Chỉ thị 42 không chỉ khẳng định vị trí vai trò của Liên hiệp Hội Việt Nam với tư cách là tổ chức chính trị-xã hội của trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam , mà còn là sự đòi hỏi với những giải pháp cụ thể để Liên hiệp Hội Việt Nam đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động.
|
Đại biểu QH khóa 14, Phó ban Dân nguyện của Quốc Hội Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại buổi Toạn đàm “Giải pháp nâng cao đạo đức hành nghề trong giai đoạn hiện nay” do LHHVN tổ chức năm 2019.
|
Để triển khai thực hiện chỉ thị 42 của Bộ Chính trị, Ban tuyên giáo TW đã có văn bản hướng dẫn số 106 ngày 25/5/2010, sau đó là thông báo của Ban Bí thư số 353 TB/TW ngày 25/6/2010 về việc xác định các đề án để triển khai thực hiện Chỉ thị số 42 CT/TW.
Liên hiệp Hội Việt Nam đã có chương trình hành động triển khai thực hiện Chỉ thị 42, đã xây dựng chiến lựơc phát triển Liên hiệp Hội Việt Nam giai đoạn 2010-2020, kế hoạch thực hiện chiến lược giai đoạn 2010-2015.
Liên hiệp Hội Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả hoạt động trên tất cả các mặt: Phát triển tổ chức, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đặc biệt là các hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đã thể chế hóa và sửa đổi bổ sung, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Liên hiệp Hội Việt Nam, sự lãnh đạo của Đảng đối với Liên hiệp Hội Việt Nam được tăng cường...
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Đặng Văn Thanh – Chủ tịch Hội Kế toán kiểm toán Việt Nam thì kết quả đạt được của Chỉ thị 42 còn nhiều hạn chế, đúng như nhân định của Bộ chính trị: Hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam còn những hạn chế như chưa tập hợp được đông đảo trí thức khoa học và công nghệ, trí thức trẻ, trí thức trong doanh nghiệp và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài; nội dung và phương thức hoạt động còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp; việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội thành viên và hội viên của các hội thành viên chưa được quan tâm đúng mức.
Hạn chế lớn nhất là về nhận thức, mặc dù chỉ thị đã nêu, Phát triển Liên hiệp Hội Việt Nam là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ. Tuy vậy một số cấp ủy và cấp chính quyền chưa quan tâm và tạo điều kiện cho hệ thống Liên hiệp Hội và các tổ chức thành viên của Liên hiệp Hội Việt Nam hoạt động. Các biệt có những nhận thức cho rằng Liên hiệp Hội Việt Nam là tổ chức xã hội, không những không quan tâm, không hỗ trợ về nhân lực mà còn chưa tạo điều kiện trong hoạt động. Đội ngũ trí thức còn một bộ phận chưa mặn mà với hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam và hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Đến năm 2020 Liên hiệp Hội Việt Nam khó đạt được mục tiêu xây dựng Liên hiệp Hội Việt Nam trở thành tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ; góp phần quyết định đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Đến nay, Khoa học và công nghệ vẫn chưa thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế -xã hội, tăng năng suất lao động xã hội của Việt nam. Năng suất lao động của Việt nam rất thấp chỉ bằng 1/2 thậm chỉ 1/5 của các nước trong khu vực. Hàm lượng trí tuệ , giá trị gia tăng trong sản phẩm, dịch vụ rất thấp.
Một số nhiệm vụ của Chỉ thị 42 đã được thực hiện, nhiều giải pháp đã được triển khai. Nhưng có nhiệm vụ chưa hoàn thành, có không ít giải pháp chưa được triển khai hoặc triển khai ít kết quả, không hiệu quả , như việc tăng cường mối liên kết liên ngành, liên vùng, phối hợp giữa Trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giữa các hội thành viên.
Công tác củng cố các tổ chức hội thành viên theo hướng nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả hoạt động nghề nghiệp và dịch vụ xã hội, quá trình chuyển giao dịch vụ công cho các tổ chức nghề nghiệp còn rất khó khăn, ngập ngừng và không dứt khoát. Công tác Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ hoạt động hội được triển khai khá mạnh mẽ , nhưng chưa theo một chương trình thống nhất, có tính hệ thống. Chưa thu hút, động viên, khuyến khích được nhiều trí thức khoa học và công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt trí thức có trình độ chuyên môn cao tham gia xây dựng đất nước.
Công tác tham gia tư vấn khoa học, phản biện xã hội khá tốt, nhưng còn ít đề xuất, tham mưu cho Đảng và Nhà nước những vấn đề lớn về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước, nhất là về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, v.v.
Chưa hòan toàn chủ động và còn thiếu những cơ chế để Trí thức và các tổ chức thành viên Liên hiệp Hội Việt Nam chủ động tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong quá trình xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; các chương trình, dự án, đề án lớn về phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, kinh tế - xã hội trước khi cấp có thẩm quyền quyết định.
Việc Tăng cường các mối quan hệ giữa trí thức khoa học và công nghệ với Đảng và Nhà nước còn yếu. Chưa làm tốt vai trò điều hoà, phối hợp giữa các hội thành viên. Chưa mở rộng và đa dạng hoá các hình thức hợp tác về khoa học và công nghệ với các bộ, ngành, doanh nghiệp và các tổ chức khác trong và ngoài nước. Chưa thu hút, tập hợp ngày càng đông đảo trí thức khoa học và công nghệ tham gia hoạt động hội.
Nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội khác chưa thật đầy đủ, đúng mức về vai trò, vị trí của Liên hiệp Hội Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Có cấp uỷ đảng chưa thực sự quan tâm lãnh đạo và tạo điều kiện cho các tổ chức Hội hoạt động. Không có chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm tăng cường sự lãnh đạo đối với hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam, chỉ đạo chính quyền các cấp bảo đảm và tạo điều kiện thuận lợi để các cấp Liên hiệp Hội ở Trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.
Chỉ thị 42 của Bộ Chính trị năm 2010 có ý nghĩa và giá trị rất lớn đối với Liên hiệp Hội Việt Nam. Đây là căn cứ, là cơ sở để xác lập và đề cao vị thế, vai trò của Liên hiệp Hội Việt Nam. đồng thời là căn cứ để đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Nhưng vì nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan mà Liên hiệp Hội Việt Nam chưa đạt được mục tiêu phát triển ghi trong Chỉ thị.
Theo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam