“Trận đầu phải thắng”
Cuối năm 1944, Bác Hồ chỉ thị cho đồng chí Văn (bí danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và giao hẹn sau khi thành lập, trong vòng 1 tháng phải có hoạt động quân sự để tạo thanh thế. Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam) ra đời với quân số 34 chiến sĩ.
Thực hiện chỉ thị của Bác, đồng chí Văn cùng với các chỉ huy Đội bàn bạc tìm mục tiêu để tác chiến. Ban đầu mọi người định tìm mục tiêu ở nơi không có cơ sở để nếu địch có phản ứng thì không làm tổn hại đến cơ sở cách mạng. Tuy nhiên, lựa chọn mục tiêu ở những nơi như thế là bất lợi vì không có cơ sở thì sẽ khó nắm rõ địch tình và không có sự ủng hộ giúp đỡ của quần chúng.
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ngoài cùng, bên trái) trong ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.
|
Cuối cùng Đội thống nhất chọn đồn Phai Khắt. Tuy gọi là đồn, nhưng thực ra chỉ là một vị trí đóng quân tương đối sơ sài ở trong làng Phai Khắt thuộc xã Tam Lộng – Nguyên Bình – Cao Bằng. Làng chỉ có khoảng mươi nóc nhà, nằm bên cạnh một con suối. Trước mặt trông ra cánh đồng rộng còn sau lưng làng là những núi đồi lúp xúp. Về chính trị, đây là một làng “hoàn toàn” (tức là nhân dân cả làng đều tham gia các hội cứu quốc).
Để đảm bảo chắc thắng, Đội lập kế hoạch tập kích đồn rất chi tiết. Công tác nắm tình hình địch nhờ vào em Hồng – một em nhỏ của làng Phai Khắt ngày ngày phải mang rượu và bánh vào cho địch. Để lọt vào đồn, bộ đội ta sẽ giả dạng là lính dõng đi tuần. Muốn giả lính dõng thì phải có nón, có quần áo giống như trang phục của chúng. Phần này nhờ cơ sở quần chúng làm giúp.
Để địch không nghi ngờ mà đề phòng, đồng chí Văn qua cơ quan mượn máy chữ làm một tờ giấy đi tuần giả rồi các anh em khéo tay trong đội “chế” một con dấu bằng khoai lang. Thế là tờ giấy đi tuần giả có dấu đỏ chót đóng bên chữ ký.
Ngày 24/12/1944, sau khi thành lập 2 ngày, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân lên đường hướng về đồn Phai Khắt. Lần đầu tiên tập hợp được một lực lượng bộ đội tập trung, cảm xúc của Tướng Giáp thật kỳ lạ.
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
|
Trong hồi ký Từ nhân dân mà ra, Đại tướng viết: “Mấy ngày qua, sau khi hiểu rõ ý nghĩa quan trọng “Trận đầu nhất định phải thắng” và nghiên cứu kĩ lưỡng kế hoạch tác chiến, tất cả các tiểu đội đều xin nhận nhiệm vụ xung phong đầu tiên vào đồn địch.
Nắng chiều vàng rực trên các ngọn núi. Một lá cờ sao tươi thắm dẫn đầu hàng quân. Bộ đội trang bị tề chỉnh đi hàng một theo đội hình chiến đấu trên con đường quanh có khúc khuỷu ở sườn núi. Tôi đi sau tiểu đội đầu tiên. Mặc dầu chỉ có một trung đội, nhưng từ trước tới nay chưa bao giờ có bộ đội tập trung đông như thế này, tôi nhìn trước, ngó sau, thấy đoàn quân dài tít tắp”.
Khẩu lệnh Rát – Săm – măng
5h chiều ngày 25/12/1944, dân làng Phai Khắt bỗng thấy một toán lính dõng đầu đội nón bọc vải xanh vành trắng, mình mặc áo chàm, chân quấn xà cạp có viên đội “sếp” dẫn đầu từ hướng châu Nguyên Bình tiến vào làng. Sau khi chìa giấy cho tên gác xem, toán lính chia làm ba tiến thẳng vào đồn.
Tiểu đội trưởng Thu Sơn xách tiểu liên đi đầu đến trước mặt tên lính gác cổng đồn hỏi hách dịch: “Quan Tây có nhà không? Chúng tao đi tuần”. Rút cái giấy có dấu đỏ cho hắn xem rồi chẳng đợi trả lời, anh gạt luôn hắn sang bên đi thẳng vào. Cả tiểu đội bám sát tiểu đội trưởng đi thẳng vào kho súng. Một tiểu đội khác bao vây chung quanh nhà binh lính ở.
Bỗng chốc đồng chí Thu Sơn ra sân hô lớn khẩu lệnh bằng tiếng Pháp“Rátsămmăng” (nghĩa là tập hợp). 17 lính và một tên cai tập hợp giữa sân. Đột ngột, Thu Sơn chĩa ngang tiểu liên hô lớn: “Chúng tôi là quân cách mạng, anh em giơ tay đầu hàng sẽ không giết ai hết, giơ tay lên!”. Trước tình cảnh tất cả các nòng súng đều chĩa vào, bọn lính địch đều giơ tay đầu hàng hết.
Giữa lúc ấy có anh em chạy về báo tên quan Pháp đồn trưởng đang từ châu Nguyên Bình trở về. Cả Đội thống nhất bắt sống tên quan Pháp này nên lại bố trí ngụy trang như là đồn chưa bị chiếm để lừa hắn.
Một lúc sau tên đồn trưởng người Pháp cưỡi ngựa đủng đỉnh đi vào đồn. Hắn định xuống ngựa thì nghe tiếng thét: “Giơ tay lên”. Mặc dù đồng chí Văn đã ra lệnh không ai được nổ súng khi chưa có lệnh nhưng một loạt đạn vẫn nổ. Thì ra một số đồng chí không kìm được căm thù đã nổ súng giết tên quan Tây.
|
34 chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân khi đó có tổng cộng 5 dân tộc anh em (dân tộc Tày: 19, dân tộc Nùng: 8, dân tộc Mông: 1, dân tộc Dao: 1; còn lại 5 người dân tộc Kinh). |
Trong hồi ký, Đại tướng nói: “Kể ra nếu bắt sống tên đồn trưởng, sau khi làm công tác địch vận, giải thích kỹ lưỡng, rồi tha thì có thể gây ảnh hưởng chính trị và hạn chế phần nào phản ứng của kẻ địch. Nhưng sự việc đã xảy ra rồi, phải tìm cách giải quyết tình hình cụ thể này”.
Sau đó bộ đội được lệnh thu dọn chiến trường thật sạch sẽ. Thứ gì không đem đi được như lợn, gà, chăn màn thì phân phát cho đồng bào. Xác tên đồn trưởng và xác con ngựa thì đem chôn và xóa sạch vết máu.
Bộ đội cũng dặn đồng bào hễ quân Pháp đưa lính về tra hỏi thì nói: “Thấy có một toán lính trên châu về trong đồn, rồi thấy tất cả lính trong đồn kéo theo toán lính này đi đâu không biết”. Mặt khác bộ đội ta dán một mảnh giấy ghi mấy chữ bằng tiếng Pháp: “Chúng tôi đã cùng Việt Minh đi đánh Nhật rồi” ở trước cửa đồn.
Sau đó, bộ đội ta dẫn các tù binh rời khỏi đồn, kết thúc thắng lợi trận đánh đầu tiên không tốn 1 viên đạn. Điều đáng nói, ngoại trừ viên quan Tây do bộ đội không kìm được căm thù bắn chết, không một binh lính nào của địch bị mảy may xây xát gì. Tù binh được dẫn đến một nơi an toàn để nghe bộ đội ta phân tích tình hình, ai tình nguyện đi theo Cách mạng sẽ được bổ sung vào Đội còn lại thả về quê.
Cách đánh và kết thúc trận đánh của Đội mà Đại tướng lúc đó là người chỉ huy vừa tài tình lại vừa cho thấy ý nghĩa nhân văn. Với mảnh giấy ghi trước cửa đồn ta đã chặn đứng con đường trở lại làm lính cho Pháp của toán lính tù binh mà không cần phải giam giữ hay giết những người đó. Đó cũng là một nét cho thấy phẩm chất của một nhân tướng trong con người của vị tướng lừng danh sau này.
Vũ Tiến Đức