Máy bay Su-22 là tên gọi biến thể xuất khẩu của máy bay tiêm kích-bom Su-17 - một trong những thiết kế máy bay cánh cụp cánh xòe thành công của Liên Xô. Vậy nó được ra đời trong bối cảnh nào, hãy cùng lục lại hồ sơ phát triển loại máy bay này.
|
Mẫu thử nghiệm S-22I – nguyên mẫu của dòng máy bay tiêm kích bom Su-17 sau này |
Lịch sử phát triển
Máy bay Su-17/22 bắt nguồn từ việc nghiên cứu khắc phục điểm yếu mà tiêm kích bom Su-7B của Không quân Liên Xô sử dụng trong nhiều năm gặp phải.
Su-7B là biến thể tiêm kích - bom được phát triển trên nền tảng tiêm kích phòng không Su-7 đưa vào phục vụ từ cuối những năm 1950. Với cánh mũi tên xuôi và khả năng bay siêu âm, khả năng hoạt động hiệu quả của nó là không thể chối cãi. Tuy nhiên, dòng máy bay Su-7B lại có một số lỗi nghiêm trọng.
Lỗi cơ bản nhất của nó là tốc độ hạ cánh của nó quá nhanh, khiến nó phải hạ cánh ở sân bay có đường băng dài và không thể hạ cánh ở các sân bay dã chiến, cũng như tầm bay, tải trọng, hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu, độ tin cậy của động cơ,…
Theo ý kiến của quân đội Liên Xô, sự phát triển của vũ khí hàng không và hệ thống tên lửa (đặc biệt là sự ra đời của vũ khí hạt nhân chiến thuật) sẽ khiến các máy bay không có khả năng cất/hạ cánh ở các sân bay dã chiến không có khả năng sống sót cao khi chiến tranh tổng lực xảy ra. Đến năm 1960, vấn đề cải thiện khả năng cất/ hạ cánh của máy bay trên chiến trường hoặc sân bay dã chiến đã trở nên cấp bách. Các máy bay như Su-7BKL được gắn một động cơ rocket đẩy phụ trợ và dù hãm nhằm giảm khoảng cách cất/ hạ cánh nhưng các giải pháp cơ bản hơn đã được yêu cầu và thay thế giải pháp này.
|
Su-7B Fitter-A trong một bảo tàng ở Nga
|
Ở phương Tây lúc bấy giờ đã phát triển các mẫu máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng (Vertical/Short Takeoff and Landing – V/STOL), không cần yêu cầu đến đường băng thông thường. Ví dụ như các máy bay tiêm kích bom Dassault Balzac hay Mirage IIIV của Pháp, sử dụng các động cơ phản lực nâng hoặc máy bay cường kích Hawker Siddeley P.1127 (Kestrel) của Anh (sau này phát triển thành Hawker Harrier GR.1) với động cơ vector thay đổi hướng phụt (Thurst Vectoring Control/ TVC).
Một giải pháp khác nhằm giảm khoảng cách cất/hạ cánh đơn giản hơn là dùng kiểu cánh cụp-cánh xòe, nhằm thay đổi tốc độ của máy bay. Nguyên mẫu máy bay tiêm kích bom General Dynamics F-111 Aardvark dùng kiểu cánh cụp-cánh xòe thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1964.
|
Nguyên mẫu máy bay cất/ hạ cánh thẳng đứng Mirage IIIV của Pháp |
Ở Liên Xô cũng áp dụng phương pháp cánh cụp cánh xòe này cùng với sự phát triển một máy bay cường kích mới có khả năng cất/ hạ cánh ở đường băng ngắn. Mẫu thử T-58M (sau này được biết tới tên gọi là T-6, nguyên mẫu của dòng máy bay cường kích Su-25 Frogfoot sau này) với động cơ phản lực nâng hỗ trợ. Còn mẫu cánh chụp-cánh xòe thì áp dụng cho khung máy bay Su-7 làm nguyên mẫu cho các dòng máy bay sau này.
|
Nguyên mẫu máy bay tiêm kích bom cánh cụp cánh xòe YF-111A Aardvark của Mỹ |
Mẫu thử nghiệm máy bay tiêm kích bom S-22I
Vào đầu năm 1960, nhà thiết kế P.P Krasil’shchikov ở Viện Thủy khí Động lực học (TsAGI), người hỗ trợ cho Phòng thiết kế Sukhoi đã dùng máy bay Su-7BKL làm khung thân cho nguyên mẫu máy bay mới với bộ cánh cụp cánh xòe. Tuy nhiên để giải quyết các khó khăn về mặt kỹ thuật chứ không phải do tư tưởng thiết kế mà bộ cánh mới này có 2 phần, phần cố định gắn vào thân máy bay với mép trước cánh hướng ra sau một góc 63o03’56” và phần cánh ngoài cụp-xòe có thể thay đổi từ góc 30o đến 63o03’53”.
Điều này xuất phát từ việc thân Su-7B là dạng tròn nên rất khó thiết kế, không có chỗ cho hệ thống quay cánh, bánh đáp sau được bố trí trong cánh cũng như các mấu cứng treo vũ khí và thùng nhiên liệu. Phần cánh cố định sẽ giúp Sukhoi giải quyết các khó khăn này cũng như tận dụng lại thiết kế bánh đáp của chiếc Su-7. Tuy nhiên, các lợi ích của kiểu cánh cụp cánh xòe cũng vì thế mà giảm đi.
|
Mô hình thử nghiệm khí động học của S-22I trong hầm gió T-101 ở TsAGI |
Công việc thực hiện trên mẫu máy bay mới này bắt đầu vào năm 1965, mẫu thử này được đặt tên là MS-19 và sau đó đổi tên thành S-22I (Chữ I là viết tắt của”Izmenyayemaya” – [gheometriya] – cánh cụp cánh xòe). Trưởng dự án là N.G Zyrin, sau khi Zyrin nghỉ hưu, trưởng dự án được thay bằng S.Seleznyov. Đến giữa năm 1966, mẫu thử máy bay đã hoàn thành.
Văn phòng Sukhoi đã cho phi công thử nghiệm Sergei.V.Il’yushin làm phi công bay thử mẫu máy bay S-22I này với kỹ sư L.Moiseychikov làm tổ trưởng kỹ thuật dưới mặt đất. Ngày 2/8/1966, mẫu máy bay cánh cụp cánh xòe đầu tiên của Liên Xô lao lên bầu trời.
|
Nguyên mẫu S-22I với khung thân của Su-7BKL |
|
Một góc chụp khác của S-22I với cánh xòe ra đến góc tối thiểu. |
Các chuyến bay thử nghiệm của S-22I được thực hiện từ năm 1966 đến năm 1967, thu được nhiều kết quả tốt, trong đó khả năng cất/ hạ cánh đã được cải thiện. Mặc dù lượng nhiên liệu mang theo giảm 330kg so với Su-7B và trọng lượng máy bay tăng lên, đến 9.480kg, nhưng tầm bay tăng lên nhờ cánh xòe đến góc tối thiểu khi bay hành trình.
Ngoài ra nhờ cánh cụp cánh xòe mà giúp máy bay ít bị rung lắc hay thất tốc khi thực hiện các góc tấn lớn. Nhờ những yếu tố trên đã đưa đến quyết định sản xuất mẫu máy bay cánh cụp cánh xòe này. Tháng 11/1967, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản và Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã đưa ra chỉ thị yêu cầu nhà máy số 126 ở Komsomol’sk-na-Amure chuẩn bị sản xuất mẫu máy bay tiêm kích bom mới vào năm 1969. Mẫu máy bay tiêm kích bom mới khi vào biên chế sẽ có tên là Su-17, được NATO đặt biệt danh là “Fitter-B” (“Fitter-A” là biệt danh của Su-7B).
Tri Năng