Giải mã cách đặt tên vũ khí của Liên Xô và Nga

Google News

(Kiến Thức) - Vũ khí Nga và Liên Xô thường đặt theo tên các nhà chế tạo, đi kèm với hệ số chẵn lẻ, chữ cái để phân biệt phiên bản.

Nga và Liên Xô trước đây thường có truyền thống đặt tên cho các loại máy bay do nước này chế tạo dựa theo tên của các tổng công trình sư hoặc cục thiết kế phát triển nên loại máy bay đó. Và mỗi dòng máy bay còn được phân biệt theo hệ số chẵn lẻ hoặc số thứ tự, đơn cử như các máy bay chiến đấu hay tiêm kích đánh chặn của Nga thường có số lẻ, tuy nhiên cũng có một số trường hợp ngoại lệ như máy bay ném bom chiến lược Tu-95 hay máy bay vận tải An-125.
Lấy ví dụ điển hình như máy bay tiêm kích Su-27 do Liên Xô chế tạo từ cuối những năm 1970. Với chữ Su là tên viết tắt của phòng thiết kế Sukhoi - nơi phát triển Su-27 và 27 là số thứ tự các dòng máy bay chiến đấu do Sukhoi thiết kế. Bên cạnh đó, hệ thống số thứ tự còn được gánh thêm các chữ cái nhằm phân biệt giữa các biến thể khác nhau.
Giai ma cach dat ten vu khi cua Lien Xo va Nga
 Một biến thể tiêm kích Su-27 của Không quân Nga.
Như với chữ “S” dùng để ký hiệu cho biến thể Su-27 một chỗ ngồi với động cơ cải tiến AL-31F cũng như được thay đổi thiết kế so với các nguyên mẫu gốc và dành cho sản xuất hàng loạt. Trong khi đó, chữ “M” lại được sử dụng cho một biến thể hiện đại hóa dựa trên các phiên bản trước đó.
Đơn cử như biến thể hiện đại hóa của Su-27 là Su-27SM3 đang được Không quân Nga sử dụng. Ngoài ra Su-27 còn các biến thể xuất khẩu với ký hiệu “K” như Su-27SK hay Su-27UBK biến thể huấn luyện hai chỗ ngồi dùng cho xuất khẩu.
Do đó mọi biến thể máy bay ném bom hay máy bay chiến đấu được Liên Xô hay Nga chế tạo mới hoặc nâng cấp cải tiến đều được gánh với các các số thứ tự cùng ký hiệu nhận biết tương ứng. Như trong trường hợp của Su-27 là với các biến thể máy bay tiêm kích đa năng Su-30, máy bay cường kích Su-34 và tiêm kích đa năng Su-35, tất cả các dòng máy bay chiến đấu này đều được phát triển dựa trên thiết kế của Su-27.
Giai ma cach dat ten vu khi cua Lien Xo va Nga-Hinh-2
 Máy bay cường kích hiện đại nhất của Không quân Nga hiện nay là Su-34 cũng được phát triển dựa trên Su-27.
Khác với cách đặt tên hay số hiệu dành cho máy bay, các dòng xe tăng chiến đấu chủ lực của Liên Xô hay Nga sau này đều sử dụng ký hiệu đầu là chữ “T” viết tắt của từ xe tăng (Tank) và mỗi dòng xe tăng khác nhau sẽ được đánh số ký hiệu tương ứng theo năm nó được đưa vào trang bị chính thức. Như xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 do Liên Xô chế tạo được đưa vào trang bị từ năm 1973 hay T-62 và T-64 được đưa vào trang bị từ đầu những năm 1960.
Trước khi được đưa vào biên chế chính thức, các dòng xe tăng do Liên Xô phát triển chỉ được biết tới như các đề án “Object” cùng với ký hiệu của nhà máy nơi chế tạo ra nó. Chính vì vậy khung gầm hạng nặng thế hệ mới Armata của Nga còn được gọi với cái tên khác là Object 148 sau khi được đưa vào trang bị sẽ được đổi tên thành T-14 dựa vào năm nó được giới thiệu cho Quân đội Nga là trong năm 2014.
Các ký hiệu chữ cái dành cho xe tăng cũng tương tự như của máy bay, tuy nhiên do số lượng lớn các biến thể nâng cấp khác nhau nên Liên Xô hay Nga thường thêm vào các chữ cái đầu như “A” hay “B” phía trước ký hiệu “M” dùng cho một biến thể xe tăng được nâng cấp hay hiện đại hóa. Ngoài ra chữ “K” còn được dùng cho biến thể xe tăng chỉ huy hay “C” dành cho biến thể xuất khẩu.
Có một điểm đáng chú ý là dòng xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 của Nga vốn là một trong những loại xe tăng bán chạy nhất trong giai đoạn từ năm 2001-2010 lại không hề được đánh ký hiệu cụ thể và các biến thể của nó chỉ được gáng với các ký hiệu ngẫu nhiên, một phần là vì T-90 lại là biến thể nâng cấp của T-72.
Giai ma cach dat ten vu khi cua Lien Xo va Nga-Hinh-3
Biến thể xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B3 của Quân đội Nga.
Các loại pháo mặt đất hay tên lửa của Liên Xô và Nga lại được đặt tên khá cụ thể như ký hiệu “9K” được dùng để đặt tên cho các loại tên lửa hoặc đạn của các loại tổ hợp pháo phản lực phóng loạt. Trong khi đó ký hiệu “2S” dùng để định danh cho các loại pháo tự hành còn “2A” là cho các loại pháo kéo và “2B” là cho các loại cối hay tổ hợp pháo phản lực phóng loạt
Cùng với việc cho ra đời nhiều loại tên lửa và tổ hợp phòng thủ mới thì việc đặt ký hiệu định dạng cho chúng ngày càng trở nên khó khăn hơn, mặt khác các loại tên lửa lại thường được đặt tên theo đặt tính kỹ thuật của chúng cũng dẫn tới phức tạp trong việc định danh. Đơn cử như trường hợp của hai tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300 và S-400 với cách đặt tên dựa trên tầm bắn hiệu quả của chúng, Trong một số trường hợp các phòng thiết kế hoặc tổng công trình sư lại đặt tên cho các loại vũ khí do họ chế tạo theo tên các loại hoa hay các từ đơn giản dễ nhớ.
Tuấn Đặng