Sau khi đăng thông tin tư vấn của TS Hoàng Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia về việc: "Không phải ăn xương là bổ xương". Bài viết này sau đó nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc.
Từ canxi vô cơ thành hữu cơ
Theo TS Hoàng Kim Thanh, ăn bột, cháo với nước ninh xương sẽ khiến trẻ thiếu nhiều thành phần dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu vi chất dinh dưỡng. Ăn xương không bổ xương như nhiều người vẫn nghĩ. Hơn nữa, ăn như vậy còn có hại bởi: lượng canxi thôi ra từ xương ống rất ít, mà đó cũng là canxi vô cơ - không tốt cho sức khoẻ của trẻ. Chất béo trong tủy xương ống là chất béo no khiến các cháu ăn vào bị đầy bụng, khó hấp thu các chất dinh dưỡng khác. Nên dừng ngay việc cho trẻ ăn bột quấy với nước hầm xương bởi ăn như vậy không giúp bổ sung canxi mà còn làm trẻ bị thiếu chất, ảnh hưởng đến sự phát triển.
Một số độc giả thắc mắc: Đã có sách nào, nghiên cứu nào chứng minh việc ăn xương không bổ xương chưa? Theo như tư vấn, trẻ con không nên ăn nước hầm xương ống, còn người lớn thì sao?
Độc giả Ngô Khắc Nghĩa (ở Hà Nội) cho biết, ông đọc nhiều tài liệu thấy nói rằng, ăn nước hầm xương rất tốt, bên cạnh đó cũng không ít lần đọc được thông tin rằng ăn nước hầm xương không tốt. Vậy trong vấn đề khoa học này, đâu là đúng?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, lâu nay người ta vẫn ninh xương để lấy nước ngọt ăn. Thực tế, trong nước ninh xương có một số chất khoáng vô cơ, nhưng khi được hấp thụ vào cơ thể người thì nó chuyển thành chất khoáng hữu cơ. Trong nước ninh xương có nhiều chất béo, vì vậy trẻ em không nên ăn; hoặc nếu ăn thì trước đó nên được gạn bớt phần béo đi. Một điều nữa, không nên chỉ ninh xương ống, mà có thể ninh xương gà, xương lợn để các loại nước ngọt này đa dạng hơn.
|
Trong nước ninh xương có nhiều chất béo, vì vậy trẻ em không nên ăn. |
Vấn đề ở tủy xương
Theo BS Hoàng Xuân Đại, nguyên chuyên viên Bộ Y tế, tủy xương có thành phần gì gây cản trở khả năng hấp thu canxi vào cơ thể trẻ thì cho đến nay vẫn chưa có chứng cứ khoa học chứng minh. Chỉ có thể phỏng đoán: Trong tủy xương chứa một loại mỡ mà khả năng ống tiêu hóa của trẻ chưa vẹn toàn nên khó tiêu. Vì vậy, ta nên loại bỏ phần mỡ nổi trên vì bao giờ mỡ cũng nhẹ hơn nên nổi lên trên. Như vậy, việc sử dụng nước xương hầm sẽ không bị cản trở đến khả năng tiêu hóa nói chung, khả năng hấp thụ canxi nói riêng.
Cùng đừng nghĩ nước xương bổ xương mà lạm dụng dùng nhiều nước hầm xương. Lưu ý, khi trẻ đang mắc chứng rối loạn tiêu hóa thì không cho dùng nước hầm xương. Dù trẻ không có vấn đề về tiêu hóa thì trước khi ninh nấu vẫn nên nạo bỏ hết tủy xương và chỉ dùng xương đơn thuần.
Trong phần cứng của xương có khoáng chất, nhưng trong cá, tôm cũng có các chất khoáng. Vì vậy, lời khuyên của các chuyên gia là nên ăn thực phẩm đa dạng để bổ sung các chất khoáng chứ không nhất thiết là chỉ tập trung vào nước xương. Người già có bộ máy tiêu hóa yếu, khi ăn nước xương cũng tương tự như trẻ nhỏ, tức là nên gạt bỏ bớt phần béo để không cản trở sự hấp thu canxi. Tiêu hóa chất béo không thỏa đáng có thể làm giảm sự hấp thu canxi. Nguyên nhân có thể là do canxi kết hợp với axit béo không hấp thụ tạo nên canxi đen, bài tiết ra ngoài theo phân.
TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU
Lâm Nhi