Năm 1976, khi Liên Xô triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung di động RSD-10 Pioneer với tầm bắn 4.300km đã tạo nên mối đe dọa lớn cho các nước NATO. RSD-10 đã khiến năng lực răn đe hạt nhân của NATO “tuột dốc không phanh”. Đứng trước tình thế đó, Mỹ đã phát triển một loại tên lửa đạn đạo tầm trung được chỉ định là MGM-31 Pershing II để đối trọng lại với tên lửa của Liên Xô.
|
Tên lửa đạn đạo RSD-10 của Liên Xô khiến nhà khoa học Mỹ phải "động tay, động chân".
|
MGM-31 Pershing II là một loại tên lửa đạn đạo di động tầm trung được phát triển từ tên lửa Pershing I. Đây là một tên lửa nhiên liệu rắn hai giai đoạn, nó có thiết kế tương tự Pershing I nhưng được trang bị động cơ mới mạnh mẽ hơn.
Động cơ mới sử dụng công nghệ kiểm soát véc tơ lực đẩy cho phép tên lửa linh hoạt hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn. Tên lửa được trang bị đầu đạn hạt nhân thế hệ mới W85, tên lửa có chiều dài 10,6m, đường kính lớn nhất 1,02m, trọng lượng phóng 7.400kg, tầm bắn khoảng 1.770km.
Xét về tầm bắn, tên lửa Pershing II chưa bằng phân nửa so với tên lửa RSD-10 của Liên Xô nhưng sự xuất hiện của tên lửa này đã khiến Liên Xô choáng váng. Điều làm nên sự đáng sợ của loại tên lửa này chính là công nghệ dẫn hướng cực kỳ tinh vi của nó.
|
MGM-31 Pershing II được đặt trên bệ phóng tự hành.
|
MGM-31 Pershing II được trang bị hệ thống dẫn hướng gần như không có đối thủ. Giai đoạn đầu sau khi khởi động, tên lửa được dẫn hướng bằng hệ thống quán tính. Sau khi đạt độ cao khoảng 300km tên lửa sẽ quay trở lại bầu khí quyển trái đất. Lúc này hệ thống dẫn hướng quán tính tiếp tục hướng tên lửa đến mục tiêu.
Khi ở độ cao 15km, tên lửa sẽ kích hoạt radar chủ động để sục sạo khu vực mục tiêu, đây là một radar dẫn đường kỹ thuật số đưa Pershing II trở thành tên lửa đạn đạo đầu tiên được trang bị loại radar kỹ thuật số tối tân này.
Radar sẽ truyền sóng vô tuyến đến khu vực mục tiêu để xác nhận các thông số về độ cao sau đó nhận thông tin ở dạng video về khu vực theo công nghệ tương quan kỹ thuật số. Đây là một công nghệ dẫn hướng có “1-0-2” tại thời điểm đó.
Radar trang bị trên tên lửa Pershing II là một dạng radar tương quan khu vực còn gọi là radar video, radar này được phát triển bởi tập đoàn Goodyear Aerospace. Radar sẽ truyền sóng vô tuyến vào khu vực mục tiêu, dữ liệu thu nhận được mã hóa thành 2 bit điểm ảnh.
Bộ vi xử lý sẽ so sánh hình ảnh do radar thu được với dữ liệu đã được nạp trước khi phóng để hiệu chỉnh tên lửa đến mục tiêu.
Quá trình so sánh như vậy được thực hiện liên tục cho đến khi tên lửa đánh trúng mục tiêu. Công nghệ dẫn hướng này cho phép một tên lửa đạn đạo đánh trúng mục tiêu với bán kính lệch mục tiêu CEP chỉ khoảng 30m, một con số đủ khiến Liên Xô phải hoảng sợ.
Trong trường hợp hệ thống dẫn hướng radar tương quan khu vực không hoạt động tên lửa vẫn được dẫn hướng đến mục tiêu nhờ vào hệ thống dẫn hướng quán tính nhưng trong trường hợp này độ chính xác không cao.
|
MGM-31 Pershing II đạt tầm bắn 1.770km kém hơn RSD-10 nhưng lại có độ chính xác rất cao.
|
Năm 1983, 108 tên lửa Pershing II được triển khai đến Tây Đức đã chấm dứt thời gian “tại vị” của tên lửa RSD-10. Tên lửa Pershing II chỉ mất 10 phút để tấn công Moscow với độ chính xác cao của nó có thể ngăn chặn khả năng triển khai của lực lượng răn đe hạt nhân Liên Xô.
Sự có mặt của tên lửa Pershing II tại Tây Đức đã khiến Liên Xô mất đi lợi thế về năng lực răn đe hạt nhân trên bàn đàm phán với Mỹ.
Sự tranh luận về tên lửa Pershing II và RSD-10 đã trở thành chủ đề “nóng” trong các cuộc đàm phán Mỹ-Xô những năm 1980. Cuối cùng cả đôi bên buộc phải nhượng bộ lẫn nhau bằng Hiệp ước cắt giảm tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm trung INF được ký kết vào năm 1988. Toàn bộ tên lửa Pershing II của Mỹ và RSD-10 của Liên Xô đều bị loại bỏ theo hiệp ước này.
Mặc dù không còn được sử dụng nhưng tên lửa Pershing II vẫn là một trong những tinh hoa của công nghệ tên lửa thế giới, đặc biệt là công nghệ dẫn hướng.
Bình Đức