Chiều 3/11, Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông (Bộ TTTT) Trương Minh Tuấn gửi công văn đến các đài truyền hình, đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền tại Việt Nam chỉ đạo không mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh (NH Anh) ba mùa 2016 – 2019 bằng mọi giá, không chấp nhận độc quyền, gây thiệt hại về kinh tế, lãng phí, khiến người hâm mộ chịu thiệt.
Quan điểm này nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ VTC. Ông Vũ Quang Huy, Giám đốc kênh thể thao VTC3 (thuộc VTC) cho biết: “Quan điểm của VTC từ 6 mùa giải gần đây là không mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh bằng mọi giá. Chúng tôi luôn kêu gọi các đài đoàn kết để tránh tình trạng “gà nhà đá nhau” nhưng rất buồn một số đơn vị đi ngược lại mong muốn của dư luận. Công văn chỉ đạo của Bộ TTTT chiều 3/11 là rất đúng đắn nhưng tôi nghĩ Bộ cần quyết liệt hơn để lập lại trật tự trong chuyện này”.
|
Nhiều đơn vị truyền hình Việt Nam chấp nhận tốn kém để phát sóng giải NH Anh. Ảnh: Getty Images |
Các nhà đài Việt Nam từng thành lập Ban điều hành mua bản quyền NH Anh 2013 - 2016 nhằm “đảm bảo hài hòa lợi ích của các đơn vị hoạt động truyền hình và lợi ích của người xem”. Đứng đầu ban là đại diện của Đài truyền hình Việt Nam (VTV), nhưng cuối cùng 3 đơn vị trực thuộc của họ là K+, VTVCab và SCTV phải bỏ ra 38 triệu USD để
mua bản quyền phát sóng từ Tập đoàn IMG (Mỹ). Mức này cao hơn tiền bản quyền NH Anh giai đoạn 2010 - 2013 (13 triệu USD) nhiều lần, tạo cơ hội cho đơn vị nước ngoài tận thu các nhà đài Việt Nam.
Đầu năm 2013, VTV được Bộ TTTT chỉ định làm Trưởng Ban điều hành, trực tiếp đàm phán với đối tác nước ngoài nhưng không hoàn thành nhiệm vụ.
Để chấm dứt chuyện kiếm lợi từ đơn vị nước ngoài, ông Huy cho biết: “Bộ cần quy định bắt buộc, một đơn vị nước ngoài trúng thầu thì Ban điều hành đàm phán do Bộ đứng đầu đi mua, các đài không được tự ý xử lý. Nếu làm tốt chuyện này, chúng ta có thể dìm giá bản quyền truyền hình xuống sâu và nếu cần thiết không phát sóng giải NH Anh tại Việt Nam”.
Bình luận viên bóng đá kỳ cựu cũng cho rằng, một đơn vị nước ngoài sẽ thắng thầu bản quyền phát sóng giải NH Anh trên lãnh thổ Việt Nam như những lần trước. “Thực chất những đơn vị này là sân sau của giải NH Anh nên các đơn vị truyền hình Việt Nam khó lòng cạnh tranh. Vấn đề là các nhà đài Việt Nam có thống nhất để mọi chuyện do Bộ TTTT dàn xếp hay tự ý “vượt mặt” như lần trước”, ông tiết lộ.
Trong khi đó, ông Lê Đình Cường – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam cho biết: “Năm nay, việc bản quyền truyền hình giải NH Anh không căng như mọi năm, vấn đề lớn nhất là giá cả. Về việc này Bộ TTTT đã có định hướng theo công văn. Còn để hạn chế tình trạng một đơn vị nước ngoài mua được bản quyền rồi bán lại ở thị trường Việt Nam với giá cao như trước đây là rất khó bởi chuyện đấu thầu là công khai, ai không đủ tiềm lực thua phải chịu”.
Một số nước trong khu vực đã bước đầu làm êm vụ bản quyền giải NH Anh, phục vụ tối đa lợi ích của người hâm mộ. Singapore ban hành luật phát chéo nội dung của nhau đối với các đơn vị truyền hình trả tiền, hạn chế tình trạng độc quyền. Theo đó, một thuê bao của hãng này có thể đăng ký xem một kênh của hãng khác. Đây là điều mà Việt Nam không có. Chẳng hạn một thuê bao của SCTV muốn xem trận cầu đinh Ngoại hạng Anh hôm chủ nhật bắt buộc phải mua thêm đầu thu K+.
VTV sẽ làm theo chỉ đạo của Bộ Thông tin - Truyền thông
Trả lời Zing.vn sáng 4/11, Phó Tổng giám đốc VTV Nguyễn Thành Lương cho biết VTV sẽ làm theo chỉ đạo của Bộ Thông tin - Truyền thông, đồng thời không trực tiếp tham gia mua bản quyền NH Anh 2016 - 2019 vì nguy cơ đội giá so với 3 mùa giải trước là rất lớn.
“VTV đứng ra mua bản quyền 3 mùa 2013 - 2016 theo chỉ đạo của Bộ Thông tin - Truyền thông với mục đích chia sẻ cho các đài trong nước với giá vừa phải, nhưng VTV không mua được. Cuối cùng Canal+ (đối tác truyền thông chiếm 49% cổ phần tại K+, VTV nắm 51%) mua và chuyển bản quyền cho K+. Năm nay VTV không trực tiếp đứng ra mua, còn các doanh nghiệp truyền hình trả tiền trực thuộc VTV phải quán triệt tinh thần của Bộ Thông tin - Truyền thông”.
Theo Zing News