5 thời điểm thế giới trên bờ vực chiến tranh hạt nhân(1)

Google News

(Kiến Thức) - Các hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa đưa ra báo động giả đã khiến thế giới ít nhất 4 lần đứng trên bờ vực cuộc chiến tranh hạt nhân tàn khốc.

Cho đến nay, ngoài khủng hoảng Caribe, đã có 4 trường hợp liên quan tới hệ thống cảnh báo sớm chống tên lửa. Hai trong số đó liên quan đến hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa của Liên Xô, còn 2 liên quan đến hệ thống của Mỹ.
Tất cả 4 vụ việc kéo dài không quá 10 phút, trong thời gian đó lãnh đạo chính trị và quân sự cao nhất của Liên Xô/Nga và Mỹ đã phải đưa ra những quyết định hết sức phức tạp. Bởi trong trường hợp có nguy cơ tấn công hạt nhân thực thì phải ngay lập tức khởi động đòn đánh trả trước khi tên lửa của đối phương kịp tiêu diệt phần lớn tiềm năng hạt nhân của đất nước.
Trong 3 trường hợp quyết định loại bỏ báo động là nhờ những dữ liệu nhận được từ vệ tinh cảnh báo sớm, nguyên nhân vụ thứ 4 lại chinh là tín hiệu giả của vệ tinh.
Dưới đây là 5 trường hợp vì những sự nhầm lẫn của chính công cụ phát hiện tên lửa đã khiến thế giới suýt diệt vong:
1. Ngày thứ 7 đen tối
Ngày 27/10/1962 được coi là ngày thế giới đến gần bờ vực chiến tranh hạt nhân toàn cầu hơn cả. Ngày này liên quan đến giai đoạn khủng hoảng Caribe, khi đó máy bay trinh sát U-2 của Không quân Mỹ bị tên lửa bắn rơi trên lãnh thổ Cuba. Phi công lái chiếc máy bay này Rudolf Anderson bỏ mạng.
Bí thư thứ nhất Ban chấp hành TW Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Sergeevich Khrushov và Tổng thống Mỹ Kennedy.
Rất may, cuộc khủng hoảng Caribe đã đã được khắc phục một cách may mắn. Mọi việc đã kết thúc khi Nikita Sergeevich Khrushov - Bí thư thứ nhất Ban chấp hành TW Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng Liên Xô hứa tháo dỡ các tên lửa hạt nhân của Liên Xô ở Cuba và đưa chúng về nước.
Ngày hôm đó toàn thế giới lần đầu tiên đã thở phào nhẹ nhõm sau thời gian căng thẳng. Bởi nguy cơ chiến tranh hạt nhân chưa bao giờ tiến đến gần như vậy. Từ đó, ngày 27/10/1962 được coi là “ngày thứ bảy đen tối”.
2. Băng từ máy tính điện tử
Gần 9h ngày 9/11/1979, các máy tính của Trung tâm điều hành quốc gia của Bộ tư lệnh hợp nhất phòng thủ không gian vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) ở boongke trong lòng núi Shaienn, Trung tâm chỉ huy quốc gia ở Lầu Năm Góc và Trung tâm chỉ huy quốc gia dự bị ở Fort Richee đều đưa ra thông báo Liên Xô đã bắt đầu đòn đánh hạt nhân ồ ạt nhằm tiêu diệt hệ thống chỉ huy và lực lượng hạt nhân của Mỹ.
 Suýt nữa chỉ vì một chiếc băng từ máy tính mà thế giới có thể đã bị diệt vong vì cuộc chiến tranh hạt nhân tàn khốc.
Ngay lập tức ở tất cả 3 sở chỉ huy đã có cuộc họp bàn với sự tham dự của các quan chức quân sự cấp cao. Đã có lệnh chuẩn bị phóng tên lửa đánh trả được đưa đến các bệ phóng của tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman. Và đã có lệnh báo động toàn bộ hệ thống phòng không, ít nhất 10 máy bay đánh chặn đã cất cánh ngay lập tức. Đồng thời máy bay sở chỉ huy trên không của Tổng thống Mỹ cũng cất cánh, thật ra, không có tổng thống tên máy bay này.
Người Mỹ mất mấy phút sau khi có tín hiệu để kiểm tra các quyết định đã được đưa ra. Các quân nhân Mỹ đã kiểm tra các tin tức đầu vào đến từ các vệ tinh cảnh báo từ xa và các radar bao quanh lãnh thổ Mỹ. Không có bất cứ hệ thống nào phát hiện ra dấu hiệu nào của cuộc tấn công bằng tên lửa, vì vậy lệnh báo động đã bị bãi bỏ.
Hóa ra, nguyên nhân là ở băng từ máy tính. Đây là băng từ huấn luyện thực hành khi có tình huống tấn công bằng tên lửa. Băng từ này đã được đưa vào máy tính trực chiến một cách ngẫu nhiên.
3. Vi mạch
Ngày 3/6/1980 lại có cảnh báo về tấn công tên lửa được báo đến các sở chỉ huy của Mỹ. Lại có lệnh cho các bệ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman chuẩn bị khai hỏa, các kíp lái máy bay ném bom chiến lược vào chỗ trên máy bay. Nhưng lần này máy tính không đưa ra được bức tranh rõ ràng và có liên hệ của cuộc tấn công như lần trước. Thay vào đó trên màn hình số lượng tên lửa được phóng đi thay đổi liên tục. Hơn thế, ở các sở chỉ huy khác nhau các số liệu này cũng không trùng với nhau.
Ảnh minh họa.
Dù nhiều sĩ quan Mỹ không coi sự việc lần này là nghiêm trọng như lần trước, một phiên họp khẩn cấp đã được triệu tập để đánh giá, liệu có thể có cuộc tấn công thực hay không. Một lần nữa tất cả các dữ liệu đầu vào từ vệ tinh và radar đã được kiểm tra. Và một lần nữa không có hệ thống nào khẳng định cuộc tấn công bằng tên lửa.
Về sau đã xác định được nguyên nhân sự cố là sự trục trặc của một vi mạch trong máy tính điện tử, điều này đã làm cho các số ngẫu nhiên được hiển thị như là tên lửa được phóng đi.
Nguyễn Vũ