- Mới đây, Thượng viện Argentina đã thông qua đạo luật cái chết êm ái. Tức là những người bị bệnh nan y có quyền kiểm soát cái chết của mình, có quyền từ chối điều trị. Đây thực sự là một bước tiến của luật pháp, bởi lâu nay xung quanh vấn đề "cái chết êm ái" còn rất nhiều tranh cãi.
|
Ảnh minh họa: IE. |
Nhiều người phản đối vì cho rằng con người không có quyền can thiệp vào sự sống chết của người khác. Mọi sự can thiệp hay giúp đỡ để người bệnh được chết đều bị coi là giết người. Nhưng theo tôi, đây là một đạo luật hết sức văn minh, bởi có những người bệnh kéo dài sự sống còn đau đớn, khổ sở hơn cả cái chết.
Bà mợ tôi bị bệnh đau khớp nhiều năm nay, chạy chữa đủ kiểu cũng không khỏi. Giờ thì bà ngồi một chỗ, các khớp sưng to, không đi lại được, chân tay thì phù, ăn uống, vệ sinh tại chỗ luôn. Con trai đi làm xa, có đứa con gái thì vừa chăm con mọn, vừa lo ruộng vườn... nên không chăm sóc được.
Mỗi lần về thăm, tôi chỉ dám vào hỏi han một lúc rồi ra ngay vì không thể chịu đựng được cái mùi hôi thối lưu cữu trong căn phòng ấy. Lần nào bà cũng than thở, sống khổ thế này thì chết quách cho xong. Tôi cũng thấy, cuộc sống đau đớn, bẩn thỉu như thế thì khác gì địa ngục, có khi chết lại hơn. Nhưng chỉ biết an ủi bà, chứ làm sao dám nói ra như thế.
Trong quan niệm của người Việt Nam chưa có khái niệm can thiệp để có cái chết nhẹ nhàng. Mặc dù ai cũng mong khi nào chết là được "đi luôn", không phải chịu ốm đau lâu, không phiền đến con cái. Những người có được cái chết như thế được coi là tiên. Nhưng vẫn chỉ là mong ước thế thôi, chứ khi trong nhà đã có người già đau ốm thì trách nhiệm của con cháu là phải chạy chữa bằng mọi cách với quan điểm còn nước còn tát. Vào bệnh viện, cứ nhìn cảnh các cụ già 80 - 90 tuổi phải chịu điều trị với những mở khí quản, thở máy, đặt ống xông, ống dẫn nước tiểu, dẫn phân... thấy sao mà khổ quá.
Y học hiện đại có thể giúp con người ta duy trì đời sống, dù chỉ là sống thực vật được rất lâu. Nhưng vấn đề là sống như thế có đáng gọi là sống?
Minh Anh