Hệ thống phòng thủ tên lửa hàng tỷ USD của Mỹ là đồ bỏ?

Google News

(Kiến Thức) - Hệ thống phòng thủ tên lửa xuyên quốc gia mà Mỹ đang xây dựng với chi phí hàng tỷ USD không còn đáp ứng được các mối đe dọa mới.

Clip Mỹ bắn thử tên lửa đánh chặn SM-3 - thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa: 

Mỹ và Hàn Quốc đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Seoul  nhằm đối phó với mối đe dọa từ tên lửa của Triều Tiên. Cuộc đàm phán giữa Mỹ và Hàn Quốc diễn ra sau khi các quan chức Mỹ hoàn thành việc thiết lập khu vực triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo ở Romania.

Vị trí triển khai tại Romania là một yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ NATO chống lại mối đe dọa từ tên lửa của Iran. Các nhà hoạch định cho kế hoạch phòng thủ tên lửa thường biện minh cho việc đầu tư hàng tỷ USD vào chương trình vì tin rằng, hệ thống sẽ có khả năng bảo vệ chống lại các tên lửa đạn đạo, từ đó giúp giảm nguy cơ hạt nhân đối với Mỹ và các đồng minh trong thế kỷ 21.

Kết luận này là cốt lõi trong kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ được gọi là Ballistic Missile Defense Review (BMDR) công bố vào năm 2010.

BMDR không còn phù hợp

Nhà phân tích Ivanka Barzashka, thuộc Trung tâm An ninh và Hợp tác quốc tế Đại học Stanford trao đổi với National Interest rằng, 3 tiền đề quan trọng của chương trình đang bị thách thức bởi sự thay đổi trong môi trường chiến lược mới.

Tiền đề đầu tiên là nguy cơ vũ khí hạt nhân đối với Mỹ đã tăng lên rất nhiều so với thời điểm năm 2010 và công nghệ phòng thủ tên lửa có thể không đủ để giảm thiểu rủi ro. Hôm nay, Triều Tiên vẫn là một “mối đe dọa” nghiêm trọng đối với Mỹ. Bình Nhưỡng đã tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 4 vào ngày 6/1 và phóng thử tên lửa tầm xa vào ngày 7/2.

He thong phong thu ten lua hang ty USD cua My la do bo?
Tàu khu trục Aegis USS Fitzgerald (DDG-62) phóng tên lửa đánh chặn SM-3 trong một cuộc thử nghiệm.

Sau thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Iran, Washington đã đạt được thành công trong việc ngăn chặn tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của Tehran. Như vậy, kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa để đối phó Iran có thể không còn phù hợp.

Vần đề thứ 2 là ở thời điểm công bố chương trình vào năm 2010, nguy cơ hạt nhân từ Nga đã giảm rất nhiều so với thời điểm chiến tranh Lạnh. Lúc đó, BMDR lập luận rằng, Mỹ và Nga không còn là “kẻ thù” và không có nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa 2 nước.

Do đó, Mỹ phải tiếp tục đảm bảo sự ổn định chiến lược giữa các cường quốc hạt nhân, những thách thức quen thuộc với nước Nga không còn là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, khi Nga sát nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, nguy cơ đối đầu quân sự ở khu vực Đông Âu tăng lên rất nhiều.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter từng nói trong tháng 10/2015 rằng, “chúng tôi cần một kịch bản mới để ngăn chặn Moscow”. Mục tiêu ban đầu của chương trình là nhằm chống lại Iran và Triều Tiên không còn phù hợp.

Vấn đề thứ 3 là chương trình BMDR đang làm tăng nguy cơ hạt nhân giữa các nước lớn. Cả Nga và Trung Quốc đều phản đối mạnh mẽ chương trình này. Moscow từng tuyên bố rằng, chương trình phòng thủ tên lửa của Mỹ sẽ làm suy yếu sự ổn định chiến lược.

He thong phong thu ten lua hang ty USD cua My la do bo?-Hinh-2
Tuần dương hạm USS Cowpens (CG-63) phóng tên lửa trong đợt thử nghiệm lá chắn tên lửa trên biển. 

Nga từng cảnh báo về nguy cơ chạy đua vũ trang và các biện pháp đối phó quân sự nên Mỹ không giới hạn chương trình. Trong khi đó, các quan chức Mỹ lại cho rằng, cảnh báo chạy đua vũ trang từ Nga chủ yếu mang động cơ chính trị chứ không phải là một mục tiêu thực tế.

Các quan chức Mỹ cũng cho rằng, mối quan tâm của Nga có thể giải quyết thông qua đàm phán. Tuy nhiên, Moscow đang hiện thực hóa tuyên bố của họ bằng cách hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân, phát triển các hệ thống hàng không vũ trụ mới nhằm chống lại Mỹ và các đồng minh ở châu Âu.

Trung Quốc cũng kiên quyết phản đối lá chắn tên lửa của Mỹ ở Hàn Quốc. Bắc Kinh tuyên bố rằng, đề xuất triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc của Washington sẽ có tác động tiêu cực đến an ninh Trung Quốc.

Có thể thấy rằng, với những thách thức an ninh mới nổi lên, đặc biệt là động thái ngày càng quyết đoán của Trung Quốc thì chương trình BDMR rõ ràng đã trở nên lạc hậu và không còn phù hợp. Nhà phân tích Ivanka Barzashka cho rằng, chính quyền mới của Mỹ được bầu vào năm 2017 cần phải xem xét lại chiến lược quốc phòng tổng thể, trong đó có chương trình phòng thủ tên lửa

Quốc Minh