Bầu Đức trả giá đắt cho lòng chung thuỷ

Google News

Trận thắng 3-1 trước SLNA không đơn thuần là chiến thắng đầu tay của HLV Nguyễn Quốc Tuấn. Nó chứng minh bầu Đức trả giá đắt vì đặt niềm tin nhầm người.

Có lẽ bầu Đức trả giá đắt cho lòng chung thủy vì đặt niềm tin vào ông thầy G.Graechen quá lâu.
Người đàn ông người ta hay gọi là “thầy Giôm”, xin hãy trả lại đúng vị trí của ông ấy – là một thầy giáo dạy cách đá bóng cho bọn trẻ.
Nhưng để dạy cho bọn trẻ cách chơi bóng, cách “chơi” lại những bậc đàn anh ở V-League, đó vốn không phải thế mạnh của thầy Giôm.
Bau Duc tra gia dat cho long chung thuyp
Bầu Đức có tiếc nuối vì "để" thầy Giôm quá lâu!!? 
Trong bóng đá, đá thắng đương nhiên là khó. Nhưng để đá không thua có vẻ như dễ hơn nhiều. Muốn đá thắng phải tấn công. Mà khi tấn công cũng đúng là lúc chúng ta ra đòn, luôn luôn là lúc sơ hở nhất.
Hoàng Anh Gia Lai đá mười mấy trận liên tục ra đòn mà không thắng. Dẫn đến một serie thảm bại mười mấy trận.
Tôi không nghĩ nhiều đến chuyện HAGL thua hoài mà không có điểm dừng. Vì tôi nghĩ, như bầu Đức nói, bọn nhỏ mới là đám học trò mà giờ phải đá ở chiến trường khốc liệt như V-League, rồi bị đá hội đồng nữa. Thua là phải.
Rồi thêm một triết lý: đá bóng khó hơn phá bóng. Một bên cố đá thắng, cố tìm từng điểm một. Bên còn lại cố đá “cho bọn nhỏ đừng tưởng bở”.
Có lẽ, trận thắng Sanna Khánh Hòa đến 4-1 ngay từ vòng mở màn không phải liều doping cho bọn nhỏ mà trái lại, nó trở thành liều thuốc đắng, nhắc nhở các đội bóng khi gặp bọn nhỏ U.19 của bầu Đức phải cẩn thận, và tốt nhất là “đừng cho bọn nó đá”.
Tôi đọc comment của một bạn đọc gửi về Một Thế Giới rằng: phải đá như thế (ý trận thắng SLNA), có đá biên, có tạt, có tấn công trung lộ,… thì mới thắng; chứ cứ đan bóng qua lại tầm 10 mét, đến khi đan xong thì quân bên kia đã lùi về đủ, còn đâu khoảng trống để tấn công thắng.
Tôi nhiều lần lên khu Hàm Rồng xem các lứa “u” của bầu Đức tập bóng. Cảm giác tôi nhận ra là các cầu thủ trẻ của HAGL đan bóng cực tốt. Điều đó mới chỉ giải quyết được 50% vấn đề. Đan bóng để cầm bóng chắc, chủ động nhịp trận bóng. Nhưng trong bóng đá hiện đại còn có nhiều chiến thuật khác.
Tôi nhớ có lần Chelsea của ông Mouricho chỉ đạt tỉ lệ cầm bóng 30% toàn trận nhưng vẫn thủ thắng. Tôi nghĩ ông Mourinho và các học trò thừa sức nâng tỉ lệ cầm bóng cao hơn, nhưng họ không làm mà chủ động nhường cho đối phương.
Tội nghĩ các đội ở V-League đối đầu với HAGL cũng vậy. Họ muốn đá chắc xem lớp em út “nổi như cồn” này múa may như thế nào. Họ đá với tâm địa không để thua trước, rồi kiên nhẫn chờ những tử huyệt dần lộ ra để đâm cho HAGL những nhát chí tử.
Những “nhát chí tử” này cứ kéo dài, liên tục đến mức không còn ai chịu nổi. Kể cả các CĐV trên sân Gia Lai, xưa nay vốn đông nghẹt, giờ chỉ còn tập trung bên khán đài B.
Người ta xem HAGL thua riết, thua hoài bắt đầu thấy chán!
Tôi cũng bất ngờ khi chứng kiến trưởng đoàn bóng đá của HAGL – anh Nguyễn Tấn Anh cự với thầy Giôm vì bắt đồng đấu pháp, dẫn đến sự ra đi của ông thầy người Pháp.
Rồi bất thình lình đội bóng của bầu Đức thắng SLNA 3-1, đang đúng vào lúc héo hắt nhất.
Trận thắng không làm HAGL thoát vị trí cuối bảng xếp hạng. Và tôi cũng không hy vọng đội bóng của bầu Đức thoát khỏi cửa xuống hạng năm nay.
Nhưng trận thắng đó cho thấy bầu Đức đã trả giá đắt vì quá tin dùng một người, trong một thời gian quá dài khiến cho những thất vọng âm ỉ từ lâu dồn nén đến mức không thể kiềm chế được.
Tôi biết anh Nguyễn Tấn Anh từ rất lâu, thời cùng công tác ở báo Thanh Niên, tôi thường hay chọc rằng anh này ắt hẳn phải là võ sĩ judo hạng cừ. Vì chỉ có vậy mới nhịn nổi ông trưởng ban thể thao “quá trời quá đất” ở Thanh Niên cách đây 15 năm.
Khi Tấn Anh nổi nóng, tôi hiểu ngay là có vấn đề lớn!
Cú xoay chuyển trong tình thế chẳng đặng đừng này, âu có thể chậm, nhưng với người hâm mộ, vô tình nó lại đổ vào tình thương yêu dành cho các cầu thủ U.19 HAGL thêm một chút dầu cho ngọn lửa tình yêu đang dần leo lét.
Và người ta lại đang náo nức trông chờ xem, ai sẽ là đối thủ tiếp theo của đội bóng phố núi!
Hệt như khi V-League vừa mở màn!
Theo Một Thế Giới