã vi phạm tư cách đạo đức khi “cố tình” đề cử ông Pichit Chuenban vào vị trí Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng dù biết ông Pichit từng có tiền án.
Ông Pichit Chuenban là một luật sư, từng bị kết án 6 tháng tù vào năm 2008 trong cáo buộc cố gắng hối lộ nhân viên tòa án. Vụ án này hiện tại vẫn còn nhiều tranh cãi.
Trước đó, ông Srettha trở thành thủ tướng Thái Lan tại cuộc bầu cử năm 2023 sau khi Đảng Pheu Thai của ông và 10 đảng khác (trong đó có một số đảng thân quân đội) lập liên minh.
Ông Srettha, 61 tuổi, có bằng kỹ sư kỹ thuật dân dụng của Đại học Chulalongkorn ở Bangkok và bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của Đại học Claremont ở Mỹ.
Theo PV/VOV