Trần lãi suất giảm còn 7,0%/năm

Google News

(Kiến Thức) - Theo Thông tư số15/2013/TT-NHNN, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 7,5% xuống 7,0%/năm.

NHNN vừa công bố thông tư Quy định lãi suất đa đối với tiền gửi bằng USD và VND của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo Thông tư số 14/2013/TT-NHNN, lãi suất tiền gửi bằng USD của tổ chức giảm từ 0,5%/năm xuống 0,25%/năm; Lãi suất USD tối đa tiền gửi của cá nhân giảm từ 2% xuống 1,25%/năm.

Mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi quy định như trên áp dụng đối với phương thức trả lãi cuối kỳ và các phương thức trả lãi khác được quy đổi theo phương thức trả lãi cuối kỳ.

Theo Thông tư số15/2013/TT-NHNN, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 2% xuống 1,2%/năm.

Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 7,5% xuống 7,0%/năm; riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô ấn định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 7,5%/năm.

Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Cả hai thông tư này đều có hiệu lực trong ngày mai, 28/6.

Trước đó, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến hé lộ việc trần lãi suất tiền gửi VND sẽ được điều chỉnh giảm có thể sớm nhất trong ngày mai. Đồng thời NHNN không quy định trần lãi suất tiền gửi với kỳ hạn trên 6 tháng. Lãi suất ngoại tệ USD cũng sẽ được hạ.
 
Báo cáo của đại diện NHNN – Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến tại phiên họp thường kỳ Chính phủ chiều 27/6 cho biết, đánh giá của các tổ chức quốc tế cho thấy kinh tế Việt Nam vẫn có những khó khăn, chưa thể lấy lại được đà tăng trưởng. Trong bối cảnh diễn biến kinh tế như vậy, việc đề ra các giải pháp đúng hướng cũng rất quan trọng nhưng còn tùy thuộc vào việc thực hiện phải hiệu quả. Các giải pháp phải có tính tổng thể, có sự phối hợp liều lượng cụ thể giữa các chính sách. Những giải pháp của chính sách tiền tệ chỉ có giới hạn nhất định, nếu không có sự phối hợp của các chính sách khác sẽ khó đem lại hiệu quả.

 

Những giải pháp của chính sách tiền tệ thời gian qua đã có những kết quả nhất định như giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại các khoản nợ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đảm bảo thanh khoản hệ thống TCTD; cơ cấu lại hệ thống (sắp xếp, cơ cấu lại 9 TCTD yếu kém); tỷ giá tương đối ổn định; thị trường vàng dần đi vào nề nếp, không còn xảy ra hiện tượng sốt vàng, giảm hiện tượng đầu cơ, tăng dự trữ ngoại hối, tăng thu cho ngân sách nhà nước thông qua việc bán đấu thầu vàng miếng…

Theo Phó Thống đốc, về điều hành lãi suất, thời gian qua, các mức lãi suất điều hành của NHNN đã được giảm, lãi suất cho vay cũng giảm từ 15%/năm còn 10%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên, trần lãi suất tiền gửi VND giảm còn tối đa 7,5%/năm đối với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng (tại nhiều TCTD, mức lãi suất còn 7%/năm).

Phó Thống đốc cho hay, dựa trên diễn biến lạm phát trong 2 tháng vừa qua, với khả năng kiểm soát lạm phát và khả năng sử dụng công cụ lãi suất thì NHNN có thể tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất cho vay cũng như lãi suất tiền gửi trong thời gian rất ngắn tới. Theo Phó Thống đốc, mức lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên có thể được đưa về mức 9%/năm thay vì 10%/năm,  thậm chí với những dự án tốt, những doanh nghiệp tốt có thể được ngân hàng thương mại cho vay với mức 7-8%/năm. Lãi suất huy động cũng sẽ có những điều chỉnh nhất định. Lãi suất tiền gửi VND tối đa có thể giảm từ 7,5%/năm về 7%/năm, đồng thời không quy định trần lãi suất với tiền gửi kỳ hạn trên 6 tháng. Với tiền gửi là USD, hiện lãi suất huy động hiện phổ biến bằng mức trần do NHNN quy định là 2%/năm đối với tiền gửi của dân cư và 0,5%/năm đối với tiền gửi của tổ chức. Khoảng chênh lệch giữa lãi suất tiền đồng và ngoại tệ không cao nên người dân có tâm lý giữ USD hơn là giữ tiền đồng. Mức lãi suất tiền gửi USD đối với dân cư cũng sẽ được hạ xuống.

Về các mức lãi suất sẽ được điều chỉnh giảm, Phó Thống đốc nhấn mạnh: “Đây là những giới hạn điều chỉnh cuối cùng trong tình hình lạm phát hiện nay”. Trong khi đó, diễn biến CPI bình quân 6 tháng tăng 6,73%, với mức lãi suất tiền gửi còn 7%/năm (cho các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng) thì quyền lợi người gửi tiền cũng sẽ không còn được như trước. Với việc giảm chênh lệch lãi suất huy động và cho vay, thu nhập của nhiều TCTD sẽ không có lãi. Chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra nếu chưa thực hiện dự phòng chỉ còn 3%, trong khi đã thực hiện dự phòng chỉ 1,93%, theo Phó thống đốc.

Về việc triển khai  Nghị định 24/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng, Phó Thống đốc cho hay, thị trường vàng đã ổn định, hoạt động kinh doanh vàng đi vào trật tự, hạn chế tình tình trạng đầu cơ, nhập lậu vàng, góp phần ổn định thị trường ngoại hối. NHNN đã tổ chức các phiên đấu thầu vàng miếng, tăng cung cho thị trường, góp phần tăng thu ngân sách và dự trữ ngoại hối. Đến nay các TCTD cơ bản đã hoán tất được việc tất toán trạng thái huy động vàng, đảm báo đúng thời hạn 30/6. Chính phủ cũng chỉ đạo không gia hạn cho TCTD nào còn chưa tất toán xong.

Theo Phó Thống đốc, nguồn vốn tín dụng đã tăng trưởng trở lại, đến cuối tháng 6/2013 đã tăng khoảng 3,5%. Ông khẳng định: “Kỳ vọng của doanh nghiệp về sử dụng vốn vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, với nhiều lĩnh vực, vấn đề thị trường, đầu ra cho sản phẩm, giá thành sản phẩm, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, sử dụng vốn cũng có tính chất quyết định. “Hệ thống ngân hàng hoạt động hiệu quả khi phân bổ hiệu quả nguồn lực tài chính”, Phó Thống đốc cho biết thêm. Ông cũng khẳng định, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm 2013 là rất khả thi.

BÀI LIÊN QUAN:
BÀI ĐỌC NHIỀU:

Linh Anh