Thèm thuồng ngóng đợi...

Google News

Chẳng như ngày xưa, cả năm chờ đến Tết, bởi chỉ có Tết mới được sống những ngày vui đến thế.

- Đôi khi tôi tự hỏi, có phải giờ mọi thứ đủ đầy, cả năm thích gì có nấy, đâu phải chờ đến Tết mới được ăn, được chơi, được mặc như ngày xưa nên cái niềm vui háo hức ngóng Tết không còn nữa? Cũng có thể.

Nhưng tôi nghĩ do một thứ rất quan trọng. Đó là do tâm hồn mình theo năm tháng dường như đã cỗi đi mất rồi. Đôi mắt không còn trong trẻo, ngây thơ, không còn niềm tràn trề hứng khởi của lần đầu tiên được khám phá niềm vui. Giác quan đã đủ no để không còn sự thèm thuồng ngóng đợi một nếm trải khác với bình thường. Tết vì thế ê hề rượu thịt, vật chất dư thừa nhưng lại thấy thiếu. Thiếu cái cảm giác hạnh phúc mà những thứ trước mắt không đem lại cho ta.

Chẳng như ngày xưa, cả năm chờ đến Tết, bởi chỉ có Tết mới được sống những ngày vui đến thế. Chỉ có Tết mới được hưởng những thứ khác - ngày -  bình - thường như thế.

 

Tết xưa bao giờ cũng đẹp
Tết xưa bao giờ cũng đẹp



Trước Tết cả tháng, bọn trẻ con chúng tôi đã nắc nỏm hỏi nhau: Mày có được may quần áo mới không, mua vải chưa, cả bộ hay một cái? Những ngày áp Tết, chiếc máy khâu của chị gái tôi chạy không ngừng. Xành xạch, xành xạch tới tận đêm khuya. Vải vóc treo rượp rà, người đến lấy quần áo hết tốp nọ tới tốp kia.

Tôi và thằng em trai sốt ruột, nhìn đám vải của khách vơi đi sao mà chậm. Khách chưa xong thì chúng tôi chưa đến lượt. Chị tôi bảo phải giữ chữ tín, ưu tiên khách trước, hết khách mới đến người nhà. Tôi lôi tấm vải hoa mẹ mua cho may bộ đồ, hết ướm vào người lại móc lên dây, thở dài thườn thượt.

Chiều 30, tôi đang nóng ruột nóng gan với bộ quần áo vẫn chỉ là tấm vải thì bố tôi đi đâu về, ngó xuống bàn chân tôi bảo: “Đúng là phải mua dép mới, dép này rách rồi”. Tiếng mẹ cằn nhằn: “Bảo bố đưa đi từ mấy hôm trước thì không nghe, giờ lạnh lẽo, rét mướt thế này”. Mặc kệ mưa, mặc kệ rét, tôi nhảy phốc lên gác ba ga xe bố, lòng hớn hở nghĩ đến đôi dép nhựa mới tinh.

Không biết bố đưa tôi đi qua bao đường đê, gió lạnh thổi hun hút hai bên tai, mưa quất vào mặt ướt nhẹp, bao nỗi thất vọng khi qua quán nào (mỗi quán cách nhau vài cây số) cũng đều nhận được cái lắc đầu: hết hàng…

Cuối cùng tôi cũng được cầm đôi dép mong ước trên tay. Đôi dép màu xanh ngọc, trong veo, nhìn rõ cả đường gân dưới đế, uốn trên tay dẻo như một chiếc kẹo gôm ngọt ngào.

Sáng mùng 1, diện bộ quần áo hoa sặc sỡ thơm mùi hồ, còn mờ mờ vết phấn mà chị tôi đỏ mắt thức suốt đêm kẻ, vẽ may cho em chưa kịp giặt, chân đi đôi dép xanh óng ả, tôi vui sướng bước ra đường đánh đáo, chơi dây thun cùng lũ bạn, gió lùa sột soạt bên tà áo, cảm giác cả người mình tỏa ra một thứ hương tinh khôi, mới tinh, sạch sẽ, thứ hương của ngày Tết.

Chiều tối, bên bếp lửa bập bùng, mẹ tôi lôi từ chiếc rổ to treo lơ lửng giữa bếp đủ món ngon, nào dồi lợn, gan, lòng, giò… những thứ mà ngày thường nằm mơ tôi cũng không thấy.

Chiếc rổ treo quá cao so với tôi, tôi không nhìn được mẹ đựng những gì trong đó. Chỉ biết, mỗi lần tay mẹ với lên, là một lần rút ra một món ăn thơm lừng, béo ngậy. Trong tiềm thức của tôi, đó là những chiếc rổ thần kỳ, chiếc rổ có phép màu biến hóa ước mơ của truyện cổ tích chỉ có khi Tết về.

Năm tháng qua đi, tôi không còn là một cô bé con. Những cái Tết cũng đầy đủ dần. Nhưng không hiểu sao nghĩ đến Tết, tôi không hề nhớ đến những cái Tết trưởng thành, sung túc sau này mà trong ký ức, luôn lóng lánh màu xanh của hạnh phúc khi cầm đôi dép mới trên tay sau chặng đường dài rét run cầm cập, của niềm vui vỡ òa đúng sáng mùng 1 kịp quần áo mới, của mùi thức ăn ngào ngạt từ chiếc rổ diệu kỳ…

Và tôi biết có những cái Tết đã trôi rất xa, có những mùa xuân  không bao giờ trở lại…

 

Mai Loan