Máy bay tiêm kích bom Su-17M3 (S-52) “Fitter-H”
Việc phát triển phiên bản máy bay Su-17 mới được Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô ra lệnh vào tháng 10/1974, và nhà máy đặt tên mã cho nó là Izdeliye S-52.
Công việc thiết kế có phần triển khai chậm hơn do bị ưu tiên sau so với phiên bản huấn luyện Su-17UM (S-52U). Nhưng điều này cung cấp một cơ hội để đánh giá tiềm năng của các thay đổi thiết kế, quy hoạch và tính khả thi của phiên bản Su-17UM và áp dụng cho phiên bản máy bay tiêm kích bom mới.
S-52 giữ nguyên hình dáng khí động học của Su-17UM. Ở phiên bản này, khu vực buồng lái phía sau của Su-17UM được thay thế thành khu vực chứa các thiết bị điện tử hàng không và thùng nhiên liệu. Nhờ vậy lượng nhiên liệu tăng thêm 250 lít (hay 220kg) và tổng lượng nhiên liệu mang theo là 4.880 lít (hay 4.020kg). S-52 có thể mang theo 4 thùng nhiên liệu phụ PTB-800 hay 2 thùng nhiên liệu phụ PTB-1150.
Về vũ khí, 2 pháo 30mm NR-30 được lắp lại với cơ số đạn là lên đến 160 viên mỗi khẩu. Lắp thêm 2 giá treo vũ khí nằm ở khu vực giữa 2 giá treo cũ ở mỗi cánh. vị trí này dùng để trang bị tên lửa không đối không tầm ngắn dẫn đường bằng hồng ngoại R-60 (AA-8 Aphid).
|
Nguyên mẫu đầu tiên của Su-17M3 (S-52), vì được thiết kế lại từ khung Su-17UM nên vẫn còn giữ một số đặc điểm của nó. Buồng lái phía sau được bỏ đi và thay vào đó là chứa các module thiết bị và thùng nhiên liệu (mũi tên đỏ). Không có pháo NR-30 (khoanh tròn xanh). Bổ sung thêm 1 giá treo vũ khí dưới mỗi cánh (mũi tên vàng). Không có hệ thống Klyon-PS (mũi tên xanh lục) |
Một số thay đổi trong thành phần hệ thống điện tử hàng không:
- Thay thế hệ thống đo xa laser Fon bằng hệ thống chỉ thị mục tiêu bằng laser Klyon-PS (Maple-PS) với khả năng đo xa laser và chỉ thị mục tiêu bằng laser
- Thay thế kính ngắm ASP-17 và PBK-3-17S bằng kính ngắm ASP-17B
- Sử dụng radio đo cao A-031 thay vì radio đo cao RV-5
- Thay thế ăng ten cảnh báo bị radar khoá SPO-10 Sirena-3 bằng SPO-15 Beryoza-L
- Trang bị hệ thống điều khiển tự động SAU-22M1
- Lắp bộ thả mồi gây nhiễu hồng ngoại KDS-23 ở trên khoang sống lưng với 2 băng đạn, mỗi băng chứa 6 viên đạn pháo sáng gây nhiễu hồng ngoại 50mm.
Hệ thống chỉ thị mục tiêu bằng laser Klyon-PS được thiết kế bởi nhà máy Quang-Cơ khí Urals (UOMZ) ở Sverdlovsk. Hệ thống này không chỉ đơn thuần đo xa laser và tìm kiếm mục tiêu bị chỉ điểm bởi laser như hệ thống Fon mà còn có thể chiếu laser vào mục tiêu và dẫn đường cho tên lửa ở khoảng cách lên đến 10km và sai số chưa đến 5m. Góc phương vị của hệ thống này là 12 độ bên trái và 12 độ bên phải, góc hướng lên là 6 độ và góc hướng xuống là 30 độ. Trọng lượng của hệ thống là 82kg.
|
Hệ thống chỉ thị mục tiêu bằng laser Klyon-PS (Maple-PS) |
S-52 có thể mang được nhiều chủng loại vũ khí, bao gồm:
- Tên lửa không đối đất có dẫn đường Kh-23 (AS-7 Kerry), Kh-25 (AS-10 Karen), Kh-29L (AS-14 Kegde)
- Tên lửa chống bức xạ Kh-28 (AS-9 Kyle), Kh-58 (AS-11 Kilter), Kh-27 (AS-12 Kegler).
- Tên lửa không đối không R-60 (AA-8 Aphid).
- Các loại giàn phóng rocket S-5, S-8, rocket S-24, S-25, rocket có dẫn đường S-25L.
- Các loại bom OFAB-100, OFAB-250, OFAB-500..
- Bom napalm ZB-500.
- Bom chùm KMGU-1.
- Hệ thống pháo có vỏ bọc SPPU-22.
|
Bộ thả mồi gây nhiễu hồng ngoại KDS-23 ở trên khoang sống lưng |
Buồng lái S-52 được bọc giáp nhằm tăng khả năng sống sót trên chiến trường. Các thùng nhiên liệu cũng được bơm khí trơ và bọt ngăn cháy nổ polyurethane. Trọng lượng khi chiến đấu của S-52 cũng tăng lên 195kg vì sử dụng bọt polyurethane. S-52 cũng có thể hoạt động trên các sân bay dã chiến. Nhờ buồng lái được thiết kế lại nhằm tăng sự tiện nghi cho phi công nên hiệu quả chiến đấu của S-52 cũng tăng lên 20% so với Su-17M2.
S-52 được bắt đầu đưa vào sản xuất trong giai đoạn 1975-1976 và mang tên là Su-17M3. Nguyên mẫu đầu tiên hoàn thành vào đầu năm 1976 với mã “92 Xanh”. Ngyên mẫu này được đem thử nghiệm cấp nhà máy vào đầu nửa năm 1976, trình diễn khả năng bay cơ bản và chuẩn bị đem đi thử nghiệm cấp Quốc gia vào giữa tháng 9. Tháng 1/1977, nguyên mẫu thứ 2, “93 Xanh” hoàn thành tham gia thử nghiệm cấp nhà máy tại Komsomol’sk-on-Amure. Nguyên mẫu này được trang bị Klyon-PS và kính ngắm ASP-17B để thử nghiệm khả năng chiến đấu.
|
Nguyên mẫu thứ 2 của Su-17M3, pháo NR-30 đã được lắp (khoanh tròn đỏ), nhưng chưa có vây thăng bằng dưới bụng (mũi tên xanh) |
Giai đoạn A của cuộc thử nghiệm cấp Quốc gia vào sau giữa năm 1977 đã chỉ ra một số nhược điểm của nguyên mẫu Su-17M3, đó là không ổn định khi ở tốc độ thấp và khi cánh gập lại ở góc tối đa 63 độ. Điều này nhanh chóng đã được giải quyết bằng cách tăng chiều cao của cánh đuôi đứng và lắp thêm vây thăng bằng dưới bụng máy bay.
Việc chỉnh sửa này cũng được áp dụng cho các phiên bản huấn luyện Su-17UM3 (S-52UM3). 3 nguyên mẫu tiếp theo là “94 Xanh”, “95 Xanh” và “96 Xanh” cũng nhanh chóng hoàn thành thành công cuộc thử nghiệm Giai đoạn B, được tổ chức từ tháng 3 đến tháng 12/1978.
|
Nguyên mẫu thứ 5, "96 Xanh" đã được lắp vây thăng bằng dưới bụng. |
Trong khi thử nghiệm khả năng chiến đấu, đã chỉ ra rằng kính ngắm ASP-17B có độ chính xác kém khi ném bom. Sau nhiều cuộc thử nghiệm, Viện Nghiên cứu Hàng không Quốc gia (GosNII AS) đã thay thế ASP-17B bằng kính ngắm ASP-17BM cho Su-17M3.
Công việc sản xuất Su-17M3 bắt đầu từ năm 1976 và song song với phiên bản huấn luyện Su-17UM3 đến năm 1981. Tổng cộng có 488 chiếc Su-17M3 được sản xuấtl. NATO đặt biệt danh là “Fitter-H”.
|
Một chiếc Su-17M3 trong bảo tàng, để phân biệt với Su-22M dùng động cơ R39BS-300, ta có thể thấy có 3 ống hút khí làm mát động cơ lắp trên lưng (khoanh tròn đỏ) |
Máy bay trinh sát chiến thuật Su-17M3R
Máy bay Su-17M3 cải tiến mang hệ thống trinh sát có vỏ bọc KKR-1.
|
Máy bay trinh sát chiến thuật Su-17M3R với hệ thống trinh sát có vỏ bọc KKR-1 dưới bụng |
Máy bay tiêm kích bom xuất khẩu Su-22M (S-52K) “Fitter-H”
|
Nguyên mẫu Su-22M (S-52K), lưu ý hệ thống đo xa laser Fon lắp trong mũi máy bay (mũi tên đỏ), không có giá treo vũ khí thứ 3 trên cánh (khoanh tròn xanh). |
Máy bay Su-22M (S-52K) là một phiên bản xuất khẩu của Su-17M3 với khung thân của Su-17M3 và dùng động cơ R29BS-300 nhưng sử dụng các thiết bị điện tử hàng không của Su-22. Nguyên mẫu đầu tiên “81 Đỏ” bay chuyến bay đầu tiên vào tháng 2/1977. Cuộc thử nghiệm cấp Quốc gia cho nguyên mẫu này diễn ra từ tháng 6/1978 đến tháng 2/1979. Việc sản xuất mẫu máy bay này diễn ra từ năm 1979 đến năm 1981, có tổng cộng 272 chiếc được sản xuất.
|
Su-22M (S-52K) của KQNDVN, lưu ý hệ thống đo xa laser Fon lắp trong mũi máy bay (mũi tên đỏ), không có giá treo vũ khí thứ 3 trên cánh (khoanh tròn xanh). Vây thăng bằng dưới bụng có lẽ bị tháo đi, ngoài ra còn được lắp các bộ phóng mồi bẫy ASO-2 (khoanh tròn vàng). |
|
Su-22M (S-52K) của Libya, cho chúng ta thấy rõ hệ thống đo xa laser Fon trước mũi máy bay (mũi tên đỏ). |
Máy bay tiêm kích bom Su-22M3 (S-52M3K) “Fitter-J”
Su-22M3 là phiên bản nâng cấp của Su-22M và là một phiên bản xuất khẩu của Su-17M3. Nhưng thay vì sử dụng các thiết bị điện tử hàng không cũ của Su-22 (điển hình là thiết bị đo xa laser Fon) thì Su-22M3 sử dụng các thiết bị điện tử hàng không của Su-17M3, bao gồm:
- Thay thế hệ thống đo xa laser Fon bằng hệ thống chỉ thị mục tiêu bằng laser Klyon-PS (Maple-PS) với khả năng đo xa laser và chỉ thị mục tiêu bằng laser
- Thay thế kính ngắm ASP-17 và PBK-3-17S bằng kính ngắm ASP-17B
- Sử dụng radio đo cao A-031 thay vì radio đo cao RV-5
- Thay thế ăng ten cảnh báo bị radar khoá SPO-10 Sirena-3 bằng SPO-15 Beryoza-L.
Ngoài ra Su-22M3 còn được bổ sung 2 giá treo vũ khí nằm ở khu vực giữa 2 giá treo cũ ở mỗi cánh.
Su-22M3 chỉ được sản xuất nhỏ, có mỗi 59 chiếc và được xuất khẩu cho Hungary. NATO đặt biệt danh là “Fitter-J”.
|
Su-22M3 của Hungary, phiên bản này trang bị hệ thống Klyon-PS (mũi tên đỏ), lắp thêm giá treo vũ khí thứ 3 trên mỗi cánh (khoanh tròn xanh). Để phân biệt với Su-17M3, có 2 ống hút khí làm mát động cơ (khoanh tròn vàng), phần thân sau phình to ra để phù hợp với động cơ R39BS-300 (mũi tên xanh lục) và sống cánh đuôi đứng được làm dài ra (mũi tên tím) |
Máy bay trinh sát chiến thuật Su-22MR, Su-22M3R
Máy bay Su-22M và Su-22M3 cải tiến mang hệ thống trinh sát có vỏ bọc KKR-1.
|
Su-22M3R của Hungary |
Máy bay tiêm kích bom huấn luyện Su-17UM3 (S-52UM3) “Fitter-G”
Năm 1978, việc sản xuất Su-17UM được thử nghiệm lắp các thiết bị điện tử của Su-17M3 vào nhằm huấn luyện chuyển loại phi công Su-17M3. Và như Su-17M3, nhằm tăng tính ổn định khi bay chậm cũng như khi cánh gập đến góc tối đa, một vây thăng bằng được lắp dưới bụng máy bay. Phiên bản này mang mã là S-52UM3.
Chuyến bay đầu tiên hoàng thành vào tháng 10/1978 và được đưa vào sản xuất từ năm 1978 đến năm 1981. Có tổng cộng 165 chiếc được sản xuất, NATO đặt biệt danh là “Fitter-G”.
|
Su-17UM3, sử dụng động cơ AL-21F-3 nên có 3 ống hút khí làm mát động cơ (khaonh tròn đỏ), khung thâ nsau không phình to (mũi tên xanh), sống cánh đuôi đứng ngắn (mũi tên xanh lục), có lắp vây thăng bằng dưới bụng (mũi tên vàng) |
Máy bay tiêm kích bom huấn luyện xuất khẩu Su-22UM3 (S-52UM3K)
Năm 1982, nhà máy sản xuất phiên bản xuất khẩu cho Su-17UM3, sử dụng động cơ R29BS-300. Có 9 chiếc được sản xuất.
|
Su-22UM3 dùng động cơ R39BS-300 của KQNDVN. Có 2 ống hút khí làm mát động cơ (khoanh tròn đỏ), phần khung thân sau phình to ra (mũi tên xanh), sống cánh đuôi đứng dài hơn (mũi tên xanh lục) |
Máy bay tiêm kích bom huấn luyện xuất khẩu Su-22UM3 (S-52UM3K)
Năm 1983, động cơ AL-21F-3 đã được cho xuất khẩu, để đồng bộ hóa dây chuyền sản xuất, nhà máy đã sản xuất Su-22UM3 với động cơ AL-21F-3 tương tự Su-17UM3, 2 phiên bản này chỉ khác nhau ở hệ thống phân biệt bạn-thù (IFF).
|
Su-22UM3 dùng động cơ AL-21F-3 của KQNDVN. Trước mũi lắp hệ thống Klyon-PS (mũi tên đỏ), phần thân sau không phình to (mũi tên xanh) và óống cánh đuôi đứng ngắn (mũi tên vàng) |
Tri Năng