Ngày 13/2/1960, thiết bị phân hạch AN-11 phát nổ ở Sahara đã đưa Pháp thành quốc gia thứ 4 sở hữu vũ khí hạt nhân, 8 năm sau họ thử nghiệm thành công vũ khí nhiệt hạch. Hiện tại, ước tính Paris đang có trong kho dự trữ hơn 400 vũ khí nhiệt hạch, không bao gồm vũ khí chiến thuật. Đáng chú ý là việc phát triển khả năng hạt nhân của Pháp không có sự giúp đỡ của các đồng minh.
1. Bị Mỹ quay lưng
Người Pháp đã có một vai trò quan trọng trong việc mở ra “Kỷ nguyên Hạt nhân” với những nhà khoa học vĩ đại tiên phong như Henri Becquerel, Pierre và Marie Curie…Tuy nhiên, sau chiến tranh Thế giới 2, nước Pháp lại tỏ ra tụt hậu so với Mỹ, Liên Xô, Anh và thậm trí là Canada trong lĩnh vực này. Nguyên nhân bởi các nghiên cứu đã bị gián đoạn khi nước Pháp “nằm dưới gót giày” của quân phát xít Đức và quan trọng hơn là sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa Paris và Washington vào những năm 1950.
Thời điểm đó, chính quyền của Tướng de Gaulle không được lòng người Mỹ. Hệ quả là trong khi Mỹ đã giúp đỡ Vương quốc Anh trong việc chế tạo bom hạt nhân thì Pháp phải làm lại mọi thứ từ đầu. Sau thất bại đau đớn tại Điện Biên Phủ năm 1954, nước Pháp đặt hi vọng vào chương trình hạt nhân để khôi phục lại danh dự cho quốc gia. Ngày 26/12/1954, Thủ tướng Pierre Mendes France đã nhóm họp nội các và đưa ra quyết định phải có bằng được bom nguyên tử.
|
Ảnh minh họa.
|
Tuy vào năm 1959, Lầu Năm Góc có hỗ trợ cho ngành công nghiệp quốc phòng Pháp 440kg Uranium làm giàu cao, nhưng số vật liệu này chỉ đủ cho một vài cuộc thử nghiệm mặt đất trong khi Pháp muốn hướng tới chế tạo vũ khí hạt nhân trang bị cho tàu ngầm.
Để có đủ số nhiên liệu hạt nhân trang bị cho tàu ngầm và chế đạo đầu đạn cho các tên lửa, năm 1960, Pháp xây dựng một nhà máy làm giàu Uranium theo công nghệ khuếch tán khí mang tên Pierrelatte.
Cơ sở thử nghiệm đầu tiên cũng được hình thành ở Reggane, một ốc đảo nằm giữa đại sa mạc Sahara trong lãnh thổ Algeria. Đây là một khu vực thuận lợi vì có sân bay quân sự và không gian rộng lớn giúp tiêu tán các sản phẩm phóng xạ. Tại Reggane và In Eker cùng thuộc Algeria, Pháp đã thực hiện tổng cộng 17 vụ thử hạt nhân tai đây (4 trên mặt đất, 13 dưới lòng đất) cho tới năm 1966. Paris còn có một “bãi thử” lớn hơn tại quốc đảo Polynesia ở Thái Bình Dương, nơi đây đã diễn ra 193 vụ thử, trong đó có cả vũ khí nhiệt hạch. Hiện nay, Pháp thử hạt nhân trên các…siêu máy tính.
2. Tàu ngầm hạt nhân
Chính vì không có được sự trợ giúp trong chương trình phát triển vũ khí hạt nhân từ Mỹ nên dù có ý tưởng về phát triển tàu ngầm hạt nhân mang phóng tên lửa đạn từ năm 1957 nhưng Pháp phải mất 6 năm mới hiện thực hóa. Con tàu đầu tiên thuộc lớp Redoutable hạ thủy năm 1967 và chính thức biên chế 2 năm sau đó.
|
Lớp tàu ngầm đầu tiên của Hải quân Pháp - Redoutable.
|
Redoutable lớn hơn so với tàu ngầm cùng loại đầu tiên của Mỹ George Washington. Nguyên nhân chủ yếu cho việc này là người Pháp muốn có một tàu ngầm “thân thiện” tối đa với thủy thủ đoàn 126 người. Các khoảng không gian bên trong tàu khá lớn và thoải mái cho các hoạt động. Điều hòa nhiệt độ được gắn ở mọi chỗ và các sĩ quan có khoang riêng biệt của mình. Việc sử dụng nước ngọt không bị giới hạn, thậm trí không bị cấm hút thuốc. Một lợi thế quý giá của tàu ngầm Pháp là nó có độ ồn thấp.
Chiếc cuối cùng thuộc lớp tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Pháp là L'Inflexible đi vào phục vụ năm 1985. L’Inflexible mang nhiều đặc điểm vượt trội, vì vậy sau đó Hải quân Pháo đã nâng cấp những chiếc tàu trước đó theo chuẩn “L’Inflexible”.
Ngày nay, 6 tàu ngầm Redoutable/ L'Inflexible đã được thay thế bằng 4 tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Triomphant, chế tạo trong giai đoạn 1986-2009. Đây cũng là tàu ngầm hạt nhân hàng đầu Tây Âu vào thời điểm này.
|
Tàu ngầm lớp Triomphant.
|
Trong mọi thời điểm luôn có ít nhất một chiếc Triomphant tuần tra ngoài Đại Tây Dương. Ngoài ra, Pháp còn duy trì một lực lượng 6 tàu ngầm Rubis – lớp tàu ngầm hạt nhân nhỏ nhất thế giới với lượng giãn nước 2.600 tấn, trang bị 4 ống phóng ngư lôi 533mm.
Thông kỹ thuật cơ bản của lớp Triomphant
Lượng giãn nước tối đa: 14.335 tấn
Chiều dài: 138m
Chiều rộng: 12,5m
Chiều cao: 10,6m.
Nguồn động lực chính: lò phản ứng nước áp lực K15, công suất 150MW
Tốc độ tối đa ở chế độ lặn: 25 hải lý/giờ
Tốc độ tối đa ở chế độ nổi: 20 hải lý/giờ
Độ sâu hoạt động: 300m
Độ lặn sâu tối đa: 500m
Vũ khí: 16 tên lửa đạn đạo và 4 ống phóng ngư lôi 533mm
Thời gian hoạt động tối đa: 60 ngày (giới hạn bởi số thực phẩm mang theo)
Thủy thủ đoàn 126 người
Anh Trần