MiG-21 là loại tiêm kích huyền thoại của Không quân Liên Xô trước đây, tên tuổi của nó trở nên nổi tiếng khắp thế giới khi tham chiến tại chiến trường Việt Nam. Trong tay những phi công xuất sắc của Không quân Nhân dân Việt Nam, MiG-21 đã lập nhiều chiến công hiển hách góp phần đập tan các chiến dịch không kích miền Bắc của Không quân Mỹ.
Mặc dù được đánh giá là một trong những chiến đấu cơ hàng đầu thế giới ở thời điểm đó song MiG-21 lại không có hệ thống điện tử đủ mạnh. Các biến thể đời đầu của MiG-21 chỉ được trang bị radar SRD-5M để định tầm và điều khiển pháo. Việc thiếu radar đủ mạnh khiến MiG-21 đời đầu không thể thực hiện nhiệm vụ vào ban đêm hay trong điều kiện thời tiết xấu.
Để khắc phục hạn chế này, nhà sản xuất Mikoyan đã phát triển một loại radar đặc biệt để trang bị cho biến thể MiG-21PF và các biến thể sau của nó. Radar mới có tên RP-21 Sapfir (NATO định danh Spin Scan-A). Từ các biến thể MiG-21P và MiG-21PF mới thực sự có một radar đúng nghĩa để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, theo dõi và đánh chặn mục tiêu trong điều kiện ban đêm hay thời tiết bất lợi.
|
Radar RP-21 đã mang lại cho MiG-21 khả năng đánh chặn mục tiêu bất kể ngày đêm và trong điều kiện thời tiết bất lợi.
|
Radar RP-21 đặc trưng bởi máy lái cơ học và hệ thống ổn định con quay, nó có mạch điện tử sử dụng ống chân không. Về lý thuyết, radar này có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 20km, khóa mục tiêu ở cự ly 10km. Tuy nhiên, trong thực tế chỉ số này giảm xuống còn 13km và 7km.
RP-21 được sử dụng để xác định mục tiêu cho tên lửa không đối không tầm ngắn dẫn bằng hồng ngoại Vympel K-13 còn gọi là R-3S (NATO định danh AA-2 Atoll). Sau đó radar RP-21 tiếp tục được nâng cấp lên chuẩn RP-21M để tương thích với tên lửa không đối không dẫn đường bằng radar bán chủ động (SARH) R-3R (NATO: AA-2 Atoll-B).
Mặc dù có nhiều cải tiến quan trọng so với radar SRD-5M song khả năng đánh chặn của radar mới vẫn còn rất hạn chế. Điểm yếu này phần lớn là do lỗ hỗng trong thiết kế của MiG-21. Cửa hút không khí cho động cơ nằm ngay mũi máy bay khiến kích thước của radar bị giới hạn trong chiếc mũi hình nón khá nhỏ.
Khả năng quét của radar bị giới hạn trong vòng 20 độ theo chiều dọc và 60 độ theo chiều ngang. Ngay cả biến thể F-7MG của Trung Quốc (bản sao mới nhất của MiG-21) được trang bị hệ thống radar tiên tiến của Israel thì khả năng quét mục tiêu vẫn khá hạn chế.
|
Mặc dù còn nhiều hạn chế song không thể phủ nhận vai trò của radar RP-21 đối với sự thành công của MiG-21.
|
Ngoài ra, thiết bị điện tử sử dụng ống chân không giống như hầu hết các radar thế hệ đầu khác có độ tin cậy không cao. Radar RP-21 thiếu khả năng “look-down/shoot-down” (nhìn xuống/bắn xuống) mặc dù đó không phải là tính năng phổ biến của các radar thời điểm đó. Điều đó có nghĩa là MiG-21 không thể tấn công các mục tiêu bay dưới nó. Bộ vi xử lý của radar không thể lọc các đối tượng ở các khu vực lộn xộn gần mặt đất.
Một bất lợi khác là radar mới cùng các hệ thống điện tử liên quan làm tăng trọng lượng dẫn đến làm giảm các đặc tính cơ động vốn có của MiG-21. Mặc dù có nhiều điểm hạn chế song radar mới rất đơn giản trong sử dụng hay sửa chữa. Công nghệ ống chân không có vẻ lỗi thời song nó lại có khả năng chịu được xung điện từ EMP rất mạnh mà các radar sử dụng công nghệ bán dẫn thường không thể chịu được.
Mặc dù khả năng của radar RP-21 không cao nhưng bù lại nó được kết nối chặt chẽ với trạm điều khiển đánh chặn mặt đất (GCI). Thông qua hệ thống radar cảnh giới trên mặt đất và liên kết dữ liệu cung cấp cho MiG-21 khả năng đánh chặn với độ chính xác cao trên một khu vực khá rộng lớn.
Radar RP-21 trở nên quen thuộc với phương Tây trong chiến tranh Việt Nam, cuộc chiến 6 ngày và Yom Kippur ở Trung Đông. Hiệu suất của radar không thực sự quá ấn tượng chủ yếu là do tên lửa R-3R thế hệ đầu còn sơ khai. Bên cạnh đó, radar rất dễ mất mục tiêu khi đối phương thực hiện một động tác cơ động đột ngột. Một điểm yếu nữa là nó rất dễ bị gây nhiễu.
Cho dù còn đó nhiều hạn chế song radar RP-21 và biến thể nâng cấp RP-22 về sau vẫn được sử dụng rộng rãi, thậm chí nó còn được trang bị cho biến thể xuất khẩu MiG-23S và máy bay đánh chặn MiG-23MS. Trong biên chế Không quân Việt Nam, radar RP-21 vẫn tiếp tục sát cánh cùng MiG-21 bảo vệ bầu trời Việt Nam trong những năm qua và vài năm tới.
Quốc Minh