Sân bay Long Thành: Cần thiết nhưng chưa cấp thiết

Google News

Quốc hội đã thảo luận ở tổ TP Hồ Chí Minh về chủ trương xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, việc xây dựng sân bay Long Thành là cần thiết nhưng chưa cấp thiết trong thời điểm hiện tại và cần cân nhắc nguồn lực.
Thảo luận tại tổ TP Hồ Chí Minh chiều 4-11. 
Đại biểu Trần Du Lịch, đoàn TP Hồ Chí Minh cho rằng về lâu dài vùng kinh tế trọng điểm phía nam cần thêm một sân bay nữa. Sân bay Long Thành nằm trong quy hoạch vùng đô thị TP Hồ Chí Minh trong bán kính 50km tính từ Nhà thờ Đức Bà. Trong tương lai, vùng này phải tồn tại hai sân bay.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Du Lịch cũng nhấn mạnh, cần thiết thì cần thiết nhưng cấp thiết hay không thì là vấn đề lớn phải trả lời.
“Theo tôi trước tiên phải trả lời câu hỏi có nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất lên được 35-40 triệu hành khách mỗi năm hay không? Nếu nâng cấp được thì sau 5 năm nữa mới tính đến chuyện làm, tức cắt giảm được 10 năm để chúng ta có lực mà làm”.
Ông Trần Du Lịch đề nghị Đoàn TP Hồ Chí Minh mời chuyên gia trực tiếp nghe ý kiến hai chiều.
“Theo tôi được biết, sân bay Tân Sơn Nhất không thể có phương án mở đường băng thứ ba. Nếu mở sẽ phải giải tỏa Khu Công nghiệp Tân Bình… Còn với hai đường băng hiện tại cách nhau 300m mà theo tiêu chuẩn phải hơn 1.000m thì hai đường băng mới cùng cất hạ cánh được, đằng này hai mà như một. Phải mất 2 phút mới cất hạ cánh được một chuyến bay”, đại biểu Trần Du Lịch nói tiếp.
Theo tờ trình, sân bay Tân Sơn Nhất khi cất hạ cánh bị hạn chế về không lưu, đường phía tây bị lõm phía Campuchia, nếu hạ cánh phía đó sẽ vi phạm không lưu của nước bạn. Hạn chế nữa là sân bay quân sự Biên Hòa cách 25km, nếu chuẩn bị hạ cánh mà có máy bay quân sự bay lên là chúng ta phải bay trên trời chờ 10 phút mới hạ cánh được.
Với hai hạn chế này, sân bay Tân Sơn Nhất đón được tối đa 188 nghìn chuyến mỗi năm, tương ứng 25 triệu lượt khách. Nhưng có người nói rằng hai đường băng này có thể nâng lên 35 đến 40 triệu lượt khách mỗi năm. Đây là vấn đề cần làm rõ. Nếu như về mặt không lưu hai đường băng này cất hạ cánh được khoảng 300 nghìn chiếc, tức khoảng 35 triệu người thì chỉ cần giải quyết vấn đề mặt đất, tức nâng diện tích lên 1.100ha là hoàn toàn có thể, ông Lịch nói.
Theo ông, bài toán cần hiện nay trong công tác tư vấn là lý giải điều đó. Về nguyên tắc, một đường băng thông thoáng tự nó giải quyết 25 triệu lượt hành khách mỗi năm, nhưng vì hai đường băng không bay được một lúc cộng thêm hạn chế không lưu thì chỉ đạt 26 triệu lượt người là tối đa. Nếu như thực tế sân bay Tân Sơn Nhất không nâng cấp được mà không xây Long Thành, thì 2025 ai giải quyết được vấn đề bế tắc lưu thông?
Chắc chắn sân bay Tân Sơn Nhất không thể dừng lại ở 25 triệu lượt người được, đây là vấn đề bất khả kháng, nếu không làm thì vùng này không phát triển được, đại biểu Trần Du Lịch khẳng định.
Mới có điều kiện cần nhưng chưa có điều kiện đủ
Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Long Thành mới có điều kiện cần nhưng chưa có điều kiện đủ.
Theo đại biểu Huỳnh Minh Thiện, báo cáo của Chính phủ đưa ra hai lý do cấp thiết phải xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là: để hình thành cảng hàng không quốc tế trung chuyển, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và xu hướng phát triển của hàng không trong nước, khu vực và quốc tế. Thứ hai là và Sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải.
Về việc hình thành cảng hàng không quốc tế trung chuyển, đại biểu cho rằng, báo cáo đưa ra phân kỳ đầu tư là ba giai đoạn. Giai đoạn 1 là 25 triệu lượt khách, giai đoạn 2 là 50 triệu lượt và giai đoạn 3 là 100 triệu để chúng ta cạnh tranh với các sân bay Chek Lap Kok (Hồng Công), Changi (Singapore), Kuala Lumpur (Malaysia), Subvabuhami (Thái Lan)...
“Tôi thấy nghe qua thì đúng, , điều kiện cần là có nhưng tôi cho là chưa đủ. Nếu ta so sánh với Hồng Công, Thái Lan, Singapore, Malaysia về vấn đề tốc độ tăng trưởng kinh tế, đầu tư thương mại xuất nhập khẩu, kể cả tiềm năng du lịch của Việt Nam thì Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trở thành trung tâm trung chuyển. Nhưng nếu chúng ta so sánh về tiềm lực thì chúng ta chưa đủ sức cạnh tranh vì nội lực kinh tế - thương mại – xuất nhập khẩu – du lịch chúng ta đều thua xa về cái này”, đại biểu Thiện nói.
Còn theo đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh), trong thời gian tiếp xúc cử tri vừa qua, có rất nhiều ý kiến cử tri chất vấn về việc tại sao sân bay Tân Sơn Nhất lại có xây dựng sân golf. Việc xây dựng sân golf ở đây không chỉ lấn đất của sân bay mà còn gây ô nhiễm môi trường. Nên lấy đất này để tăng bãi đậu, phát triển nhà ga Tân Sơn Nhất.
Tuy nhiên, về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh giải thích rằng sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất là đất lưu không, đất ở loại khung sườn, tức là không dùng gì vào việc xây dựng hạ tầng ở bên dưới. Sân golf do doanh nghiệp quân đội đầu tư, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều người. Khi nào nhà nước có nhu cầu sử dụng đất cho quốc phòng, an ninh cần phải thu hồi thì thu hồi không có đền bù. Đây là điều đã được ghi trong hợp đồng rồi. Cho nên đầu tư sân golf ở đây là chỉ tận dụng đất mà thôi.
Theo báo Nhân Dân