Năm 2014, Bộ Quốc phòng Nga có kế hoạch nhận được xe phá mìn điều khiển từ xa đầu tiên UR-07M do viện nghiên cứu khoa học công trình ở thành phố Balashikha và nhà máy cơ khí chế tạo Rubtsov ở tỉnh Moscow nghiên cứu chế tạo.
Xe phá mìn sẽ thay thế loại xe phá mìn huyền thoại UR-77 mà binh lính đặt tên cho là “mãng xà của Gorynych” xuất phát từ nguyên lý sử dụng.
Phương tiện mới gồm phần xe cơ sở là khung bệ xe chiến đấu bộ binh BMP-3, cũng như bộ phận phóng có liều phóng phá mìn tăng cường UZP-06 và UZP-06D. Chúng có khả năng tạo ra hành lang dài từ 340m tới 1km với chiều rộng vài chục mét trên bãi mìn. Liều phóng mới có thể phá được mọi loại mìn.
“Liều phóng phá mìn là một sợi dây dài có gắn những khối thuốc nổ. Sợi dây này được gắn với tên lửa, khi tên lửa được phóng đi sẽ kéo theo sợi dây đi xa hàng trăm mét, nó rơi xuống đất, các khối thuốc được kích nổ và phá huỷ mìn trong bán kính vài mét. Kết quả là chỉ sau vài giây trên bãi mìn sẽ hình thành một “hành lang” an toàn cho không chỉ bộ binh, mà cả trang bị kỹ thuật quân sự. Lính công binh cần nhiều ngày trời để mở một cửa mở như vậy”, sĩ quan tham gia thử nghiệm UR-07M cho biết.
|
Xe phá mìn UR-07M dùng khung gầm cơ sở xe chiến đấu bộ binh BMP-3. |
Theo ông này, bộ quốc phòng đang soạn thảo và phối hợp các văn bản để đưa UR-07M vào đơn hàng nhà nước cho năm 2014. Hiện chưa xác định số lượng xe phá mìn sẽ trang bị cho các đơn vị.
Cũng theo sĩ quan công binh cũng tham gia thử nghiệm UR-07M, phương tiện phá mìn UR-77 chỉ định hướng vào mìn chống tăng, hơn nữa là loại mìn có kíp nổ đơn giản. Máy này không phá được mìn chống bộ binh, mìn có kíp nổ rung động, cũng như kíp nổ kép. Còn liều phá của máy phá mìn UR-07 có hình dáng mới và thuốc nổ mạnh hơn. Nó kích nổ một phần mìn, còn những quả mìn chống phá bằng lượng nổ thì sẽ bị sóng nổ đưa ra khỏi khu vực cửa mở.
Ở nhà máy cơ khí chế tạo Rubtsov và viện nghiên cứu khoa học NII công trình cho biết, máy phá mìn mới đã sẵn sàng cho sản xuất hàng loạt.
Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự lại không đánh giá cao khả năng của UR-07M. Tổng biên tập Tạp chí Arsenal Otechestva Victor Murakhovski nói rằng, UR-07M chỉ có thể được dùng ở chỗ trống và thực chất không giúp được gì trên đường và các điểm dân cư.
|
UR-07M phóng tên lửa phá mìn. |
“Bọn khủng bố mà chúng ta đang phải chống lại đặt trên đường những quả mìn lẻ, hoặc là đặt ở các thành phố, nếu phá những chỗ đặt mìn như vậy bằng UR-07M thì sẽ có nhiều thứ bị phá huỷ hơn là do sức công phá của chính quả mìn. Chỗ này cần có những người lính công binh và những máy dò mìn thông thường”, ông cho biết.
Ngay trong những năm chiến tranh thế giới lần thứ 2, Quân đội Mỹ đã có những liều phóng phá mìn từ xa đầu tiên. Họ đã dùng chúng nhiều trong chiến tranh ở Việt Nam, ở Iraq năm 1991. Đúng ra, đến năm 2003 Quân đội Mỹ ở Irắc đã không sử dụng chúng nữa, cho dù chúng có trong biên chế trang bị của các đơn vị tấn công.
Hiện các máy phá mìn tương tự có trong biên chế của tất cả các nước thành viên NATO. Máy phá mìn từ xa đầu tiên của Nga UR-67 được đưa vào trang bị năm 1968.
Nguyễn Vũ