Sát sanh bị yểu mạng

Google News

Đời người, nếu nói chung ai cũng ước chừng khoảng trên dưới “ba vạn sáu ngàn ngày”, ngót nghét cả trăm năm.  

Nhưng trong thực tế thì mỗi người có một tuổi thọ khác nhau, tùy nghiệp duyên của chính mình. Có người trường thọ, trăm tuổi còn dư. Có người cũng bước lên ngưỡng tuổi “bảy mươi xưa nay hiếm”. Tuy vậy, có không ít người ra đi lúc tuổi còn xanh hoặc vẫn còn thơ bé. Thậm chí, có người không có được cơ hội chào đời cũng phải chóng vánh kết thúc một đời.
 Phật tử thực hành hạnh phóng sanh, bảo vệ môi trường sống để đem lại sự sống cho muôn loài. Ảnh: Bảo Toàn.
Đời người thật mong manh, vô thường nhanh chóng, bất ngờ, không chừa một ai, không đợi tuổi tác. Người lạc quan và minh triết nhất cũng chỉ ngậm ngùi, “mạng người trong hơi thở, có ra mà không vào thì lập tức qua đời khác”. Không ít người tin rằng sự nghiệt ngã ấy là số phận, “trời kêu ai thì người nấy dạ”. Người đệ tử Phật thì hiểu rằng, tuổi thọ sẽ tỷ lệ nghịch với nghiệp sát hại của mình. Nếu một người trong quá khứ (gần và xa) không hoặc ít giết hại chúng sanh thì hiện đời ít bệnh tật, tai nạn, sống lâu và khỏe mạnh. Thế Tôn với tuệ giác của bậc Giác ngộ đã chỉ cho chúng ta thấy rằng những người yểu mạng, chết trẻ, “thọ mạng rất ngắn” là nghiệp quả của nhân ác giết hại.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Ở trong chúng này, Ta không thấy một pháp nào đã làm, đã làm nhiều thành hạnh địa ngục, hạnh súc sanh, hạnh ngạ quỷ, nếu sanh trong loài người thọ mạng rất ngắn, như là sát sanh.
Này các Tỳ-kheo! Nếu có người ý thích sát sanh liền đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh; nếu sanh trong loài người thọ mạng rất ngắn. Vì sao thế? Vì đoạn dứt mạng kẻ khác vậy. Thế nên, hãy học chớ sát sanh. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
- Ở trong chúng này, Ta không thấy một pháp nào đã thực hành rồi, đã thực hành nhiều rồi được hưởng phước, trong loài người, hưởng phước trên trời, được chứng Niết-bàn như là chẳng sát sanh.
Này các Tỳ-kheo! Nếu có người chẳng hành sát sanh, cũng không nghĩ giết, thọ mạng rất dài. Vì sao thế? Vì họ không nhiễu loạn vậy. Thế nên, này các Tỳ-kheo, nên học chẳng sát sanh. Như vậy, các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Ngũ giới,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.184)
Rõ ràng, tạo nghiệp giết hại chúng sanh ắt hẳn phải chịu quả báo nặng nề. Nghiệp sát cực nặng thì đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Nếu còn chút duyên được sanh vào loài người thì bị yểu mạng, đời sống ngắn ngủi. Ngược lại, nếu người không tạo nghiệp giết hại thì được hưởng phước báo trời người, thọ mạng lâu dài.
Chính nghiệp lực mới là nguyên nhân sâu xa và căn bản nhất quyết định sự khỏe mạnh và trường thọ của chúng ta. Còn các điều kiện khác dù chúng ta có đầy đủ cũng chỉ có tác dụng trợ duyên mà thôi. Như người giàu sang có thể điều trị bất cứ nơi đâu, với những thầy thuốc danh tiếng nhất nhưng nếu bị bệnh nan y thì cũng phải chào thua. Cho nên, người Phật tử ngoài các phương thức trị liệu theo quy chuẩn y khoa, họ còn thành tâm sám hối nghiệp lực mà mình đã gây tạo nhiều đời.
Không chỉ sống lành mạnh, giữ giới không sát hại, thành tâm sám hối oan nghiệp tiền khiên, người Phật tử còn thực hành hạnh phóng sanh, bảo vệ môi trường sống để đem lại sự sống cho muôn loài. Ngoài ra, thực tập thiền quán từ bi và ăn chay cũng góp phần giảm bớt nghiệp giết hại. Nhân quả luôn phân minh và công bằng, nếu chúng ta biết tôn trọng sự sống thì tự thân mình mới được sống lâu và khỏe mạnh.
Theo Quảng Tánh/Giác Ngộ