Theo tờ Izvestia, các nhà cung cấp thiết bị quân sự sẽ có được khả năng xuất khẩu sản phẩm của mình mà không cần mất nhiều tháng làm thủ tục xin phép cho từng vụ mua bán.
Dựa trên văn bản được cung cấp, Izvestia cho biết, Dự thảo nghị quyết của Chính phủ quy định quy chế mới cho các vụ mua bán đã được Ngành kiểm soát về kỹ thuật và xuất khẩu liên bang (FSTEK) soạn thảo. Các chuyên gia nhận định, quy chế làm nhanh này sẽ tăng việc bán các bộ phận của vũ khí trang bị - trước hết sang các nước châu Mỹ La tinh, Đông Nam Á và Cận Đông.
|
Các công ty Nga có thể nhanh chóng cung cấp cho khách hàng các linh kiện, thiết bị hệ thống vũ khí.
|
“Quy chế về hoạt động kinh tế đối ngoại trong chế độ xuất khẩu không cần xin phép sẽ đơn giản hóa quá trình bán các bộ phận cấu thành vũ khí trang bị và thiết bị ra nước ngoài. Để thực hiện việc thường xuyên bán sản phẩm, xí nghiệp chỉ cần một lần xin được đưa vào danh sách đăng ký các nhà cung cấp quốc tế. Trong khi đó vũ khí nguyên bộ (như súng pháo, xe tăng, máy bay, tên lửa, tàu chiến ...) vẫn như trước sẽ chỉ được bán ra nước ngoài theo giấy phép”, Izvestia cho biết.
Đại diện FSTEK Andrei Nikolsliy giải thích: “Pháp nhân có tên trong danh sách của FSTEK sẽ được quyền xuất khẩu mà không phải xin phép thêm. Nếu Tổng thống có quyết định về việc bán hàng hóa theo danh mục nhất định sang những nước được xác định, thì sẽ thực hiện quy chế đơn giản hóa việc xuất khẩu này. Cơ chế này sẽ trở thành biện pháp khuyến khích cho công nghiệp quốc phòng”.
Ngành kiểm soát về kỹ thuật và xuất khẩu liên bang (FSTEK) nhấn mạnh, là quy chế mới sẽ giảm thời gian từ khi ký hợp đồng đến khi nhận được giấy phép xuất hàng.
Đại diện phòng sản phẩm lưỡng dụng của FSTEK giải thích thêm: “Để có được giấy phép phải nộp một tập văn bản. Các văn bản này phải nêu rõ mục đích sử dụng sản phẩm - những người nước ngoài tham gia vụ làm ăn sẽ làm gì với sản phẩm đó. Đồng thời phải có cam đoan là những người nước ngoài này sẽ không sao chép chúng, mô phỏng chúng, tái xuất khẩu… mà không được phép của Nga. Sau đó phải thẩm định liên ngành, và nếu mọi việc thuân lợi thì giấy phép sẽ được cấp. Việc xem xét đơn xin phép có thể kéo dài nhiều tháng. Thời hạn này phụ thuộc vào giám định liên ngành - đôi khi một chuyên viên đã xem xét xong, nhưng người thứ hai đi công tác vắng, còn người thứ ba thì lại không có quyền ký”.
|
Các thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu linh kiện hiện nay được cho là cực kì chậm chạp.
|
Theo tin của FSTEK, mỗi tháng cơ quan này nhận đến 20 đề nghị của các công ty Nga xin đẩy nhanh việc cấp phép. Những công ty này cho biết người đặt hàng đưa ra vấn đề phá bỏ hợp đồng do chậm cung cấp sản phẩm. Trong khi đó các đối thủ cạnh tranh chủ yếu với Nga trên thị trường vũ khí thế giới - Mỹ và các nước Liên minh châu Âu (EU) đã có quy chế đơn giản hóa xuất khẩu.
Chuyên gia nói gì?
Giám đốc Trung tâm phân tích buôn bán vũ khí thế giới Igor Korotchenko cho rằng, quyết định này sẽ cho phép phía Nga thực hiện việc đáp ứng nhanh hơn nhu cầu phụ tùng và bộ phận cấu thành của các nhà sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật Nga ở nước ngoài.
Igor Korotchenko đánh giá: “Trong lĩnh vực này, Nga thường xuyên làm việc với hơn 70 nước. Phải giảm thời gian từ khi có đặt hàng đến khi thực hiện hợp đồng. Chúng ta không phải lúc nào cũng có thể cung cấp phụ tùng nhanh như những đối thủ cạnh tranh. Mà việc cải thiện vị thế của Nga trên thị trường hợp tác kỹ thuật quân sự phụ thuộc vào điều này”.
Ở FSTEK khẳng định là không ít trường hợp các nhà đặt hàng có thể tìm thấy đồ thay thế sản phẩm Nga ở các nước thực hiện đơn đặt hàng nhanh hơn. Ngoại lệ của trường hợp này là các quốc gia đang bị cấm vận mua bán vũ khí.
|
Dù vậy, các hệ thống vũ khí hoàn chỉnh như xe tăng, máy bay, tàu chiến đều phải có giấy phép mới được phép xuất khẩu.
|
Phó Chủ tịch thứ nhất Liên đoàn kỹ sư Nga Ivan Andrievskiy nhắc, hướng có triển vọng cho xuất khẩu các bộ phận của vũ khí và các phương tiện sản xuất và sửa chữa chúng của Nga là các nước đang phát triển.
Ivan Andrievskiy nói: “Có nhiều nước mà Nga đang hợp tác một cách thành công theo hướng này. Trước hết đó là các quốc gia ở châu Mỹ La tinh, Đông Nam Á và Cận Đông. Thị trường châu Phi cũng luôn làm Nga quan tâm, nó vẫn là thị trường quan trọng”.
Theo ông này, quy chế mới sẽ có ảnh hưởng tích cực cho việc tăng khối lượng sản phảm xuất khẩu và tất nhiên tương ứng tăng thu nhập của Nga.
Chuyên gia này nhận định: “Tiếc là các biện pháp trừng phạt kinh tế đã được triển khai không cho phép thấy hết một cách đầy đủ các ưu thế của quy chế mới. Sẽ thấy được hết chúng trong tương lai dài hạn, khi phương Tây nhận thức được hết khiếm khuyết của ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt đối với bức tranh kinh tế toàn cảnh và sự hợp tác với Nga trở lại quy mô như trước”.
Nguyễn Vũ