Hiện nay, có nhiều trường phái châm cứu được sử dụng phổ biến như thể châm (châm các các huyệt trên cơ thể), nhĩ châm (châm các huyệt trên loa tai), diện châm (châm hoặc ấn các huyệt trên mặt), túc châm, thủ châm, tỵ châm, châm tê, trường châm, mãng châm, chôn chỉ... Mỗi loại châm cứu đều có một hiệu quả nhất định trên một số dạng bệnh lý khác nhau.
Theo y học cổ truyền, châm cứu giúp phục hồi lại sự tuần hoàn tốt của hệ kinh - mạch và tăng khả năng phòng vệ của cơ thể (sức đề kháng) nên có thể phòng và trị được bệnh.
Để châm cứu có hiệu quả tốt nhất, người thầy thuốc phải được đào tạo tốt, tự tin, có sức khoẻ tốt, tập trung khi thao tác, bảo đảm nguyên tắc vô trùng y dụng cụ. Đối với người bệnh thì phải tin tưởng, tâm trạng thoải mái, không quá lo sợ, không ăn quá no, quá đói.
Những trường hợp cần cẩn thận hoặc chống chỉ định sử dụng châm cứu như người bệnh căng thẳng, sợ kim, tránh một số huyệt nhạy cảm khi người bệnh có thai, da chai, sẹo hoặc đang viêm nhiễm. Tránh các vùng có mạch máu lớn, bệnh lý rối loạn đông máu, hoặc đang dùng thuốc kháng đông máu. Người bệnh không hợp tác (kết quả sẽ kém).
Châm cứu có tác dụng tốt trong các trường hợp bệnh lý có căn nguyên rối loạn chức năng, các bệnh lý gây đau do nguyên thần kinh, co thắt cơ vân - cơ trơn, do liệt vận động, một số bệnh lý viêm không do vi trùng mạn tính.
BSCK II Trần Văn Năm (quyền Viện trưởng Viện Y dược học Dân tộc TPHCM)