Mìn là một loại vũ khí nổ dùng trong quân sự có cấu tạo gồm vỏ, thân mìn, gòi nổ... và được bố trí cố định tại nhiều vị trí khác nhau nghi ngờ có quân của đối phương hoạt động. Mìn thường được kích hoạt nổ nhờ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của chính mục tiêu.
Tùy vào mục đích sử dụng mà các nước có nền công nghiệp quốc phòng phát triển sản xuất ra các loại mìn khác nhau, có loại mìn sử dụng trên cạn, có loại mìn sử dụng dưới nước; có loại mìn diệt bộ binh, diệt xe tăng, xe cơ giới, nhưng cũng có loại mìn chống phương tiện đổ bộ như tàu, xuồng, ca nô...
Mìn là loại vũ khí “giấu mặt” nguy hiểm nhất thế giới bởi chi phí sản xuất không lớn, nhưng hậu quả nó để lại thì hết sức nặng nề và chi phí khắc phục hậu quả do mìn để lại sau chiến tranh cực kỳ tốn kém. Chính vì lý do này mà Liên Hợp quốc đã có công ước cấm sử dụng mìn trong chiến tranh được nhiều nước ủng hộ và ký cam kết.
Dưới đây là một số điều ít biết trong lịch sử quân sự thế giới về mìn:
Quả mìn đầu tiên trên thế giới
Quả mìn đầu tiên trên thế giới do người Trung Quốc phát minh ra. Năm 1130, khi quân Kim tiến đánh Thiểm Châu, quân Tống đã sử dụng “hỏa dược pháo” (mìn vỏ sắt) với khả năng sát thương lớn để giành chiến thắng. Quả mìn sơ khai này có vỏ ngoài trơn nhắn, khi nổ tạo ra ít mảnh vỡ, nhưng nó lại diệt nhiều quân đối phương bằng uy lực của thuốc nổ ở bên trong và sóng xung kích. Về sau người ta tiếp tục nghiên cứu và cải tiến vỏ mìn có nhiều gai nhọn và gọi loại mìn này là “pháo củ ấu”. Tiếp đó, những nhà cải tiến còn trộn mạt sắt, đinh sắt vào trong thuốc nổ để khi nổ, các mạt sát, đinh sắt văng được đi xa, tăng khả năng sát thương đối phương trong chiến đấu.
Mìn phá giáp đầu tiên
Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, xe tăng có bước phát triển nhanh chóng, mìn chống tăng cũng theo đó ra đời. Mìn chống tăng không ngừng phát triển cả về chủng loại, số lượng và chất lượng. Vào giữa những năm 1940, con người đã ứng dụng nguyên lý công phá bằng phương pháp nhiệt tập trung và kỹ thuật điện tử vào việc thiết kế, chế tạo mìn.
Người đầu tiên nghiên cứu kỹ thuật này là một người Đức có tên là Misznay. Năm 1944, ông đã lợi dụng nguyên lý nổ tập trung năng lượng, phát minh ra một “viên đạn” cao tốc có khả năng xuyên thủng giáp xe tăng ở cự ly nhất định. Sau này người ta gọi đó là nguyên lý hiệu ứng nổ phá Misznay – Schardin. Sự phát minh ra kỹ thuật mới này đã mở đường cho kỹ thuật mới trong việc phát triển các loại mìn phá gầm và mìn phá giáp xe sau này. Về sau rất nhiều nước đã ứng dụng nguyên lý và kỹ thuật điện tử này để chế tạo ra mìn chống tăng lưỡng dụng.
|
Một loại mìn chống tăng.
|
Mìn chống tăng đầu tiên
Năm 1916, xe tăng được đưa vào sử dụng trong chiến tranh dẫn đến sự ra đời của mìn chống tăng. Đức là nước sử dụng mìn chống tăng sớm nhất trên thế giới. Năm 1918, người Đức đã cải tiến đạn pháo thành mìn chống tăng, dùng để phá hủy xe tăng của Anh và Pháp, thu được những hiệu quả nhất định. Uy lực của mìn chống tăng trong chiến tranh là không thể xem thường. Theo thống kê, trong 10.000 chiếc xe tăng bị hư hại trong chiến tranh, có tới 20% do bị mìn phá hủy.
Mìn thông minh kiểu mới đầu tiên trên thế giới
Mỹ đang gấp rút nghiên cứu chế tạo một loại mìn thông minh kiểu mới mang tên “Hercass”. Các nhà quân sự phương Tây cho rằng, đây là một bước “nhảy vọt mang tính đột phá” về công nghệ chế tạo mìn, nó biến mìn từ loại vũ khí tấn công bị động truyền thống thành một loại vũ khí tấn công mang tính chủ động.
Loại mìn này chủ yếu được dùng để đối phó với sự đe dọa của trận địa xe tăng và máy bay trực thăng vũ trang. Nó được cấu tạo bởi thiết bị tìm kiếm chủ động, thiết bị đẩy tên lửa, thiết bị phân biệt địch – ta và hệ thống kiểm soát máy tính, có khả năng nắm bắt chính xác mục tiêu, tính toán đường đạn và chủ động tấn công mục tiêu.
Đặc biệt, không chỉ có thể gài trên mặt đất nhằm sát thương đoàn xe tăng của lực lượng bộ binh đối phương trên diện rộng, mà còn có thể thả xuống từ máy bay. Sau khi thả xuống, dưới sự trợ giúp của tên lửa đẩy và thiết bị đẩy điện động, thiết bị cảm ứng âm thanh và điện quang của nó có thể nhanh chóng tự động dò tìm mục tiêu trong phạm vi bán kính từ 500 đến 1.000m. Một khi tìm thấy mục tiêu, hệ thống điều khiển của nó sẽ châm ngòi cho quả tên lửa nhỏ được nối liền với thân mìn, giúp mìn tấn công chính xác vào mục tiêu.
Người phát ngôn của Mỹ tiết lộ, ngoài việc dùng nó để đối phó với trận địa xe tăng, chỉ cần giải quyết xong một số vấn đề kỹ thuật của tên lửa đẩy, loại mìn này có thể dùng để tấn công máy bay trực thăng.
Mìn định hướng dùng nhiều nhất trên thế giới
Thiết kế mìn định hướng được dùng nhiều nhất trên thế giới là loại Claymore của quân đội Mỹ được sản xuất từ nửa sau của thế kỷ 20. Đây cũng là một thứ vũ khí thường được quân đội Mỹ sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam.
|
Mìn định hướng Claymore.
|
|
Hậu quả sau vụ nổ của mìn Claymore với những viên bi sắt găm chi chít trên thân xe.
|
Norman Maclead, Giám đốc Tập đoàn Nghiên cứu Chất nổ đã chế tạo một loại mìn cong nhỏ có tên gọi T-48 và cho Quân đội Mỹ thử nghiệm nó. Các cuộc thử nghiệm đều chứng minh khả năng sát thương của mìn, và nó nhanh chóng được đưa vào sử dụng với tên M18 Claymore. Sau đó, 10.000 quả mìn như thế đã được sản xuất cho đến năm 1954, Viện nghiên cứu quân sự Picatinney Arsenal đã đệ trình yêu cầu cải tiến mìn M18 với các tính năng kỹ, chiến thuật phù hợp.
Claymore được gọi là “mìn định hướng”. Điều này có nghĩa, người đặt sẽ chĩa mìn về một hướng nhờ một đầu ruồi ở trên. Một dây nối với mìn sẽ được kéo ra một khoảng cách an toàn tới vị trí người sử dụng và ở đầu kia dây là một kíp nổ có dạng một cái kẹp, khi bóp sẽ kích nổ mìn.
Claymore có hình một khối chữ nhật cong, khi nổ, chất nổ dẻo sẽ đẩy 700 viên bi kim loại ra nhiều hướng với một góc 60 độ. Bất cứ vật thể nào nằm cách quả mìn khoảng 45m sẽ trúng thương vong. Càng ở gần mìn thì tỉ lệ thương vong càng lớn. Quả mìn do đó gần giống như hàng tá khẩu súng săn khai hỏa cùng một lúc.
Biến thể M18A1 Claymore vẫn sẽ tiếp tục được sản xuất và được sử dụng rộng rãi, cũng như các loại mìn bắt chước như MON-50 của Nga và MRUD của Serbia. Gần đây, một loại biến thể nhỏ hơn của Claymore, được sản xuất bởi Công ty Arms Tech của Mỹ, có tên gọi là Mini-More. Loại này chỉ bằng 1/3 kích cỡ và trọng lượng của người anh em của nó, và được trang bị cho lực lượng biệt kích.
Mìn định hướng đầu tiên của Việt Nam
Mìn ĐH10 hay còn gọi là mìn phóng mảnh định hướng MĐH10, do xưởng Z26 thuộc Bộ chỉ huy Miền thử nghiệm, sản xuất thành công trước năm 1968. Vào những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sau một thời gian nghiên cứu chế tạo, xưởng Z26 đã thử nghiệm mìn định hướng ở đồn Bồ Túc (tỉnh Tây Ninh). Trọn một ngày, 8 quả mìn cỡ 300mm, nặng 11kg được cho nổ liên tục để kiểm tra khả năng xuyên thép dày 2 và 3mm, cự ly sát thương bộ binh xa nhất, cự ly an toàn của mìn và khả năng phá rào thép gai tạo cửa mở.
|
Mìn DDH10.
|
Cuộc thử nghiệm đã cho kết luận: Một quả mìn nổ tương đương 1 đơn vị bộ binh bắn đồng loạt bằng súng trường, có khả năng diệt bộ binh ở cự ly 100m và xa hơn, đánh được xe cơ giới và tàu thuyền có vỏ thép mỏng, khi ghép 3-5 quả có khả năng phá rào thép gai tạo cửa mở rộng 2m sâu 30m. Từ đó mìn mang tên MĐH10 (MĐH là viết tắt chữ mìn phóng mảnh định hướng, số 10 chỉ trọng lượng mìn nặng khoảng 10kg).
Sau đó, Xưởng Z26 sản xuất loạt đầu tiên được gần 700 quả và nhân rộng quy trình chế tạo, sản xuất cho các đơn vị trong toàn Miền. Xưởng C10 (Quân khu miền Đông) thay thuốc nổ TNT bằng thuốc nổ Tetryl (lấy trong bom đạn Mỹ) làm mìn, nổ rất tốt và sau đó sản xuất hàng loạt MĐH10 cung cấp cho lực lượng vũ trang lập công trên khắp các chiến trường Nam Bộ. Đặc biệt, sau trận Đội biệt động 67 cho nổ hai quả mìn MĐH10 trong nhà hàng Mỹ Cảnh bên sông Sài Gòn làm hàng trăm nhân viên tình báo, sĩ quan Mỹ chết và bị thương thì một số lượng lớn MĐH10 được các lực lượng đưa vào đô thị cất giấu để bộ đội biệt động, đặc công sử dụng đánh địch trong Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968.
Mìn gạt
Cựu chiến binh, Trung tá Tô Hoài Đức ở Củ Chi chính là người sáng tạo ra mìn gạt để đánh Mỹ. Ông được biết đến như người có “biệt tài” sáng chế vũ khí. Ban đầu, ông mượn cán bộ quân giới hai trái mìn cán của Liên Xô về tìm hiểu, sau đó mang đi đánh thử xe tăng. Tuy nhiên, nhược điểm của loại mìn này là khi xe tăng cán lên mới gây nổ. Ông bèn tìm cách dùng thuốc từ những trái đạn, quả bom chưa nổ để làm mìn đánh xe tăng, “chế” bộ điểm hỏa gắn vào và chừa một lỗ nhỏ để cắm chiếc que dài. Làm xong, ông mang mìn đi cài đánh thử và đánh thắng ngay lần đầu. Loại mìn này chỉ cần xe tăng chạy qua, “gạt” nhẹ vào chiếc que là nổ ngay.
|
Mìn gạt.
|
Từ đó quân và dân Củ Chi dùng mìn “gạt” để đánh xe tăng, tàu chiến Mỹ và cả lính bộ binh đi càn, máy bay đổ bộ nữa,…Chỉ cần biết được những vị trí địch có thể tập trung quân, máy bay có thể đổ quân, cài sẵn mìn ở đó và chờ kết quả. Hiệu quả của mìn “gạt” giúp quân và dân Củ Chi càng hăng hái thi đua giết giặc, đánh xe tăng địch.
Đại Dương