Trang mạng Sina cho biết, Trung Quốc đang cố gắng phát triển chiến đấu cơ VTOL (đây là từ viết tắt của vertical take-off and landing - cất hạ cánh thẳng đứng) để phục vụ mục đích chiến lược.
Dẫn nguồn tạp chí Quốc phòng Khán Hòa, bài báo này cho biết, Trung Quốc được cho là đã phát triển công nghệ cất/hạ cánh thẳng đứng (VTOL) trong hơn một thập kỉ. Tuy nhiên, phải chừng 15-20 năm tới, nước này mới hoàn thành một máy bay mang công nghệ trên.
|
Máy bay có khả năng cất/hạ cánh thẳng đứng của Nga Yak-141.
|
Khán Hòa cho biết, Trung Quốc không đánh tiếng tìm sợ hỗ trợ hay hợp tác cùng phát triển công nghệ máy bay VTOL với Nga. Trong khi cơ hội hợp tác giữa hai nước trong tương lai vẫn còn rộng mở. Tuy nhiên khả năng này là khó bởi vì Trung Quốc từ lâu vẫn luôn tự mình phát triển dự án vũ khí quan trọng như vậy, còn Nga dường như không sẵn sàng chuyển giao công nghệ đó cho nước bạn.
Theo mạng Sina, máy bay VTOL là những vũ khí chiến đấu mạnh mẽ nhất cho các tàu tấn công đổ bộ. Trung Quốc cũng mới đây thông báo đang phát triển các loại tàu tấn công đổ bộ cỡ khủng.
Các máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng hoạt động trên những tàu đổ bộ này sẽ là sự hỗ trợ trên không đắc lực cho các nhiệm vụ hạ cánh và được sử dụng cho nhiệm vụ chống tàu ngầm hay đối phó với ngư lôi. Trong thời bình, nó cũng tham gia hoạt động cứu trợ thiên tai và nhân đạo.
Trong bối cảnh hiện này, các máy bay chiến đấu VTOL sẽ là bước tiến chiến lược quan trọng đối với Hải quân Trung Quốc. Đặc biệt, máy bay loại này sẽ là lựa chọn lý tưởng ở các vùng ven biển của Trung Quốc hay trên các rạn san hô và đảo nhân tạo (mà nước này chiếm đóng, bồi lấp phi pháp) ở Biển Đông bởi vì chúng vẫn có thể cất/hạ cánh ngay cả khi sân bay bị hư hại.
Quan trọng hơn, các máy bay VTOL này còn là sự biện minh hoàn hảo cho lý do Trung Quốc tiếp tục phát triển các dự án đóng tàu đổ bộ cỡ lớn vốn có chi phí sản xuất thấp hơn so với tàu sân bay. Ví dụ, tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ tốn chừng 4,5 tỷ USD còn tàu đổ bộ lớp Wasp chỉ mất 700 triệu USD để sản xuất.
Tuy nhiên, máy bay chiến đấu VTOL cũng có những khuyết điểm. Chúng tiêu tốn một lượng lớn nhiên liệu. Để cất cánh, nó đã ngốn tới 1/3 nhiên liệu, điều này có nghĩa là chúng không phù hợp với các nhiệm vụ đường dài. Chúng cũng không thể mang theo các vũ khí có tải trọng lớn, do vậy khả năng chiến đấu của chúng thực sự yếu. Nó cũng khó điều khiển và còn yêu cầu thời gian sửa chữa và bảo hành lâu hơn so với các máy bay truyền thống.
Dẫu vậy, máy bay VTOL vẫn còn là điều thu hút vì chúng không cần đường băng và có thể cất cánh từ các không gian hẹp, sân bay bị hư hại, đường cao tốc. Với khả năng pha trộn giữa tiêm kích và trực thăng, máy bay loại này có thể thực hiện các thao tác phức tạp và đột ngột dừng lại trong không trung để tránh tên lửa.
Thiết Giáp