Báo chí Myanmar gần đây cho biết, chính phủ nước này có kế hoạch mua máy bay chiến đấu JF-17 do Trung Quốc và Pakistan hợp tác sản xuất.
Lý giải điều này, Thời báo Myanmar cho rằng, do các nước xung quanh đang tăng cường sức mạnh quân sự, nếu Không quân Thái Lan đã mua 12 máy bay chiến đấu Gripen của Thuỵ Điển, thì Bangladesh cũng có kế hoạch mua máy bay chiến đấu mới của Trung Quốc hoặc Nga, điều này khiến cho Không quân Myanmar không thể không xem xét việc mua máy bay chiến đấu mới.
Còn theo tạp chí Jane’s Defence Weekly, việc Myanmar muốn mua máy bay chiến đấu JF-17 chắc hẳn là dùng để đối phó với phiến quân độc lập Kachin nằm ở phía Bắc nước này.
Ngoài thông tin về việc mua sắm thì có tin cho rằng Myanmar muốn mua giấy phép sản xuất để chế tạo JF-17 trong nước.
|
JF-17 với các loại vũ khí mà nó có thể mang.
|
Một số chuyên gia quân sự cho rằng, tính năng của máy bay chiến đấu JF-17 đại khái là gần giống với mẫu F-16A của Mỹ, nhưng giá rẻ hơn so với máy bay F-16A. Vì vậy rất hấp dẫn đối với quốc gia thế giới thứ 3 có kinh phí hạn chế.
JF-17 Thunder (hoặc còn được gọi là FC-1 Kiêu Long) là mẫu máy bay tiêm kích đa năng có giá rẻ nhất thế giới hiện nay (khoảng 15-20 triệu USD) nhưng lại sở hữu những tính năng không hề thua kém các máy bay chiến đấu Nga, phương Tây.
Ví dụ, về mặt hỏa lực, JF-17 có thể mang được các loại tên lửa không đối không ngoài tìm nhìn, tên lửa chống tàu cận âm/siêu âm tầm xa, bom có điều khiển. Thậm chí, Pakistan đang nghiên cứu khả năng tích hợp tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân trang bị cho JF-17.
Hiện nay, Không quân Myanmar có khoảng 23.000 quân đảm nhận nhiệm vụ phòng không và hỗ trợ các chiến dịch truy quét phiến quân.
Lực lượng của không quân được bố trí ở 10 căn cứ, trang bị 32 tiêm kích đa năng hạng nhẹ MiG-29B và MiG-29SE của Nga, 25 tiêm kích đánh chặn hạng nhẹ J-7M và máy bay cường kích Q-5 do Trung Quốc chế tạo. Tuy nhiên, các máy bay chiến đấu của Myanmar hầu hết đã cũ, ngoại trừ MiG-29 thì J-7M và Q-5 có khả năng tác chiến hạn chế.
Bằng Hữu