Làm việc thiện mà không hiểu rõ đạo lý, cứ tự cho việc mình làm là thiện, nhưng thực ra lại là không tốt, ắt không khỏi tạo nghiệp, uổng phí mất tâm tư một cách vô ích…
Hay có những người, làm việc thiện để làm màu, hòng lấy hư danh hay mưu cầu lợi lộc khác, những kiểu làm thiện này không những không mang lại phúc báo mà còn tạo nghiệp.
|
Ảnh minh họa. |
Có câu chuyện như sau:
Xưa có một số nho sinh yết kiến Trung Phong hoà thượng (một vị cao tăng triều đại nhà Nguyên), mà hỏi: Nhà Phật bàn thiện ác báo ứng như bóng theo hình, tức làm lành gặp lành, làm ác gặp ác, nay có người nọ thiện mà con cháu không được thịnh vượng, mà kẻ kia ác thì gia đình lại phát đạt, vậy là Phật nói về việc báo ứng thực vô căn cứ sao?
Hoà thượng nói: Người phàm tâm tính chưa được tẩy sạch, chưa được thanh tịnh, tuệ nhãn chưa khai, thường nhận thiện làm ác, cho ác là thiện; người như vậy không phải là hiếm có, đã tự mình lẫn lộn phải trái cho ác là thiện, cho thiện là ác, điên đảo đảo điên mà không hay lại còn oán trách trời cho báo ứng là sai, là không công bằng ư.
Bọn nho sinh lại hỏi: Mọi người thấy thiện thì cho là thiện, thấy ác thì cho là ác, sao lại bảo là lẫn lộn đảo điên vậy?
Hoà thượng bảo họ thử thí dụ xem sự tình thế nào là thiện thế nào là ác. Một người trong bọn nói: mắng chửi đánh đập người là ác, tôn kính lễ phép với người là thiện.
Hoà thượng nói không nhất định là như vậy.
Một người khác cho là tham lam lấy bậy của người là ác, gìn giữ sự thanh bạch liêm khiết là thiện.
Hoà thượng cũng bảo không nhất định là như vậy.
Mọi người đều lần lượt đưa ra thí dụ về thiện và ác, nhưng Trung Phong hoà thượng đều bảo là không nhất định là như vậy.
Nhân thế bọn họ đều thỉnh hoà thượng giảng giải cho.
Hoà thượng Trung Phong chỉ dạy rằng: Giúp ích người gọi là thiện, chỉ vì ích mình gọi là ác. Vì giúp ích người cho nên dù có đánh mắng cũng vẫn là thiện, trái lại chỉ vì ích mình nên dù có kính trọng người cũng vẫn là ác.
Vì vậy người làm thiện đem lại ích lợi cho người là công, mà công tức là chân, còn vì lợi mình ấy là tư, mà tư tức là giả.
Lại việc thiện tự lòng phát ra là chân, tập theo thói cũ là giả, không trước tướng mà làm chân, trước tướng mà làm giả…
Lại nữa làm việc thiện mà xuất phát từ tấm lòng thành là chân thiện, còn hời hợt chiếu lệ mà làm là giả thiện.
Người đời vẫn có câu: "Ác giả ác báo, thiện giả thiện lai", nghĩa là "thiện lai thiện báo, ác lai ác báo". Tức con người gây ra việc gì, sẽ được trả lại đúng như thế.
Khi mình làm điều ác cho ai, kể cả bằng hành động hoặc lời nói xấu, lời nguyền rủa một cách vô cớ, thì mình sẽ nhận lại những điều tương tự. Trái lại nếu mình làm những điều tốt đẹp cho người khác, lành tâm, lành ý, lành cử chỉ, lời nói và hành động, thì mình cũng nhận được những điều tốt lành vọng lại.
Nói nhân - quả thì có vẻ sâu xa, kỳ thực để dễ hiểu, cuộc đời thường hiện ra luật phản xạ. Chẳng hạn nếu ta đấm một quả vào tường, tường sẽ dội lại một lực chừng ấy làm đau tay ta. Đứng trước bức tường nếu ta cất tiếng hát du dương, thì bức tường sẽ vọng lại lời hát đó; còn nếu ta cất lời chửi rủa, tục tĩu, cáu gắt thì bức tường cũng sẽ phản xạ lại những âm thanh xấu xí quái dị đó.
Người phương Tây có một câu rất hay và dễ hiểu về tình yêu: "Bàn tay tặng đoá hồng thì nó thơm trước". Đấy nếu ta dâng đóa hồng tặng cho người thì tay ta đã thơm rồi, chưa kể ta sẽ được đền trả bằng một đoá hồng khác. Nhưng nếu ta tặng gai cho người, giống câu phương ngôn "kẻ nào gieo gió sẽ gặt bão", đến lúc ta sẽ nhận lại cả búi gai.
Làm việc thiện phải xuất phát từ tâm. Nếu tâm không thiện thì dù có vung tiền của cứu giúp có ngàn người cũng không có nghĩa lý gì, ngược lại, tâm chân thiện, dù không có một đồng làm thiện, nhưng một nụ cười hay một cái nắm tay chân thành cũng đủ để tích phúc rồi.
Mời quý độc giả xem video về thiền sư Thích Nhất Hạnh (nguồn BBC):
Theo Khỏe & Đẹp