Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí; cán bộ công chức, viên chức các Sở Thông tin và Truyền thông.
Phát biểu khai mạc hội nghị tập huấn, ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT cho biết, với ưu thế thông tin nhanh, phổ cập rộng, cách thức chuyển tải nội dung phong phú, hấp dẫn có sức lan tỏa và khả năng tác động lớn đến xã hội, báo chí đã trở thành lực lượng chủ lực góp phần thực hiện tốt, có hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong nhiều năm qua.
|
Ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT. |
"Điều 10 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã giao trách nhiệm cho Bộ TT&TT tổ chức, chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông thực hiện hoạt động thông tin, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Chính vì vậy, Bộ TT&TT đã phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá ngày hôm nay" - ông Hồng Hải phát biểu.
|
Toàn cảnh buổi hội nghị. |
Theo nhiều chuyên gia, tiêu dùng thuốc lá ở Việt Nam đã, đang gây ra những gánh nặng lớn về bệnh tật và tử vong, đe dọa sự phát triển kinh tế, xã hội. Thạc sỹ Phan Thị Hải - Phó Giám đốc phụ trách Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá nêu rõ: Sử dụng thuốc lá là một trong nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật, tử vong sớm. Thuốc lá chứa 7.000 hóa chất trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây nên 25 loại bệnh (ung thư, tim mạch, các bệnh về hô hấp và sinh sản).
Mỗi năm Việt Nam có hơn 84.500 ca tử vong do hút thuốc chủ động, 18.800 ca tử vong do các bệnh gây ra bởi phơi nhiễm với khói thuốc thụ động. Phần lớn những người chết vì bệnh liên quan đến thuốc lá là những người trong độ tuổi lao động, nghĩa là tử vong sớm. Sức khỏe kém, tử vong sớm do thuốc lá ảnh hưởng đến quy mô, chất lượng lao động của Việt Nam. Vấn đề này sẽ trở nên rõ rệt hơn trong 10-20 năm tới khi nhóm người hút thuốc lớn hiện nay bắt đầu trải nghiệm những tác động sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá. Việc sử dụng thuốc lá cũng đang gây thiệt hại lớn về kinh tế.
|
Thạc sĩ Phan Thị Hải - Phó Giám đốc phụ trách Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế.
|
Ngân hàng thế giới (WB) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, chính sách giá và thuế là một trong những chính sách quan trọng nhất để kiểm soát tiêu dùng thuốc lá và chiếm tới 50% trong việc giảm hút thuốc. Tuy nhiên, thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam hiện ở mức thấp so với các quốc gia thế giới và mặt bằng chung của các nước trong khu vực. Việt Nam đã có 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá: 2008 tăng mức thuế suất từ 55% lên 65%; 2016 tăng từ 65% lên 70%; và 2019 tăng từ 70% lên 75%. Nhưng với mức tăng thuế suất thấp (5% - 10% với mỗi lần tăng), cơ sở tính thuế dựa trên giá xuất xưởng thấp và khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế tương đối dài nên mức tăng giá do tăng thuế là không đáng kể. Thêm vào đó, tốc độ gia tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm vượt xa mức tăng giá thuốc lá đã làm cho sức mua thuốc lá ngày càng tăng.
Đại diện Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá cho rằng tỷ lệ sử dụng thuốc lá tại Việt Nam tuy có giảm vẫn còn ở mức cao, gánh nặng bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra ảnh hưởng đến các nỗ lực trong cam kết đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) liên quan đến sức khỏe. Trong bối cảnh đó, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức cao đối với thuốc lá là vô cùng cần thiết. Tăng thuế thuốc lá ở mức cao đủ để giảm tiêu dùng được thực hiện càng sớm sẽ giúp cứu sống nhiều người, giảm tổn thất kinh tế, xã hội.
Để đảm bảo đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá theo Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá tới năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Y tế và WHO khuyến nghị cần bổ sung mức thuế tuyệt đối với sản phẩm thuốc lá ở mức ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030, bên cạnh thuế tỷ lệ hiện tại. Phương án khuyến nghị này của Bộ Y tế và WHO sẽ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam, nữ xuống dưới 36% và 1,0% tương ứng vào năm 2030, qua đó sẽ đạt được các mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam.
Nhận định về vaI trò của thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá trong phát triển kinh tế bền vững, Tiến sỹ Nguyễn Anh Dương, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá giúp định hướng giảm tiêu dùng thuốc lá, giúp cải thiện sức khỏe (thể lực, trí lực) của người lao động, qua đó nâng cao năng suất lao động; giảm chi tiêu cho chi phí y tế của hộ gia đình, qua đó tạo điều kiện tăng chi tiêu cho giáo dục - đào tạo, tăng tiết kiệm để phục vụ hoạt động đầu tư - kinh doanh (của chính hộ gia đình hoặc đối với nền kinh tế qua hệ thống ngân hàng - tài chính). Đồng thời, bổ sung nguồn lực để Nhà nước có thể thực hiện các chương trình phát triển kinh tế bền vững (trong đó có giảm tỷ lệ hộ nghèo và bất bình đẳng thu nhập)...
Cũng tại hội nghị, các diễn giả đã tập trung chia sẻ về tình hình thực thi chính sách pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá trên thế giới và Việt Nam; cập nhật thông tin về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá; quan điểm về việc đánh thuế các sản phẩm thuốc lá mới...
>>> Xem thêm video: Nicotine trong thuốc lá có tác hại làm giảm khả năng học tập
Gia Đạt