Nhân sự kiện này, tiến sĩ Trần Đình Bá - Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam - đã có ý kiến cá nhân phân tích, nhận định về sáng kiến nắn đường bay làm lợi 3.000 tỷ đồng của Cục Hàng không Việt Nam. Kiến Thức xin đăng tải ý kiến trên (tiêu đề bài viết do Kiến Thức đặt lại).
Trong Hội nghị tổng kết 5 năm “Tối ưu hóa đường hàng không năm 2008 - 2012”, Cục hàng không
Việt Nam (HKVN) đã lạc quan công bố thành tích vĩ đại: Riêng Vietnam Airlines (VNA) được hưởng lợi trọn vẹn 3.000 tỷ đồng nhờ nắn chỉnh đường đi, giảm giờ bay trên những đường bay tối ưu do Cục này lập ra.
"Kẻ tung - người hứng"
Cụ thể, Cục trưởng HKVN Lại Xuân Thanh hứng khởi cho biết: “Đứng trước những áp lực giảm tắc nghẽn trên không, các cơ quan, đơn vị hàng không và không quân đã phối hợp cải thiện, điều chỉnh bổ sung đường hàng không và phương thức bay để tối ưu hóa từng hành trình bay. Trong 5 năm, thiết lập mới 17 đường bay quốc tế và 12 đường bay nội địa, điều chỉnh thông số và chế độ hoạt động của 39 đường bay quốc tế và nội địa, mang về hiệu quả kinh tế lớn chưa từng có… Sắp tới sẽ triển khai thêm một số đường bay đi Lào, rút ngắn tuyến bay Hà Nội – Australia, Singapore – Tân Sơn Nhất, Hà Nội – Xiêm Riệp (Campuchia), điều chỉnh toàn bộ hệ thống đường hàng không Việt Nam – Trung Quốc… Cục HK đang có những sáng tạo đột phá vượt bậc đi trước thế giới, thiết lập đường hàng không cao tốc nội địa, đường bay song song một chiều phục vụ tuyến bay trục Bắc - Nam để làm gương cho ICAO phải học tập nhằm giảm thời gian bay và giảm tắc nghẽn trên không trong năm 2013 – 2015".
Phó tổng giám đốc VNA Phan Xuân Đức cũng thừa nhận: “Về hiệu quả kinh tế, trong 5 năm 2008 – 2012, riêng VNA hưởng lợi khoảng 3.000 tỉ đồng trên những đường bay nắn chỉnh tối ưu hóa của Cục HKVN. Chính xác là từ 2008 đến tháng 6/2013, khai thác 14 đường bay, tổng số chuyến bay là 307.556, rút ngắn thời gian bay khoảng 15.943 giờ, tiết kiệm được 62.045 tấn nhiên liệu. Ngoài ra, mỗi chuyến bay cũng góp phần giảm khí thải nhà kính, bảo vệ môi trường".
Như vậy với "gói" 3.000 tỷ về đường bay tối ưu của Cục HKVN từ 4 năm trước và nguồn lợi theo lũy tiến từ 2012 đến 2014, chắc chắn việc VNA lãi tới trên 5.000 tỷ vẫn là khiêm tốn.
Tiền đi về đâu?
Cho đến nay, Cục HKVN, VNA, Vụ Vận tải, Vụ KHCN bộ GTVT vẫn đang loay hoay với bài toán hiệu quả kinh tế đường bay trên tuyến chủ lực Hà Nội - TP HCM mà không đưa ra được một sơ đồ, công thức tính để chứng minh... thì lấy đâu mà tiết kiệm, mà có lãi? Ai sẽ là người đứng ra kiểm toán, thẩm định cho nguồn "lãi khủng" này của Cục HKVN và VNA? Số lãi từ sáng tạo khoa học công nghệ này sẽ xử lý thế nào về lợi nhuận, thuế, quyền sở hữu trí tuệ? Đó là những câu hỏi mà dư luận vẫn đang băn khoăn.
Một thực tế là các hãng hàng không bay trên đường bay do cơ quan điều hành không lưu Cục HKVN độc quyền quản lý khai thác điều hành, cùng hưởng thành quả sáng tạo này, thế nhưng hiệu quả mang lại chỉ là sự kiệt quệ của chính các hãng. Xin điểm tên từng hãng một:
Indochina Airlines (ICA) khai sinh đúng thời điểm "sáng tạo” đó, song chỉ bay 1 năm mà đã nợ tới 50 tỷ đồng, buộc phải ngừng bay.
Air MeKong (MCA) với biểu tượng sếu đầu đỏ quý hiếm "chào đời” vào năm 2011 nhưng chỉ sau đúng 1 năm đã phải “khai tử” oan nghiệt trên những "đường bay 3.000 tỷ" của Cục HKVN.
Hãng hàng không JPA có từ thế kỷ trước nhưng càng bay càng nghèo, tới mức bị bần cùng hóa, bị VNA thôn tính và sáp nhập vào dưới quyền của VNA. Được biết, bình quân mỗi tháng hãng lỗ tới 2 triệu USD.
Còn với hàng không quốc gia VNA, tính khiêm tốn thì “gói 3.000 tỷ” đồng từ 2012 đến nay sinh lãi 4.500 tỷ đồng, tương đương 220 triệu USD trên đường bay tối ưu. Nhưng với số tiền đó, tại sao VNA đến nay vẫn phải xin trợ cấp trước giờ IPO?
Như vậy, đủ cớ để nghi ngờ việc “nắn chỉnh đường bay hàng không, tiết kiệm tới 3.000 tỷ đồng" của Cục HKVN chỉ đang tự làm hại uy tín của chính mình và đang bức tử con ruột là VNA. Hy vọng, đợt thanh tra của Tổng thanh tra Chính phủ tại Cục HKVN và VNA sẽ làm sáng tỏ mọi thắc mắc của dư luận.
Trần Đình Bá