Trong hội nghị báo chí thường kỳ vừa qua, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố rằng, nước này đang độc lập phát triển máy bay vận tải cỡ lớn để tăng cường khả năng vận chuyển hàng không.
Hiện nay, trên thế giới chỉ có Mỹ - Nga có thể phát triển máy bay vận tải cỡ lớn với các đại diện tiêu biểu như C-17 Globamaster III (Mỹ), Ilyushin Il-76 và An-124 (Nga).
Theo phân tích của các chuyên gia quân sự Zhang He (Trường Cao đẳng Chỉ huy lực lượng pháo binh số 2) và Li Wei (Đại học Quốc phòng quốc gia Trung Quốc), loại máy bay vận tải quân sự cỡ lớn đầu tiên của Trung Quốc được đặt tên là Y-20 mang những ước mơ và kỳ vọng của hàng triệu người dân Trung Quốc.
|
Đồ họa vận tải cơ chiến lược Y-20 và ảnh máy bay vận tải Il-76 (góc phải). |
So với vận tải cơ chiến lược Il-76MD (Nga), Y-20 có trọng lượng lớn hơn, không gian trong thân máy bay bố trí hợp lý hơn. Máy bay được tích hợp nhiều hệ thống điện tử hàng không tiên tiến do Trung Quốc tự sản xuất.
Xét thông số kỹ thuật của Y-20 cho thấy, nó lớn hơn so với Il-76 của Nga. Thân máy bay Y-20 dài khoảng 47m, sải cánh 45m, cao 15m, trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 200 tấn, tải trọng tối đa 66 tấn. Trong khi, Il-76 có trọng lượng cất cánh tối đa 195 tấn, tải trọng 50 tấn.
Về động cơ, Trung Quốc đang tích cực phát triển động cơ phản lực cánh quạt đẩy có lực đẩy lớn. Hiện nay, Y-20 chưa thể trang bị động cơ tiên tiến như vậy, nên tạm thời phải sử dụng động cơ D-30KP2 nhập khẩu của Nga.
Hiệu suất của động cơ D-30KP2 không hơn so với động cơ phản lực PS-90A76 của máy bay vận tải Il-476 (biến thể mới nhất của Il-76). Do đó, lực đẩy của động cơ Y-20 kém hơn nhiều so với Il-476.
|
Hình ảnh rò rỉ trên trang mạng Trung Quốc về vận tải cơ Y-20 đang thử nghiệm. |
Tuy nhiên, theo hai chuyên gia này, Y-20 sẽ có hiệu suất bay được cải thiện đáng kể sau khi được trang bị động cơ phản lực cánh quạt đẩy do Trung Quốc độc lập phát triển. Nhờ đó, Y-20 sẽ trở thành một trong những máy bay vận tải cỡ lớn tiên tiến nhất thế giới.
Dường như 2 chuyên gia này đang lạc quan quá mức, bởi động cơ là điểm yếu cố hữu của ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc trong hàng chục năm, không phải một vài năm. Mặc dù nước này đã nỗ lực để khắc phục nhưng vẫn chưa đi tới đâu. Hiện nay, rất nhiều máy bay chiến đấu, vận tải của Trung Quốc (không riêng Y-20) đều phải sử dụng động cơ nhập khẩu.
Theo hai chuyên gia này, Y-20 đang trải qua giai đoạn thử nghiệm và hoàn thiện. Nếu tất cả mọi thứ diễn ra tốt đẹp, Y-20 sẽ phải trải qua các chuyến bay thử nghiệm kéo dài 3 năm. Dự kiến, năm 2017 Không quân Trung Quốc sẽ chính thức tiếp nhận máy bay vận tải Y-20 đầu tiên.
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN:
Hoàng Lê