Chân dung vua sáng chế Việt lọt top 100 thiên tài đương đại

Google News

GS. Võ Đình Tuấn là một nhà khoa học nổi tiếng với nhiều bằng phát minh và sáng chế trong lĩnh vực môi trường, sinh học, y học. Ông được Creators Synectics, một công ty tư vấn kinh doanh toàn cầu, đánh giá là "100 thiên tài đương thời thế giới"…

GS. Võ Đình Tuấn là nhà khoa học Việt kiều nổi tiếng thế giới. Ông từng nắm giữ nhiều cương vị như Giám đốc Trung tâm Lượng lượng tử ánh sáng y sinh học, Viện Thí nghiệm quốc gia Oak Ridge (ORNL). Hiện tại, ông là Viện trưởng Viện Lượng tử ánh sáng Fitzpatrick, thuộc Đại học Duke, Bắc Carolina, Mỹ cùng nhiều vai trò khác.
Chan dung vua sang che Viet lot top 100 thien tai duong dai
GS. Võ Đình Tuấn.
GS. Võ Đình Tuấn sinh năm 1948 tại Việt Nam và sang Thụy Sĩ từ năm 17 tuổi. Từ năm 1970 - 1975, ông lần lượt lấy bằng đại học rồi nhận học vị tiến sĩ hóa học vật lý y sinh của Học viện Công nghệ liên bang Thụy Sĩ ở Zurich.
Cũng trong năm 1975, vị tiến sĩ trẻ này sang định cư tại Mỹ rồi bắt đầu làm việc tại Trung tâm Thí nghiệm Quốc gia Oak Ridge (ORNL) ở bang Tennessee vào năm 1977. Kể từ đây, ông liên tục tạo ra những phát minh có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực vật lý y sinh.
Phát minh đầu tiên của GS. Võ Đình Tuấn là "Băng dán cứu sinh" (1987). Đây là một loại thiết bị nhỏ gọn, dễ sản xuất hàng loạt, dùng để gắn vào áo của công nhân khi họ làm việc trong những môi trường có nguy cơ cao, nhằm ghi lại các thông số của loại chất độc hại mà họ bị mắc phải trong quá trình lao động. Chỉ cần 11 giây người ta đã biết mình bị ngộ độc ở mức độ nào, từ đó giúp ích cho việc chữa trị kịp thời.
Trong những năm 1990, GS. Võ Đình Tuấn tiếp tục phát minh ra hệ thống lưu trữ quang học dựa trên hiện tượng tán xạ Raman tăng cường bề mặt (SERODS). Ưu điểm của hệ thống này là có mật độ lưu trữ cao và khả năng lưu trữ dữ liệu 3 chiều...
Trong lĩnh vực y khoa, GS. Võ Đình Tuấn cũng được biết đến là người áp dụng thành công nguyên lý “phát quang đồng bộ” (synchronous luminesence) để phát minh ra hệ thống chẩn đoán DNA gây bệnh tiểu đường và ung thư. Phát minh của ông đã được ứng dụng tại nhiều bệnh viện lớn của Hoa Kỳ, điển hình là Viện Ung thư quốc gia.
Ông còn nghiên cứu cải tiến những công nghệ mới như: bộ phận cảm ứng quang học nano có khả năng phát hiện những thay đổi phân tử ở cấp độ tế bào; công nghệ mạch điện tử sinh-quang học siêu nhỏ ("chip" sinh-quang học) giúp việc thí nghiệm hóa học trở nên dễ dàng và ít tốn kém hơn; quang học lượng tử giúp cho việc truyền những dữ liệu y khoa cá nhân trở nên an toàn.
Ngoài ra ông còn công bố gần 500 bài báo, công trình khoa học, với tổng số lượt trích dẫn lên tới hơn 20.000. Ông cũng là tác giả, biên tập của chục cuốn sách và bộ sách chuyên khảo đã xuất bản… 
100 thiên tài đương đại
Nhờ vào những phát minh và sáng chế nổi bật của mình, GS. Võ Đình Tuấn đã nhận được vô vàn giải thưởng có giá trị. Đó là giải R&D 100 Awards, giải thưởng danh giá và lâu đời của tạp chí R&D Magazine vinh danh các thành tựu xuất sắc trong nghiên cứu và phát triển, được mệnh danh là “Giải Oscar trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo”.
Chan dung vua sang che Viet lot top 100 thien tai duong dai-Hinh-2
GS. Võ Đình Tuấn (áo kẻ, hàng đầu tiên). 
Năm 1997, ông được Bộ Năng lượng Hoa Kỳ trao giải BER-50 Award cho dịch vụ y tế công dân nổi bật.
Năm 2002, Cơ quan Thương hiệu và phát minh Mỹ (USPTO) lựa chọn GS. Võ Đình Tuấn là một trong 4 nhà khoa học Mỹ gốc Á tiêu biểu. Theo đánh giá của USPTO, những phát minh của ông đã góp phần làm cho nước Mỹ trở thành một trong những quốc gia có nền khoa học và kỹ thuật tiên tiến bậc nhất trên thế giới.
Năm 2007, ông được Creators Synectics, một công ty tư vấn kinh doanh toàn cầu, xếp hạng là một trong 100 thiên tài đương thời của thế giới, danh sách vinh danh những nhà khoa học kiến tạo những thay đổi lớn cho nhân loại. Ông xếp hạng 43/100. Trong danh sách có sự góp mặt của Albert Hoffman, nhà hóa học Thụy Sĩ, cha đẻ của chất thức thần LSD và thiên tài máy tính người Anh, Tim Berners cha đẻ của mạng Internet.
Nói về những thành công của mình, GS. Võ Đình Tuấn tâm sự đó là nhờ nền tảng giáo dục của gia đình. Ông cho biết, từ nhỏ, lúc còn ở Việt Nam bố mẹ ông là người giúp ông nhận thức rõ về giá trị của sự học và đã khơi dậy trong ông niềm say mê khoa học.
“Thời đó, cha tôi thường bảo: "Của cải vật chất có thể mất đi bất cứ lúc nào; chỉ có trí tuệ mới theo con đến suốt cuộc đời thôi". Vì thế, sau khi tốt nghiệp trung học, tôi đã suy nghĩ rất nghiêm túc về bước khởi đầu cho sự nghiệp của mình. Sau khi hoàn tất khóa nghiên cứu sinh về vật lý, tôi đã quyết tâm bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và con đường khoa học của tôi đã mở ra từ đó...".
Ông cho biết thêm, khoa học có nhiều thách thức bởi thành quả của nghiên cứu không phải lúc nào cũng thấy được trong thời gian ngắn, vì khoa học yêu cầu sự kiên nhẫn và những nỗ lực đầu tư lâu dài, thời gian và nguồn lực.
Tuy nhiên, khoa học mang tới những tưởng thưởng về trí tuệ và thỏa mãn tinh thần bởi khoa học nhắm vào những thách thức quan trọng nhất mà con người phải đối phó nên có thể mang tới những giải pháp quan trọng cho nhân loại trong việc bảo vệ môi trường, cải thiện sức khỏe con người.
Đặc biệt, khoa học cũng là một lĩnh vực hoạt động xuyên biên giới, chính trị và văn hóa. Vì thế, ông nguyện suốt đời đi theo chân lý của khoa học, coi khoa học là sự nghiệp và cuộc đời mình để phấn đấu và cống hiến.

Mời độc giả xem video: Mâm cơm Nam Bộ ngày Tết. Nguồn: VTV24.


Thu Hà (TH)