Ba lý do Trung Quốc không mua tàu đổ bộ Mistral Pháp

Google News

(Kiến Thức) - Khả năng lớn Trung Quốc sẽ không mua tàu đổ bộ Mistral từ Pháp do áp lực của Mỹ, cũng như nước này không cần tàu như Mistral nữa.

Đó là những nhận định được chuyên trang quân sự Sina đưa ra trong bài phân tích mới đây. Bình luận này được đưa ra sau khi có thông tin Pháp đang chào hàng các tàu đổ bộ Mistral cho Trung Quốc nhân chuyến thăm của Hải quân Pháp tới Trung Quốc từ ngày 9-15/5.
Theo Sina, Trung Quốc không có cơ hội để mua các tàu đổ bộ Mistral để triển khai các trực thăng, xuồng đổ bộ và xe tăng của nước này. Điều đó xuất phát từ những lí do chính sau đây:
- Thứ nhất, Trung Quốc sẽ phải đối diện với hai trở ngại lớn từ nước ngoài khi có quyết định nào liên quan đến tàu đổ bộ Mistral. Trước tiên đó là trở ngại đến từ Mỹ. Bởi nước này không chỉ áp đặt lệnh cấm bán vũ khí và công nghệ quân sự cho Trung Quốc mà còn gây áp lực đối với các nước khác có liên quan.
Ba ly do Trung Quoc khong mua tau do bo Mistral Phap
Tàu đổ bộ lớp Mistral Pháp tới thăm Trung Quốc.
Hơn nữa tàu sân bay Varyag do Liên Xô thiết kế đã được đem từ Ukraine và tân trang lại để trở thành tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc - Liêu Ninh (CV-16). Thương vụ này cũng từng bị Mỹ can thiệp. Cho nên hiện Trung Quốc vẫn phải phụ thuộc vào công nghệ quân sự của Nga để tránh sự tụt hậu. Đồng thời chính điểm này lại giúp cho Trung Quốc phát triển ngành công nghiệp vũ khí của mình.
- Thứ hai, Liên minh châu Âu (EU) đã cấm hợp tác quân sự và bán vũ khí cho Trung Quốc từ năm 1989 sau khi xảy ra vụ Thiên An Môn. Các lệnh cấm này tuy không ràng buộc về pháp lý một cách chặt chẽ nhưng Mỹ sẽ vẫn đảm bảo lệnh cấm được thực thi. Như vậy, bất kỳ nỗ lực nào để có được tàu đổ bộ Mistral Pháp của Trung Quốc sẽ không thực tế và nó cũng chắc chắn vấp phải sự phản đối từ phía Mỹ.
- Lí do cuối cùng, đó là khả năng Trung Quốc hiện nay thậm chí sẽ không cần mua các tàu tấn công đổ bộ từ bên ngoài. Không những thế các hoạt động phát triển và nghiên cứu cũng như nhập khẩu quân sự lại luôn phải phụ thuộc vào kế hoạch chiến lược tổng thể của đất nước.
Trong quá khứ, nguyên tắc này của Trung Quốc đã áp dụng đối với việc nhập khẩu vũ khí. Đó là việc nhập khẩu công nghệ quân sự phải đáp ứng cho sự phát triển của chính công nghệ của đất nước chứ không phải đơn giản chỉ là mua bán một thứ gì đó. Đồng thời phải mua các phần quan trọng của một hệ thống chứ không phải là mua toàn bộ. Ngoài ra nếu có thể thì sẽ bắt chước công nghệ nước ngoài chứ không cần mua nó.
Ba ly do Trung Quoc khong mua tau do bo Mistral Phap-Hinh-2
Trung Quốc không cần tới Mistral do đã có Type 071.
Trước khi mua một thiết bị quân sự nào, Trung Quốc sẽ tiến hành nghiên cứu và phân tích sâu để xem liệu nó có đáp ứng và thỏa mãn được nhu cầu của họ hay không. Tờ Sina cho rằng, hiện Trung Quốc đã không có nhu cầu cho loại tàu đổ bộ lớp Mistral vì nước này đã có 4 tàu đổ bộ Type 071 và đang sản xuất tiếp.
Nếu so sánh thương vụ trị giá 1,3 tỷ USD giữa Pháp và Nga thì rõ ràng tàu Mistral đắt hơn nhiều so với Type 071. Hơn nữa Type 071 lại có lợi thế hơn vì nó được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc gia của Trung Quốc.
Động cơ đẩy của tàu Mistral cũng không tiên tiến hơn gì so với Type 071. Loại tàu này của Trung Quốc còn trang bị một hệ thống điều khiển và chỉ huy toàn diện, hệ thống tác chiến điện tử, cảnh báo sớm, hệ thống vũ khí phòng thủ tầm ngắn, súng và hệ thống chỉ huy đổ bộ cùng các thiết bị thông tin liên lạc vệ tinh tiên tiến hơn.
Tờ Sina cho rằng, giả sử như Trung Quốc có mua tàu Mistral thì cũng vẫn phải tìm cách để tích hợp vào hệ thống tác chiến hiện có của quân đội Trung Quốc. Tất nhiên số tiền đổ cho việc này cũng không phải là nhỏ.
Văn Biên