|
Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành |
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam về tính ưu việt của phương án xây dựng cảng hàng không trung chuyển quốc tế đầu tiên của Việt Nam tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Theo ông Hùng, ngoài phương án phát triển Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Tổng công ty đã giao Công ty cổ phần tư vấn hàng không Nhật Bản (JAC) nghiên cứu thêm hai phương án khác để xem xét, đánh giá gồm: mở rộng, cải tạo Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và mở rộng/cải tạo căn cứ không quân Biên Hòa.
Cụ thể, chi phí xây dựng mới sân bay tại Long Thành chỉ vào khoảng 7,817 tỷ USD, (ước tính cho giai đoạn 1A là 5,6 tỷ USD) trong đó đã chi phí thu hồi đất là 730 triệu USD (1.500 hộ dân tái định cư). Trong khi đó, cùng với đề bài như trên, nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cần tới 9,15 tỷ USD chi phí xây dựng cùng 16,1 tỷ USD giải phóng mặt bằng và di dời một lượng dân cư khổng lồ lên tới 150.000 người. Việc biến sân bay Biên Hòa thành sân bay dân sự cũng không có tính khả thi dù có chi phí xây dựng tương đương nhưng chi phí giải phóng mặt bằng lên tới 4,6 tỷ USD và phải bố trí thêm một căn cứ không quân thay thế.
Để dễ hình dung, đại diện JAC cho biết, để có thể đạt quy mô diện tích tương đương sân bay Long Thành (5.000 ha), sân bay Tân Sơn Nhất sẽ cần lấy thêm khoảng 4.200 ha đất đô thị nữa. Điều này có nghĩa là Tp.HCM sẽ mất toàn bộ diện tích của 3 quận nội thành có mật độ dân số rất lớn là Phú Nhuận, Tân Bình và Gò Vấp với tổng cộng 900.000 dân sẽ phải thực hiện tái định cư phục vụ mở rộng sân bay .
"Chi phí thu hồi đất cho phục vụ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất lớn gần gấp 3 lần chi phí xây dựng", ông Hùng đánh giá.
Đáng quan ngại là nếu bám theo phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, sẽ có khoảng 300.000 dân cư tại TPHCM chịu ảnh hưởng bởi ô nhiễm tiếng ồn từ các hoạt động cất/hạ cánh.
Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước về hàng không, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, trong số 3 phương án được xem xét, cảng hàng không quốc tế Long Thành có hệ thống giao thông tiếp cận thuận lợi hơn. Theo quy hoạch, trong giai đoạn I, cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được kết nối với hệ thống giao thông bên ngoài bằng 3 đường cao tốc: Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Bến Lức - Long Thành và Biên Hòa - Vũng Tàu.
Bên cạnh đó, nếu được triển khai xây dựng, cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ tạo ra được một "thành phố sân bay" hiện đại với khoảng 40.000 nhân viên làm việc và 70.000 người di chuyển xung quanh.
"Cảng hàng không quốc tế Long Thành hội đủ tiềm năng trở thành một đầu mối hàng không lớn trong khu vực và thế giới, đủ sức kích cầu cho kinh tế hàng không phát triển mạnh mẽ", ông Thanh đánh giá.
Theo Báo Đầu Tư