“Thông điệp của Thủ tướng muốn nói đến tình hữu nghị thực thụ”

Google News

Đó là nhận định của ông Trần Việt Thái – chuyên gia nghiên cứu tình hình châu Á khi nói về thông điệp gây tiếng vang lớn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng


Đã 3 tuần trôi qua kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế và lãnh hải Việt Nam, Chính phủ Việt Nam và cộng đồng quốc tế đều lên án mạnh mẽ về hành động gây hấn của Trung Quốc nhưng tình hình chưa hề lắng dịu.
Trước “cuộc đấu tranh” trên nhiều mặt trận mà Việt Nam đang tiến hành, ông Trần Việt Thái nhận định trong cuộc trao đổi tại chương trình Toàn cảnh thế giới rằng: “Tôi rất tin tưởng vào ý chí, lòng quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh này. Nhìn lại 3 tuần qua, chúng ta thấy, về cơ bản, toàn Đảng, toàn dân rất đồng lòng, nhân dân Việt Nam rất ủng hộ các biện pháp giải quyết tình hình của Đảng và các cơ quan chức năng trong thời gian qua.
Thứ hai, tôi nhận thấy, chúng ta đang có nhiều lợi thế trước hành vi gây hấn của Trung Quốc khi nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trên mặt trận ngoại giao (26 cuộc giao thiệp song phương và các diễn đàn đa phương) và trên mặt trận báo chí – truyền thông.
Đồng thời, Việt Nam cũng sẵn sàng đấu tranh bằng pháp lý nếu Trung Quốc tiếp tục tiến hành các hành động gây hấn. Mặc dù cuộc đấu tranh này còn phức tạp, gay go, nhưng với những ưu thế sẵn có, tôi tin Việt Nam sẽ thắng lợi. Đó là điều tất yếu”.
 Ông Trần Việt Thái - chuyên gia nghiên cứu tình hình châu Á, Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao - trao đổi tại trường quay "Toàn cảnh thế giới".
Điều đáng chú ý, trong những ngày qua, thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Manila – “Chúng tôi không đánh đổi chủ quyền lấy một thứ hữu nghị viển vông” – đã gây tiếng vang lớn trong dư luận Việt Nam và thế giới. Theo ông Trần Việt Thái, có thể hiểu thông điệp này ở 3 khía cạnh.
“Một là, thông điệp đã nói rất rõ mục tiêu cũng như quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đồng sức, đồng lòng trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới, lãnh thổ.
Thứ hai, thông điệp đó nói rõ chúng ta quý trọng chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ như thế nào. Nhìn lại 4000 năm lịch sử của dân tộc Việt Nam, chúng ta đã phải trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh đau thương và rất tàn khốc mới có được một đất nước như ngày hôm nay. Chủ quyền là điều vô cùng thiêng liêng, không thể đánh đổi với bất cứ thứ gì.
Thứ ba, thông điệp tỏ rõ chúng ta rất trân trọng tình hữu nghị. Quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới để xây dựng hòa bình, ổn định và đặc biệt là giữa các nước láng giềng, tình hữu nghị là vô cùng cần thiết nhưng phải là một tình hữu nghị chân thành, dựa trên luật pháp quốc tế, ở đó có sự tôn trọng lẫn nhau.
Tôi cho rằng, ẩn sâu trong thông điệp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng muốn nói đến tình hữu nghị thực thụ. Đó là cơ sở để các quốc gia láng giềng cũng như các dân tộc trên thế giới duy trì hòa bình, ổn định và cùng nhau phát triển”.
Cũng trong cuộc trao đổi, ông Trần Việt Thái cho rằng: “Trong trường hợp Việt Nam phải đối mặt hiện nay ở biển Đông, dù tiến hành giải pháp nào cũng phải đảm bảo được mục tiêu đề ra: bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; duy trì hòa bình, ổn định – cơ sở quan trọng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, phải phù hợp với thực lực của Việt Nam và có tính khả thi”.
Theo VTV