Ở phần hai, Kiến Thức tiếp tục giới thiệu tới độc giả các thành phần chính của tổ hợp tên lửa phòng không 2K12 Kub Việt Nam có trong trang bị.
Hệ thống radar trinh sát và dẫn bắn tự hành 1S91 SURN
|
Hệ thống radar 1S91 SURN (Straight Flush). |
Hệ thống radar tự hành trinh sát và dẫn bắn 1S91 SURN có nhiệm vụ phát hiện, theo dõi, xác định tọa độ và quốc gia sở hữu mục tiêu, đồng thời chiếu xạ một cách liên tục. Có thể xem, đây là "trái tim" của tổ hợp tên lửa 2K12 Kub (SA-6).
Để làm việc này và các nhiệm vụ khác, trong thành phần của đài 1S91 có: radar phát hiện mục tiêu (SOTs 1S11) và radar theo dõi mục tiêu (SSTs 1S31), máy ngắm quang học – vô tuyến, hệ thống truyền thông tin và mã hóa thông tin vô tuyến với thiết bị phóng tự hành, nguồn tiếp điện tự động (máy phát điện turbine khí), hệ thống nâng/hạ antenna.
Các antenna của đài radar được bố trí hai tầng (phía trên là radar 1S31, phía dưới là radar 1S11) và có thể quay theo góc phương vị độc lập với nhau. Để giảm chiều cao của thiết bị trinh sát và dẫn bắn tự hành trong khi hành quân, bệ cơ sở hình trụ của các thiết bị antenna được thu vào trong thân xe chạy bằng băng xích, còn anten SSTs 1S31 quay xuống và được bố trí phía sau đài ra đa phát hiện mục tiêu.
Khối lượng của hệ thống 1S91 SURN với toàn bộ các trang thiết bị bố trí trên gầm xe chạy xích GM-58 với kíp chiến đấu 4 người.
Vậy tính năng của hai đài radar trong thành phần hệ thống có gì?
- Đài radar định vị phát hiện mục tiêu SOTs 1S11
Nó được sử dụng để phát hiện và nhận dạng xuất xứ của mục tiêu trong phạm vi từ 3-70km theo tầm xa và 30m đến 7.000 m theo độ cao, đồng thời cung cấp các thông số khác về chúng. Đài radar nhìn vòng có tốc độ quay 15 vòng/ phút, băng sóng cm với hai kênh truyền tải – nhận/thu sóng độc lập và antenna có hình dạng chảo.
Khi công suất xung động của bức xạ đạt 600kW trong mỗi kênh, chiều rộng các tia của chúng theo góc phương vị gần 1 độ, còn phạm vi quan sát hình quạt theo góc cao là khoảng 20 độ. Khả năng kháng nhiễu của đài radar phát hiện mục tiêu 1S11 được bảo đảm bằng hệ thống chọn lọc các mục tiêu đang hoạt động (SDTs) và áp lực của các dải nhiễu không đồng bộ, sự tăng cường kênh thu được thực hiện bằng tay, bằng sự điều biến tần số lặp lại của các xung động và sự điều hưởng lại các tần số của máy phát sóng.
|
Đài radar định vị theo dõi mục tiêu 1S31 (dưới) và radar định vị phát hiện mục tiêu SOTs 1S11 (trên). |
- Đài radar định vị theo dõi mục tiêu 1S31
Đài 1S31 theo số liệu của trung tâm điều khiển từ đài radar theo dõi mục tiêu với xác suất 0,9 bảo đảm bám bắt, lựa chọn theo dõi mục tiêu dạng máy bay tiêm kích bom F-4 Phantom ở tầm xa 50km, đồng thời chiếu xạ mục tiêu cho đạn tên lửa 3M9 bằng sự phát xạ liên tục.
Đài radar định vị có hai kênh độc lập, các bộ nguồn bức xạ được lắp đặt trong mặt phẳng của kính phản xạ dạng parabol của antenna tổng thể theo dõi và chiếu xạ mục tiêu.
Khi công suất xung động theo kênh theo dõi mục tiêu đạt 270kW, chiều rộng của tia gần 1 độ, sai số bình quân theo dõi mục tiêu theo các góc tọa độ gần 0,5 d.u và 10m theo tầm xa. Khả năng bảo vệ đài radar theo dõi mục tiêu khỏi các dải nhiễu thụ động và phản xạ từ mặt đất được thực hiện bằng hệ thống chọn lọc mục tiêu đang hoạt động, còn với các dải nhiễu vô tuyến điện – sử dụng phương pháp định vị xung đơn của mục tiêu, hệ thống chỉ thị mục tiêu và điều hướng lại bằng tần số hoạt động. Khi đài radar theo dõi mục tiêu bị chế áp bởi các dải nhiễu vô tuyến điện, sự theo dõi mục tiêu theo các góc tọa độ được thực hiện bằng máy ngắm quang học – vô tuyến, còn theo tầm xa được thực hiện bằng radar phát hiện mục tiêu 1S11.
Xe phóng tự hành 2P25
|
Xe phóng tự hành 2P25. |
Xe phóng 2P25 trên cơ sở khung gầm bánh xích đa năng GM-578 phục vụ cho việc vận chuyển và phóng 3 đạn 3M9. Sự dẫn hướng sơ bộ với các tên lửa tới mục tiêu được thực hiện theo số liệu của hệ thống radar trinh sát dẫn bắn tự hành 1S91 SURN, sau khi thực hiện khả năng chống nhiễu và thông tin mã hóa vô tuyến.
Để thực hiện các chức năng của mình, thiết bị phóng tự hành được trang bị các thiết bị truyền động lực tự động hóa bằng điện, thiết bị tính toán các khí tài thông tin và dẫn đường, nguồn điện được cung cấp từ máy phát turbine khí. Trong trạng thái vận chuyển, các tên lửa trên thiết bị phóng được bố trí ở tư thế nằm ngang với bộ phận đuôi hướng ra phía trước theo hướng di chuyển của thiết bị phóng, khối lượng thiết bị phóng với 3 quả tên lửa phòng không 3M9 và kíp xe 3 người là 19,5 tấn.
Tên lửa phòng không 3M9
|
Mô hình tên lửa 3M9 với mặt cắt hiển thị các thiết bị bên trong. |
Tên lửa phòng không có điều khiển 3M9 hoạt động bằng nhiên liệu rắn như đạn 9M8 của tổ hợp tên lửa phòng không 2K11 Krug, được thiết kế theo sơ đồ khí động học “cánh quay” với động cơ tên lửa hỗn hợp và đầu đạn tự dẫn đường bán chủ động bằng radar định vị.
Trong sự khác biệt với 9M8, để tăng cường sự cơ động, bộ phận cân bằng của 3M9 có cánh lái, giảm kích thước của cánh quay và bảo đảm sử dụng thiết bị truyền động khí nén nhẹ hơn.
Đầu đạn tự dẫn đường bán chủ động bằng radar 1SB4 bảo đảm bám bắt mục tiêu đã được lựa chọn từ khi khởi động và theo dõi nó đến thời điểm đầu đạn nổ. Trong các điều kiện phải đối phó với các tên lửa chống radar của đối phương như kiểu AGM-45 Shrike, việc bám bắt mục tiêu của đầu đạn tự dẫn đường của tên lửa có thể thực hiện trên không sau khi khởi động.
Để bắn cháy mục tiêu, với khả năng chịu quá tải lên đến 8G, tên lửa được trang bị đầu đạn nổ - nổ mảnh (3N12, khối lượng 57kg), khi nổ tạo thành 3.150 mảnh. Đầu đạn tên lửa nổ theo lệnh của ngòi nổ vô tuyến hai kênh bức xạ liên tục.
|
Radar xung doppler 1SB4. |
|
Đầu đạn nổ mảnh 3N12. |
Thiết bị động cơ hỗn hợp nhiên liệu rắn hai tầng được thiết kế theo cấu tạo khác thường. Tầng đầu tiên (tầng khởi động) sử dụng nhiên liệu rắn trong hình dạng khối trụ (chiều dài: 1,7m, đường kính 290mm), với ống hình trụ từ nhiên liệu thuốc phóng không khói (VIK-2) khối lượng 172kg với mặt đáy bọc thép, được bố trí trong buồng đốt của tầng chính. Sau 3-6 giây, các công việc của bộ phận bên trong thiết bị vòi phun xảy ra với sự duy trì bằng lưới chất dẻo thủy tinh.
Động cơ chính là buồng khí gas có dạng thùng với nhiên liệu được nạp sẵn. Các chất gây cháy được nạp của buồng khí được đẩy vào buồng đốt, nơi phần chất đốt được đốt trong dòng không khí, truyền qua bốn cửa thoát khí. Các thiết bị truyền vào với các vật trung tâm dạng hình nón được thiết kế trong chế độ hoạt động siêu âm. Và khi mở động cơ chính, chúng thoát ra khỏi các rãnh của bộ phận thoát khí tới buồng đốt được đóng bằng nắp chất dẻo thủy tinh.
Đạn 3M9 là tên lửa phòng không đầu tiên trên thế giới sử dụng thiết kế này và được tiếp nhận sản xuất hàng loạt trong biên chế lực lượng vũ trang. Sau khi bắt được một số tên lửa 3M9 trong thời gian chiến tranh Yom Kippur năm 1973, Israel đã sử dụng chúng trở thành nguyên mẫu để chế tạo hàng loạt tên lửa phòng không và tên lửa chống hạm. Với chiều dài gần 5,8m và đường kính 330mm, khối lượng 630kg, đạn 3M9 được vận chuyển theo cặp với các đế cân bằng bên phải và bên trái trong container đặc biệt 9Ya266.
Thông số kỹ thuật tên lửa 3M9
Dài: 5.800mm
Đường kính: 330mm
Sải cánh: 1.245mm
Khối lượng trước khi phóng: 630kg
Khối lượng đầu nổ: 57kg
Tầm bắn: 6-22km
Trần bắn: 0,1-12km.
Chiến tích của 2K12 Kub
Thành công đầu tiên trong lịch sử của tổ hợp tên lửa phòng không 2K12 Kub là bắn rơi gần một nửa lực lượng Không quân Israel trong thời gian chiến tranh Yom Kippur năm 1973. Chỉ trong thời gian từ ngày 6 đến ngày 24/10, các tổ hợp 2K12 Kvadrat của Ai Cập đã bắn rơi 64 máy bay Israel bằng 95 quả tên lửa. Còn để tiêu diệt 6 máy bay trong thời gian từ ngày 8/4 đến ngày 30/5 năm 1974, chỉ cần 8 tên lửa.
Các chuyên gia quân sự nước ngoài, trong đó có Mỹ đã chỉ ra rằng tổ hợp tên lửa phòng không này theo các khả năng tác chiến của nó vượt trội tổ hợp MIM-23 Hawk của Mỹ đã được hiện đại hóa và làm suy giảm một cách đáng kể hiệu quả lực lượng Không quân Israel, vốn sử dụng các máy bay do Mỹ và các nước NATO sản xuất.
Đến cuối cuộc chiến tranh năm 1973, Israel đã mất gần 110 máy bay, về phía Ả rập: 40 hệ thống phòng không khác nhau, trong đó có các tổ hợp tên lửa phòng không 2K12 Kvadrat.
|
2K12 Kvadrat của Iraq. |
Ngoài cuộc chiến tranh Yom Kippur, bắt đầu từ năm 1972, các tổ hợp tên lửa phòng không Kub/Kvadrat cũng được sử dụng một cách linh hoạt trong các cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang trong khu vực như cuộc chiến Lebanon lần thứ nhất năm 1982, chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, chiến tranh Nam Tư năm 1999 và nhiều nơi khác như xung đột biên giới Maroc – Algeria, đánh trả các cuộc tấn công của Không quân Mỹ ở Libya năm 1986, Chad năm 1986 – 1987 và trong một số hoạt động quân sự.
Mặc dù đến đầu những năm 1980, tổ hợp này đã được mổ xẻ rất kỹ, cho phép phe tấn công có thể sử dụng những biện phát hiệu quả để làm suy yếu khả năng tác chiến. Nhưng trong mọi trường hợp, tổ hợp tên lửa phòng không 2K12 Kub/Kvadrat vẫn đóng vai trò hiệu quả hàng đầu trong việc trinh sát và bắn hạ mục tiêu.
Tri Năng