Hàng năm, những tấm huân chương và huy chương lại lấp lánh trên ngực áo các cựu chiến binh vào dịp kỷ niệm Сhiến thắng Vệ quốc Vĩ đại chống phát xít Đức của nhân dân Liên Xô. Người ta có thể bắt gặp tấm huân chương Việt Nam bên cạnh các phần thưởng cao quí của Liên Xô, cũng ghi công tham gia chiến đấu và giành chiến thắng nhưng trên đất Việt Nam.
Trong số hàng ngàn chuyên gia quân sự Liên Xô tham gia giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì tự do, độc lập và thống nhất đất nước, đặc biệt trong những năm 1960 nóng bỏng, đã có nhiều sĩ quan và tướng lĩnh kinh qua cuộc chiến tranh chống phát xít.
|
Bên cạnh các huân huy chương cao quí của Liên Xô, trên ngực các cựu chiến binh cũng xuất hiện phần thưởng cao quý từ nhà nước Việt Nam. Ảnh minh họa |
Lấy ví dụ như phi công Sergey Somov, ông được trao danh hiệu Anh hùng thực hiện 118 chuyến bay chiến đấu trong những năm Thế chiến 2. 15 năm sau, ông cầm lái các máy bay vận tải quân sự đầu tiên được Liên Xô chuyển giao cho Việt Nam.
Sergey Somov đã chở hàng quân sự và thuốc men tới Mặt trận Lào Yêu nước, vận chuyển thương binh từ Lào về Việt Nam, hướng dẫn kỹ năng bay cho phi công Không quân Nhân dân Việt Nam
Hai năm ròng từ tháng tháng 8/1965, Thiếu tướng Grigory Belov, cựu chiến binh Vệ quốc Vĩ đại làm nhiệm vụ tại Việt Nam. Ông là lãnh đạo đầu tiên của nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô, tham gia gây dựng 8 trung đoàn tên lửa phòng không và 2 trung đoàn không quân Quân đội nhân dân Việt Nam.
Mùa xuân năm 1966, ông có dịp trình bày trước Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp kỹ thuật xạ kích của pháo phản lực phóng loạt Kachiusa, từng làm khiếp sợ quân đội Đức quốc xã trong Thế chiến II. Vũ khí sau đó đến tay các đơn vị thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Chiến sĩ Hồng quân Alexei Petrov cầm súng chiến đấu suốt 4 năm chống phát xít Đức. Tại Việt Nam, ông chỉ huy nhóm hoàn thiện các thiết bị tên lửa Liên Xô để đối phó với thủ đoạn gây nhiễu của Mỹ. Đại tá Petrov cho biết, việc hoàn thiện được thực hiện trong thời gian ngắn nhất và đạt mục tiêu đề ra.
“Khi tôi đến Việt Nam, có 500 máy bay Mỹ bị bắn rơi. Một năm sau tôi rời Việt Nam, con số đã là 2.500.”, ông Petrov nói.
|
Những người cựu chiến binh chiến tranh vệ quốc đã giúp đỡ bộ đội Việt Nam làm chủ tên lửa SA-2 đánh máy bay Mỹ. Ảnh minh họa |
Ông Ivan Lonin là một trinh sát viên trên mặt trận chống phát xít Đức. Kinh nghiệm chiến trường đã giúp ích cho ông ở Việt Nam, nơi ông Ivan Lonin công tác 2 năm trời, giúp đỡ các đồng nghiệp phân tích thông tin trinh sát nhận được.
“Tôi đã học được tiếng Việt. Tôi nói thành thạo. Không thể quên sự bảo vệ chu đáo mà các bạn Việt Nam dành cho chúng tôi, những chuyên gia Liên Xô. Rồi tình huống phải nhập viện cũng đến, tại quân y viện ở Hà Nội, tôi đã được bác sĩ Lan chăm sóc tận tình, tôi mãi mãi biết ơn cô”, vị Đại tá năm nay 87 tuổi cho biết.
Trong trận đánh đầu tiên dùng tên lửa SA-2 bắn rơi máy bay Mỹ ngày 24/7/1965 ở miền Bắc Việt cũng có sự góp mặt của 2 cựu chiến binh Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, Thiếu tá Boris Mozhaev và Fyodor Ilyin.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Theo Đài tiếng nói nước Nga