Tờ Qianzhan (Trung Quốc) cho biết, máy bay ném bom tàng hình H-8 là dự án nghiên cứu trọng điểm cấp quốc gia của Trung Quốc sau khi nghiên cứu thành công cường kích FBC-1. Dự án này do Cục Nghiên cứu Thiết kế máy bay Tây An và Công ty chế tạo máy bay Tây An cùng thực hiện từ năm 1994.
Theo những báo cáo của phương tiện truyền thông Hong Kong, tính năng của máy bay ném bom H-8 gần bằng thiết kế B-2 Spirit của Mỹ. Ngoài ra, máy bay còn có thể vượt trội hơn B-2 về mặt tốc độ khi đạt vận tốc siêu thanh Mach 1,2, hành trình tầm xa đến 10.000km đủ khả năng vươn tới Bắc Mỹ, tải trọng 18 tấn.
H-8 cũng được thiết kế với hệ thống tiếp nhiên liệu trên không để tăng tầm bay xa hơn. Về mặt động cơ, H-8 sử dụng động cơ phản lực Taihang do Trung Quốc sản xuất – sự ra đời của nó được ví như một kỷ lục mới trong lịch sử hàng không Trung Quốc.
|
Trung Quốc đang thúc đẩy tìm kiếm phương án thay thế máy bay ném bom H-6 lỗi thời. Và H-8 có thể là một trong những phương án đó.
|
Tuy nhiên, Tạp chí Quốc phòng Khán Hòa lại cho rằng, hiện nay Trung Quốc không có khả năng phát triển máy bay ném bom tàng hình. Vì ngay cả việc phát triển máy bay ném bom B-2 của Quân đội Mỹ vẫn tồn tại những khó khăn nhất định về kỹ thuật. Vì vậy hiện nay Trung Quốc vẫn cần sự đột phá nhất định về nguyên liệu chế tạo máy bay và động cơ công suất cao mới đủ khả năng thiết kế, chế tạo máy bay ném bom.
Đáp lại những nghi vấn của Khán Hòa, tờ Qianzhan dẫn theo nguồn tin địa phương cho biết, gần đây tại sân bay Quan Lương (Tây An) đã nhiều lần xuất hiện đèn chuyển hướng cất cánh ở độ cao thấp của một loại máy bay. Mà giữa đèn tín hiệu ở giữa 2 cánh rõ ràng không giống với máy bay H-6 trước đó của công ty sản xuất máy bay Tây An.
Ngoài ra, vào buổi tối người dân thành phố gần Tây An thường thấy hoạt động bay của máy bay này. Theo cách nói này có thể khẳng định là máy bay H-8 của Trung Quốc đã bước vào giai đoạn bay thử nghiệm.
Về vấn đề kỹ thuật, hiện nay các loại máy bay của Quân đội Trung Quốc sử dụng phần lớn công nghệ cao, hệ thống điều khiển bay fly-by-wire tiên tiến, động cơ có công suất lớn là điểm mạnh của Trung Quốc. Động cơ phản lực Taihang đã được trang bị cho tiêm kích J-10A/B của Trung Quốc.
“Đồng thời, có nguồn thông tin cho rằng gần đây tại một hội nghị của trường Đại học hàng không Bắc Kinh (Trung Quốc) đã xuất hiện những bức ảnh liên quan đến máy bay H-8, từ đó có thể xác định được hiện nay công tác nghiên cứu của máy bay H-8 chắc chắn không như cách nói của Tạp chí Khán Hòa”, Qianzhan viết.
|
Ảnh đồ họa của cư dân mạng Trung Quốc về H-8.
|
Cũng theo Qianzhan, dựa vào những số liệu liên quan có thể thấy được, H-8 sẽ là đối thủ của B-2A Mỹ. Ngoài ra với H-8 giúp Trung Quốc hoàn thành việc lấp lỗ hổng trong lực lượng máy bay ném bom chiến lược, có thể tiến hành tấn công đối với các khu vực cách Trung Quốc 20.000 km.
Theo một số nguồn tin, máy bay ném bom tàng hình H-8 hiện có 2 phương án thiết kế, trong đó một phương án rất có khả năng là dựa theo mô hình phát triển của máy bay ném bom chiến lược B-2A của Mỹ để chế tạo.
Phương án khác là thiết kế với cấu hình cánh mũi kết hợp cánh thông thường, trang bị 4 động cơ phản lực Taihang và 2 động cơ phản lực tĩnh siêu âm (ramjet) cho phép đạt tốc độ không tưởng… Mach 8 ở trên cùng bầu khí quyển (?)
Bằng Hữu