Hồ sơ chiến tích tên lửa phòng không S-75 (1)

Google News

(Kiến Thức) - Tên lửa phòng không S-75 Dvina (NATO định danh SA-2 Guideline) là một trong những vũ khí phòng không nổi tiếng của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh.

S-75 Dvina là tên hệ thống tên lửa phòng không do Liên Xô chế tạo từ những năm 1950, đây được xem là một trong thiết kế thành công nhất trong lĩnh vực phát triển vũ khí phòng không Liên Xô. Nó cũng là một trong những loại tên lửa phòng không được triển khai và sử dụng nhiều nhất trong lịch sử chiến tranh.
Kiến Thức xin giới thiệu loạt bài nguồn gốc phát triển và chiến tích của hệ thống tên lửa phòng không S-75 Dvina huyền thoại:
Nguồn gốc của tên lửa phòng không S-75
Sự kết hợp giữa máy bay ném bom chiến lược tầm xa và bom nguyên tử đã khởi động cuộc cách mạng vĩ đại trong tác chiến ở thế kỷ 20. Thay vì đưa hàng ngàn máy bay ném bom không kích ồ ạt, nay chỉ cần một máy bay ném bom mang một quả bom nguyên tử duy nhất để tiêu diệt một thành phố.
Việc dùng pháo phòng không và máy bay đánh chặn truyền thống đã trở nên lỗi thời vì chúng hiếm khi bắn hạ được 5-10% tổng số máy bay ném bom trong ban đêm. Trong kỷ nguyên của vũ khí nguyên tử, điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được vì chỉ cần một máy bay ném bom vượt khỏi hệ thống phòng không có thể gây ra một sự thiệt hại ngoài sức tưởng tượng.
Ho so chien tich ten lua phong khong S-75 (1)
Chiếc máy bay ném bom B-29 “Enola Gay” chuẩn bị lắp quả bom hạt nhân “Little Boy” và khoang chứa bom, chuẩn bị tấn công vào thành phố Hiroshima vào ngày 6/8/1945. Đây là máy bay ném bom đầu tiên ném bom hạt nhân và quả bom “Little Boy” là quả bom hạt nhân đầu tiên được sử dụng trong chiến tranh.
Trong năm 1945, Đức đang chuẩn bị triển khai công nghệ phòng không mang tính cách mạng bằng việc sử dụng các tên lửa phòng không có điều khiển như Wasserfal Ferngelenkte FlaRakete (Rocket phòng không có điều khiển “Thác nước”) và tên lửa phòng không có điều khiển Henschel Hs 117 Schmetterling. Hai loại tên lửa phòng không này được điều khiển bằng chế độ MCLOS (Manual Command to Line Of Sight nghĩa là điều khiển thủ công theo đường ngắm thẳng), kíp điều khiển dùng radio để điều khiển tên lửa dọc theo đường ngắm quang học từ bệ phóng đến mục tiêu.
Dựa trên 2 loại tên lửa phòng không này của Đức, Viện Nghiên cứu Khoa học số 88 (NII-88) Liên Xô đã chế tạo ra R-101 và R-105 với kiểu dẫn đường tương tự Wasserfal và Hs 117 Schmetterling. Mặc dù nhiều chuyến bay thử nghiệm đã được tiến hành, nhưng các chương trình này trở thành vô ích do những vấn đề về chính trị thời điểm bấy giờ.
Ho so chien tich ten lua phong khong S-75 (1)-Hinh-2
 Rocket phòng không có điều khiển Wasserfall-1 và Wasserfall-5 của Đức.
Ho so chien tich ten lua phong khong S-75 (1)-Hinh-3
Tên lửa phòng không có điều khiển Henschel Hs 117 Schmetterling của Đức.

Ho so chien tich ten lua phong khong S-75 (1)-Hinh-4
Mẫu tên lửa thử nghiệm R-101 của Viện Nghiên cứu Khoa học số 88.
Phải đến tháng 8/1950, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Stalin cảnh báo về việc các máy bay ném bom chiến lược B-29 Superfortress của Mỹ hoạt động tại Hàn Quốc có thể tấn công vào Liên Xô. Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô lập tức ban hành Nghị định về việc thành lập Lực lượng phòng không quốc gia - Quân chủng Phòng không. Đồng thời chỉ rõ Cục thiết kế chuyên nhiệm số 1 là cơ quan chủ quản của các phòng thiết kế tham gia chương trình phát triển phức hợp tên lửa phòng không chiến lược tầm xa mang tên Đại Bàng Vàng (Berkut) để phòng thủ Moscow và các thành phố, các trung tâm công nghiệp, chính trị khác. Berkut được ghép từ họ của 2 nhân vật hàng đầu tại Phòng thiết kế chuyên nhiệm số 1 là kỹ sư Sergei.L. Beria và tổng công trình sư P.N.Kuksenko.
Yêu cầu thiết kế của hệ thống phòng không Berkut do Phòng thiết kế chuyên nhiệm số 1 đưa ra cho các phòng thiết kế chuyên ngành gồm:
- Hệ thống radar cảnh giới A-100 Kama sử dụng băng sóng dm bố trí thành 2 lớp bao quanh thủ đô (lớp trong cách trung tâm từ 25km tới 30km; lớp ngoài cách trung tâm từ 200km tới 300km). Viện nghiên cứu khoa học số 244 và chủ nhiệm thiết kế L.V.Leonov được giao thiết kế đài radar A-100 Kama.
Ho so chien tich ten lua phong khong S-75 (1)-Hinh-5

Đài radar cảnh giới nhìn vòng A-100 Kama.


- Đài radar điều khiển tên lửa đa kênh dẫn bắn B-200 trang bị cho các tiểu đoàn chiến đấu do Phòng thiết kế chuyên nhiệm số 1 chế tạo dưới sự chỉ đạo của V.E.Magdesiev.
Ho so chien tich ten lua phong khong S-75 (1)-Hinh-6
 Đài radar điều khiển hỏa lực B-200 Yo Yo của hệ thống S-25.
- Đạn tên lửa có điều khiển V-300 do Phòng thiết kế tên lửa số 301 và chủ nhiệm thiết kế là tổng công trình sư Semyon.A. Lavochkin đảm nhiệm, điều này lý giải cho sự mất tích bí ấn của ông trong việc thiết kế máy bay những năm 1950. Bệ phóng và xe chở đạn do Phòng thiết kế khoa học chuyên ngành cấp nhà nước về cơ khí chính xác và V.P.Barmin chịu trách nhiệm.
Ho so chien tich ten lua phong khong S-75 (1)-Hinh-7
 Tên lửa V-300 và đài radar điều khiển hỏa lực B-200.
Ho so chien tich ten lua phong khong S-75 (1)-Hinh-8

Bệ phóng cố định của S-25.

- Máy bay tiêm kích chiến lược G-400 phát triển từ máy bay ném bom chiến lược Tu-4 được trang bị tên lửa đối không G-300 (bản đối không của tên lửa V-300) do Phòng thiết kế máy bay Tupolev và chủ nhiệm thiết kế A.I.Kortchmar chịu trách nhiệm.
- Máy bay cảnh báo sớm D-500 (phát triển từ loại máy bay ném bom chiến lược Tu-4) do Phòng thiết kế NII-244 và Phòng thiết kế Tupolev phối hợp phát triển.
Trong suốt giai đoạn phát triển hệ thống tên lửa phòng không Berkut, trải qua một số biến cố trong chính trị, S.A. Respletin đã tổ chức lại nhân viên trong Cục thiết kế chuyên nhiệm số 1 và đổi tên thành KB-1, sau này được biết với cái tên Cục thiết kế Almaz. Tên hệ thống phòng không cũng được đổi lại thành S-25 (Sistema-25), NATO đặt tên là SA-1 Guild và chỉ giữ lại 3 nội dung đầu của yêu cầu thiết kế cho hệ thống tên lửa phòng không S-25. 2 phần bị hủy bỏ của hệ thống này gồm máy bay tiêm kích chiến lược và máy bay cảnh báo sớm.
Ho so chien tich ten lua phong khong S-75 (1)-Hinh-9
 Tên lửa V-300 trên xe đầu kéo TZM
Tháng 3/1954, lực lượng Phòng không quốc gia - Quân chủng Phòng không (PVO) tiếp nhận trung đoàn S-25 đầu tiên và là lực lượng đầu tiên trên thế giới sử dụng tên lửa phòng không chiến lược. Tháng 6/1956, S-25 được đưa vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu thường trực, phải mất 4 năm sau đó thì Mỹ mới cho ra đời hệ thống phòng không tương tự là Nike-Ajax.
Việc phát triển và xây dựng hệ thống phòng không S-25 phòng thủ Moscow đã dẫn tới việc xây dựng 2 vành đai phòng thủ nổi tiếng nhất xung quanh Moscow. Hệ thống phòng không S-25 phòng thủ Moscow bao gồm 2 vành đai phòng thủ khép kín và 4 phân khu phòng không.
Vành đai phòng thủ thứ nhất (vòng trong) có bán kính hướng tâm từ 45 km tới 50 km tính từ Quảng trường Đỏ, vành đai phòng thủ thứ 2 (vòng ngoài) có bán kính hướng tâm từ 90km tới 100km. Trên hai vành đai phòng thủ khép kín này có tổng số 56 trận địa tên lửa, gồm 22 trận địa vòng trong và 34 trận địa vòng ngoài, mỗi trận địa tên lửa được bố trí cách nhau từ 15 km tới 20 km.
Để phục vụ công tác hậu cần, kỹ thuật của các trận địa tên lửa, Liên Xô cho xây dựng hai tuyến đường vành đai bê tông, đồng thời bố trí quanh tuyến vành đai vòng trong 6 căn cứ vũ khí chuyên sản xuất và bảo quản đạn tên lửa. Ngoài các trận địa hỏa lực, mỗi phân khu phòng không còn quản lý 2 trạm radar cảnh giới tầm xa B-200 gồm một trạm ngoại vi cách trung tâm thành phố 200 km, một trạm trung tâm cách trung tâm thành phố 25 km.
Thế nhưng khi đi vào phục vụ, hệ thống S-25 đã trở nên lỗi thời vì công nghệ hàng không thay đổi nhanh chóng. Điện Kremlin cân nhắc việc đưa vào triển khai một hệ thống tên lửa phòng không khác phòng thủ Leningrad. Hệ thống phòng không này rẻ hơn, di chuyển bằng đường ray, tên là S-50 nhưng đã bị loại bỏ và thay thế bằng một hệ thống phòng không khác tinh vi hơn có tên là Lavochkin Dal. Tuy nhiên Lavochkin Dal lại gặp khó khăn trong việc phát triển công nghệ và giá thành nên đã bị hủy bỏ trước khi đi vào phục vụ năm 1960.
Ho so chien tich ten lua phong khong S-75 (1)-Hinh-10
Dấu đỏ chỉ 2 vành đai phòng không xung quanh Moscow.
Ho so chien tich ten lua phong khong S-75 (1)-Hinh-11
 Một trong các tên lửa thử nghiệm 5V11 và giá phóng PPU-476 của hệ thống phòng không Lavochkin Dal.
Ho so chien tich ten lua phong khong S-75 (1)-Hinh-12
 Tên lửa 5V11 (Griffon).
Sự ra đời của huyền thoại S-75
Trong khi Moscow và Leningrad được phòng thủ bằng những tên lửa S-25, điện Kremlin muốn những thành phố khác và các căn cứ quân sự được bảo vệ bằng một loại tên lửa phòng không có chi phí rẻ hơn và bổ sung khả năng phòng thủ Moscow cho các hệ thống tên lửa S-25.
Hệ thống phòng không thứ cấp này được đặt tên là S-75 và chương trình nghiên cứu và phát triển được khởi động vào 20/11/1953. Đội ngũ thiết kế của Boris Bunkin của Cục thiết kế chuyên nhiệm số 1/Cục thiết kế Almaz phụ trách dự án này.
Trong khi thiết kế, họ có một số hy vọng trong việc chuyển đổi việc dùng radar điều khiển dùng băng sóng N tần số thấp (bước sóng 10cm) sang bước sóng V tần số cao (bước sóng 6cm). Tuy nhiên chương trình lại chạy theo 2 hướng phát triển song song 2 loại radar này, gồm: phiên bản tần số thấp là SA-75 Dvina (tên gọi thế hệ đầu tiên dòng tên lửa phòng không S-75 Dvina) dùng radar điều khiển RSNA-75 và phiên bản tần số cao là S-75 Desna dùng radar điều khiển RSN-75. Cả hai phiên bản này được đặt tên bằng những con sông ở Liên Xô và trở thành truyền thống trong việc đặt tên các hệ thống phòng không nước này.
Ho so chien tich ten lua phong khong S-75 (1)-Hinh-13
 Tên lửa V-750 của hệ thống SA-75 Dvina được vận chuyển bởi xe vận chuyển và nạp đạn PR-11 dùng xe đầu kéo bánh xích ATS-59.
Ho so chien tich ten lua phong khong S-75 (1)-Hinh-14
Radar điều khiển hỏa lực RSNA-75 Fan Song A của hệ thống phòng không SA-75 Dvina.
Ho so chien tich ten lua phong khong S-75 (1)-Hinh-15
Tên lửa 13D của hệ thống phòng không S-75 Desna.
Trong khi Semyon Lavochkin bận rộn trong cả hai dự án hệ thống phòng không S-25 và Dal thì công việc thiết kế tên lửa S-75 được tổ chức dưới sự điều hành của một trong những người đại diện của Lavochkin, Pyotr Grushin. Phòng thiết kế của ông trước đây có tên là OKB-2, sau này được biết nhiều với cái tên Cục Thiết kế Fakel (Ngọn đuốc), nơi đã thiết kế ra nhiều loại hệ thống phòng không chiến lược nhất của Liên Xô.
Mẫu tên lửa của S-75 được giới thiệu là một loại tên lửa 2 tầng phóng dựa trên thiết kế của thiết kế thử nghiệm ShB-32 và tính năng tốt hơn so với tên lửa V-300 của hệ thống S-25. Tên lửa này được gọi là Izdeliye 1D hay có tên gọi khác là V-750. Đầu dò radar bán chủ động được nghiên cứu và lắp trên tên lửa của hệ thống S-75 nhưng đã bị hủy bỏ do sức ép về thời gian và giá cả.
Vì vậy, hệ thống S-75 dùng kiểu dẫn đường thủ công theo đường ngắm thẳng như S-25 và đó là gót chân Achilles của hệ thống khi chiến đấu. Công việc thử nghiệm tên lửa Izdeliye 1D được diễn ra vào tháng 4/1955 tại Kasputin Yar. Sau đó, hệ thống phòng không đầu tiên của thế hệ S-75 là SA-75 Dvina được đưa vào biên chế vào ngày 11/11/1957.
Ho so chien tich ten lua phong khong S-75 (1)-Hinh-16
 Tên lửa thử nghiệm 2 tầng phóng ShB-32
Một tiểu đoàn hệ thống tên lửa phòng không S-75 Dvina bao gồm 6 bệ phóng SM-63-I và 1 trạm radar điều khiển hỏa lực RSNA-75 được bố trí trận địa theo kiểu hình ngôi sao 6 cánh với 6 bệ phóng nằm ở 6 mũi cánh của ngôi sao và trạm radar điều khiển hỏa lực nằm ở giữa trung tâm ngôi sao với các trạm chỉ huy và các tổ hợp máy phát điện.
Trong đó, radar RSNA-75 có cánh sóng rất hẹp nên công việc tìm kiếm, chỉ thị và theo dõi mục tiêu do radar cảnh giới P-12 Yenisei (NATO gọi là Spoon Rest) và radar đo cao PRV-10 Konus (NATO gọi là Side Net) đảm nhiệm. Cả 2 hệ thống radar được đặt ở bên ngoài trận địa phòng không và truyền thông tin tình báo của mục tiêu cho đài radar RSNA-75 bằng cáp viễn thông đặt dưới mặt đất. Một trung đoàn phòng không S-75 bao gồm 3 tiểu đoàn chiến đấu và 1 tiểu đoàn kỹ thuật, và các trung đoàn lần lượt có thể được tổ chức thành các đội hình lớn hơn: lữ đoàn, sư đoàn và quân đoàn Phòng không quốc gia - Quân chủng Phòng không.
Ho so chien tich ten lua phong khong S-75 (1)-Hinh-17
 Sơ đồ bố trí trận địa phóng của S-75.
Ho so chien tich ten lua phong khong S-75 (1)-Hinh-18
 Radar cảnh giới P-12 Yenisei (Spoon Rest).
Ho so chien tich ten lua phong khong S-75 (1)-Hinh-19

Radar đo cao PRV-10 Konus (Side Net).


Tri Năng