Hé lộ “hàng nóng” ngoại trong kho vũ khí Hàn Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Dù công nghiệp quốc phòng nội địa mạnh mẽ, nhưng Hàn Quốc vẫn nhập khẩu nhiều trang thiết bị quân sự từ Mỹ và nhiều nước trên thế giới.

Công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc đã có bước tiến vượt bậc trong nhiều năm trở lại đây. Các công ty nội địa (như Samsung, LG, Hyundai, Daewoo…) đã cung cấp cho quân đội xe tăng, xe bọc thép, pháo, tàu chiến. Tuy nhiên, không hẳn mọi vũ khí Hàn Quốc tự chế tạo từ A-Z.

Một số thành phần mà điển hình là radar, động cơ luôn là điểm yếu cố hữu ở các ngành công nghiệp quốc phòng mới nổi. Hàn Quốc cũng vậy, nước này chưa làm chủ công nghệ cần thiết để tự sản xuất radar, động cơ. Vì thế, nước này vẫn nhập khẩu khá nhiều 2 thành phần này trong những năm qua để trang bị cho phương tiện chiến tranh.

Năm 2012, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Hàn Quốc đã nhận nhiều trang thiết bị quân sự (chủ yếu là động cơ, radar, pháo, tên lửa…) từ Mỹ và các nước đồng minh theo các hợp đồng đã ký kết từ những năm trước đó.

Mỹ

Hàn Quốc đang thực hiện kế hoạch đóng mới 3 tàu khu trục tên lửa cỡ lớn lớp Sejong Đại đế (KDX-III). Vì thế, rất nhiều trang bị quân sự nước này nhận trong năm 2012 sẽ trang bị cho lớp tàu này.

Theo số liệu của SIPRI, Hàn Quốc đã nhận được tổng cộng: 9 hệ thống radar điều khiển hỏa lực AN/SPG-62; 3 hệ thống radar trinh sát mặt biển AN/SPS-67; 3 hệ thống radar mạng pha AN/SPY-1D (“trái tim” hệ thống chiến đấu Aegis); 3 hệ thống định vị thủy âm SQS-53C.

Hàn Quốc còn nhận được 62 tên lửa đối không tầm xa Standard Missile-2MR. Những tên lửa này nằm trong hợp đồng trị giá 67 triệu USD được Hàn Quốc và Mỹ ký năm 2010. Tất cả tên lửa sẽ trang bị cho 3 tàu khu trục lớp Sejong Đại đế. Năm 2011, Hàn Quốc tiếp tục đặt thêm 19 tên lửa SM-2 Block-3B nhưng không rõ thời hạn giao hàng.

Bên cạnh đó, nước này còn mua 12 động cơ tuốc bin khí LM-2500, 3 pháo hạm Mk-45 127mm cho tàu lớp Sejong Đại đế. Tất cả những hợp đồng kể trên đều được Hàn Quốc ký kết với Mỹ từ năm 2008 và giao hàng trong năm 2012.
Nhiều thành phần quan trọng trong "ông vua" Sejong Hải quân Hàn Quốc buộc phải nhập khẩu.

Cùng với trang bị cho tàu chiến lớp Sejong Đại đế, Hàn Quốc cũng mua thêm động cơ lắp trên tàu tuần tra cao tốc nội địa lớp Gumdoksuri. Giai đoạn 2008-2012, Hàn quốc đã nhập khẩu 14 động cơ LM-500 trong hợp đồng 18 chiếc ký năm 2005.

Ngoài ra, để sản xuất máy bay huấn luyện/chiến đấu T-50/TA-50, Hàn Quốc còn nhập khẩu nhiều bộ phận từ Mỹ trong năm 2012 gồm 49 động cơ phản lực F404, 22 radar AN/APG-67.

Để trang bị cho dòng tiêm kích có trong biên chế, Hàn Quốc còn nhập thêm tên lửa đối không hiện đại và bom có điều khiển. Cụ thể, năm 2012, nước này nhận chuyển giao: 10 tên lửa không đối không tầm trung AIM-120C (trong hợp đồng mua 125 tên lửa loại này được ký năm 2008); 75 quả bom có điều khiển Paveway-3 (hợp đồng trị giá 39 triệu USD được ký năm 2010); 19 tên lửa đối không tầm ngắn AIM-9X Sidewinder (trong hợp đồng mua 55 tên lửa cùng loại được ký năm 2012).

Cùng năm, Hàn Quốc cũng quyết định mua 367 quả bom có điều khiển CBU-97 SFW, nhưng hợp đồng chưa được ký.
Ngoài những hợp đồng ký kết với Mỹ, Hàn Quốc cũng có những hợp tác kỹ thuật – quân sự với một số quốc gia phương Tây và Israel.

Đức

Trong khi mua động cơ tàu chiến thì Hàn Quốc chọn đối tác Mỹ, thì đối với động cơ xe tăng – xe bọc thép, nước này lại chọn Đức.

Năm 2012, Hàn Quốc nhận tổng cộng 685 động cơ diesel MTU-881 để trang bị cho pháo tự hành K-9 (trong hợp đồng mua 1.306 động cơ được ký năm 1998). Cùng năm, nước này ký hợp đồng 100 động cơ MTU-883 trang bị cho xe tăng K-2.
Việc mua 100 động cơ MTU-883 cho thấy Hàn Quốc có thể sản xuất 100 xe tăng đắt thứ 2 thế giới K-2 "Báo đen".

Hàn Quốc còn nhận được 400 tên lửa phòng không tầm cao MIM-104A (trang bị cho hệ thống tên lửa Patriot PAC-2) trong khoảng thời gian từ năm 2008-2012 theo hợp đồng được ký từ năm 2007.

Ngoài nhập khẩu vũ khí, Hàn Quốc còn hợp tác với Đức đóng 9 tàu ngầm phi hạt nhân hiện đại Type 214. Hiện nay, đã có 3 tàu ngầm loại này được đưa vào hoạt động. Dự kiến, 6 chiếc còn lại sẽ được đưa vào hoạt động trong khoảng thời gian từ năm 2014-2018.

Hà Lan

Giai đoạn 2007-2012, Hàn Quốc mua 5 hệ thống pháo phòng không cao tốc Goalkeeper để lắp đặt trên tàu đổ bộ lớp Dokdo và 3 chiếc Sejong Đại đế. Hợp đồng 5 hệ thống kể trên có giá 54 triệu USD được 2 nước ký năm 2003.
Hệ thống pháo phòng không cao tốc Goalkeeper.

Cùng khoảng thời gian đó, Hàn Quốc nhận được 8 radar phòng không MW-08, trong hợp đồng 10 radar loại này được ký năm 2003. Dự kiến, 10 radar MW-08 sẽ trang bị cho 9 tàu tuần tra lớp Gumdoksuri  và tàu đổ bộ lớp Dokdo.

Hàn Quốc cũng hợp tác với Hà Lan để tự sản xuất 6 radar tầm xa SMART-S trang bị cho 6 khinh hạm lớp Incheon FFX. Hợp đồng được 2 nước ký năm 2009 nhưng chưa rõ thời hạn giao hàng.

Các quốc gia khác

Hàn Quốc nhận 2 hệ thống radar phòng không EL/M-2080 Green Pine từ Israel để sử dụng cùng với hệ thống Patriot. Hai hệ thống này được Hàn Quốc đặt mua từ năm 2009.

Nước này đã ký hợp đồng mua 8 máy bay trực thăng săn ngầm AW-159 từ Anh. Số trực thăng này sẽ được chuyển giao trong giai đoạn 2015-2016.

Hàn Quốc cũng hợp tác với Thụy Điển để sản xuất radar điều khiển hỏa lực CEROS-200. Hợp đồng sản xuất 9 hệ thống radar CEROS-200 được 2 nước ký năm 2005. Từ năm 2008-2012, Hàn Quốc đã tự sản xuất được 7 hệ thống CEROS-200.

Một trong những thế mạnh của quân đội Triều Tiên là lực lượng pháo binh lớn nhất thế giới. Nhằm chống lại lực lượng này, Hàn Quốc đã ký hợp đồng hợp tác sản xuất 10 hệ thống radar định vị pháo ARTHUR với Thụy Điển vào năm 2011. Thời hạn giao hàng hệ thống này chưa được tiết lộ.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Nguyễn Hoàng (theo SIPRI)