[links()]
Bạn con bảo: “Khi tớ thành công, mọi người đều bảo rằng bố tớ là cái ô của sự thành công ấy. Còn khi tớ thất bại, thì mọi người bảo, tớ bôi tro trát trấu vào bộ mặt đức cao vọng trọng của bố tớ. Thực tình, tớ rất khổ tâm”
Ơn Trời, con không có nỗi khổ tâm như bạn, bởi danh vọng của bố chỉ vừa đủ để chị em con có được cuộc sống sung túc.
Đôi lúc, những người bạn con say sưa ví dụ bên Tây người ta không ngủ chung giường với con cái, không xúc đồ ăn cho con, hay khi con khóc, cha mẹ sẽ nghiêm mặt chứ không dỗ dành...
|
Chờ con về |
Vâng, đó là chuyện tận bên Tây. Còn bố, bố đã xúc cơm cho con cho tới tận khi con 14 tuổi. Con cứ chúi mũi vào những Truyện cổ Grim, Cánh buồm đỏ thắm..., bên cạnh, bố cần mẫn xúc từng thìa cơm, miệng cứ vẹo vọ theo mỗi lần cái miệng con há to hay bé. Các bác cứ rít lên: “Thằng cận, mày chiều con quá thế nó hư”. Mặc kệ, kêu là việc của các bác, chiều là chuyện của bố con mình.
Bố không thể chịu đựng được những giọt nước mắt của con, bố ôm con vào lòng và tiếng con gào khóc sẽ làm bố sợ hãi. Bố thoả mãn tất cả những quái nguyện của con, chỉ để không phải nhìn và không phải nghe con khóc.
Nhưng Tết này tay bố đã run.
27 Tết bố cặm cụi ngồi gói 1 cặp bánh chưng đặc biệt cho chị em con. Bố bảo cả nhà không cho bố gói nhiều bánh thì thôi, chứ riêng hai con gái của bố, nhất định phải ăn bánh chưng bố tự tay làm.
Bố gọi liên tục, chỉ để xác nhận là chị em con sẽ đúng hẹn về ăn bánh chưng. Bố cứ nhắc đi nhắc lại: “Thật nhé. Về thật nhé”. Được một lát, lại gọi: “Thế bao giờ được nghỉ Tết hả con?”.
Rồi chị em con cũng về, như đã hẹn. Bố mừng quýnh, ra tận cửa xách túi, xuýt xoa: “Con gái rượu đã về, con gái rượu đã về”.
Sáng 30, bố tự mình đi mua trầu cau để dâng cúng ông bà. Bố giơ lá trầu lên bảo: “Các con thấy không, lá trầu có hình trái tim, dù trái tim này không phải màu hồng, nhưng sức nóng chẳng bao giờ phai cạn. Dâng trầu cau cho ông bà tổ tiên, để vị cay nồng làm ấm tháng ngày Đông, để tổ tiên ấm hồn trong một mùa Xuân mới”.
Giao thừa, bố mặc quần áo chỉnh tề, gọi cả nhà lên làm lễ. Bố đứng trước một chút, cả nhà đứng hơi lui lại phía sau. Bố thắp hương, khói mờ mờ cả phòng thờ. Rành rọt, bố đọc tên từng thành viên trong gia đình, khấn tổ tiên phù hộ độ trì. Mẹ bỗng phát hiện: “Ông cầu xin tổ tiên phù hộ cho vợ con. Nhưng mà còn ông nữa đấy, ông quên không khấn xin các cụ phù hộ cho ông rồi”.
Bữa cơm đêm giao thừa lại miên man những câu chuyện về lịch sử dòng họ. Cụ đời nào là Thượng thư, cụ đời nào là thày dạy vua học, cụ đời nào được dựng bia trong Văn Miếu,... Thật có lỗi vì chẳng bao giờ chúng con nhớ nổi tên các cụ, gia phả nhà mình bố đã nhờ Viện Hán Nôm dịch, năm nào chúng con cũng chỉ đọc 1 lần vào dịp Tết mà thôi.
Chúng con biết, bố chẳng trách chúng con đâu. Nhưng bố mong lắm, mong chúng con biết trân trọng cội nguồn.