IS-2: Át chủ bài xe tăng hạng nặng Hồng quân Liên Xô

Google News

(Kiến Thức) - Giáp dày, pháo 122mm mạnh mẽ, xe tăng hạng nặng IS-2 đã khuất phúc hoàn toàn các dòng tăng hạng nặng Tiger, Panther của phát xít Đức.

Trước việc KV-1 hỏa lực không tệ nhưng quá chậm chạp, và người Đức đã có những xe tăng hạng nặng mạnh mẽ, Liên Xô không thể đứng nhìn cục diện thay đổi, đó là cơ sở đầu ra đời xe tăng hạng nặng IS-2 - "át chủ bài" Hồng quân Liên Xô chống lại mọi tăng hạng nặng Đức.
Ra đời theo nhu cầu của chiến trường
Sau thời gian đầu của cuộc xâm lược do Đức quốc xã tiến hành trên đất nước Liên Xô, Hồng Quân Liên Xô thực sự rất cần những cỗ máy bánh xích có hỏa lực mạnh. Bởi vì dòng xe tăng KV-1 và KV-2 tuy có giáp khá tốt nhưng lại kém cơ động trên chiến trường, KV-1 gắn pháo F-34 76,2mm có hỏa lực đáng gờm so với xe tăng Pz.III và Pz.IV, trong khi KV-2 với pháo 152mm giống như xe yểm trợ hỏa lực cho bộ binh hơn. T-34 thì khá cơ động nhưng giáp và hỏa lực của nó trở nên yếu thế với dòng xe tăng Tiger và Panther của Đức.
Vì vậy Hồng quân Liên Xô cần một loại xe tăng mới hơn và mạnh mẽ hơn để “cân bằng” lại chiến trường, khi đó là sự ra đời của dòng xe tăng hạng nặng IS, hay thường được biết đến với tên gọi “Josef Stalin”, loại xe tăng mạnh mẽ nhất của Hồng quân Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.
IS-2: At chu bai xe tang hang nang Hong quan Lien Xo
Xe tăng hạng nặng IS-2.
Khởi nguồn của gia đình xe tăng IS là mẫu tăng thử nghiệm KV-85 với pháo chính cỡ 85mm. Yêu cầu của Hồng quân là xe tăng mới phải có giáp tốt và sử dụng pháo cỡ 85mm. Kết quả là định danh IS-85 được đặt cho lô xe tăng hạng nặng gắn pháo 85mm đầu tiên, dòng tăng này cũng được đổi tên là Josef Stalin để vinh danh nhà lãnh đạo Liên Xô. Những mẫu IS-85 thử nghiệm có chung thân và bánh xích với dòng KV nhưng khả năng bảo vệ tốt hơn hẳn nhờ sử dụng tháp pháo hàn mới. Về sau IS-85 chính thức được đặt tên là IS-1 để đi vào sản xuất hàng loạt.
Nhưng công việc chưa dừng ở đó, các kỹ sư Liên Xô tiếp tục chế ra mẫu thử nghiệm IS-100 để gắn khẩu pháo BS-3 cỡ 100mm, ngoài ra còn có mẫu thử nghiệm gắn pháo A-19 cỡ 122mm và hai loại này được mang ra thử nghiệm trực tiếp. Kết quả cho thấy pháo BS-3 có khả năng xuyên giáp khá tốt, nhưng lại không đủ số lượng đạn pháo cần thiết và thiếu đạn HE (nổ mạnh), trong khi đó pháo A-19 thì lại khá sẵn sàng về số lượng, sức mạnh cũng không hề tệ khi có thể xuyên giáp trước xe tăng Panther ở tầm 600-700m, Tiger I ở tầm 1.200m. Cuối cùng pháo 122mm đã được chọn cho mẫu xe tăng tiếp theo của gia đình IS. Những mẫu sản xuất đầu tiên được mang tên IS-122, ký hiệu xe tăng dùng pháo 122mm, đến tháng 10/1943, IS-122 chính thức được đổi tên thành IS-2 khi đi vào sản xuất hàng loạt. Có khoảng 2.250 chiếc xe tăng hạng nặng IS-2 đã được sản xuất từ năm 1943 đến 1945.
IS-2: At chu bai xe tang hang nang Hong quan Lien Xo-Hinh-2
Kíp xe sử dụng súng máy DShK 12,7mm.
IS-2 có kíp lái gồm 4 người là trưởng xe, lái xe, pháo thủ và nạp đạn viên. Nặng khoảng 51 tấn, giáp dày từ 30mm đến 160mm, sử dụng động cơ 600 mã lực giúp IS-2 có thể chạy tối đa với vận tốc 37km/giờ trên đường tốt và tầm hoạt động chừng 240km.
Bên cạnh pháo chính cỡ 122mm thì IS-2 có thêm một khẩu súng máy DT 7,62mm đồng trục, một khẩu DT khác nằm phía sau tháp pháo để đối phó với bộ binh đối phương muốn tiếp cận IS-2 từ phía sau, về sau thêm một súng máy hạng nặng DShK 12,7mm được gắn trên nóc tháp pháo để phòng không lẫn bắn mặt đất. Đến năm 1944 thì loại pháo tăng D-25T cỡ 122mm được sử dụng cho IS-2, ưu điểm chủ yếu của pháo mới là giúp tăng tốc độ bắn lên khoảng 2 viên/phút.
Khi xe tăng hạng nặng IS-2 chính thức đi vào sản xuất hàng loạt, nó đã thay thế hẳn cho loại KV-85, những chiếc IS-1 đang sản xuất cũng được chuyển sang gắn pháo 122mm và đổi thành IS-2. Những chiếc xe tăng hạng nặng IS-2 trở thành nhân vật chính trong dòng họ tăng IS của Liên Xô, nó đã đến trận chiến cuối cùng ở Berlin để kết thúc chiến tranh.
IS-2: At chu bai xe tang hang nang Hong quan Lien Xo-Hinh-3
IS-2 tại Berlin năm 1945.
Sức mạnh đáng nể của IS-2
Về sức mạnh của xe tăng hạng nặng IS-2 trên chiến trường, trước hết phải nói rằng cơ số đạn pháo 122mm mà IS-2 mang theo không nhiều, chỉ khoảng 28 viên (so với 59 viên 85mm của IS-1 và 114 viên 76mm của KV-1), bởi vì đạn 122mm của IS-2 gồm hai phần là đầu đạn và liều phóng, rất cồng kềnh và nặng nề. Khả năng xuyên giáp tuy vậy cũng không phải quá xuất sắc, nhất là khi đối mặt với dòng xe tăng có giáp nghiêng như Panther.
Tuy vậy từ năm 1944 người Đức đã chuyển sang sử dụng thép có hàm lượng các-bon cao và ni-ken, khiến giáp tăng Đức rất giòn, giờ đây một viên đạn xuyên giáp BR-471 APHE của IS-2 từ khoảng cách 2.500m cũng có thể gây sát thương cho Panther kể cả khi bắn vào giáp trước. Còn khi IS-2 sử dụng đạn nổ thì càng kinh khủng hơn, quả đạn cỡ 122mm có thể hủy diệt các công sự của quân Đức cũng như gây hư hại năng cho mọi loại xe tăng thiết giáp đối phương.
IS-2: At chu bai xe tang hang nang Hong quan Lien Xo-Hinh-4
IS-2 của hồng quân Liên Xô.
Sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, IS-2 cũng được nâng cấp để tiếp tục sử dụng trong thời kì chiến tranh Lạnh như lắp giáp yếm ở hai bên hông, thêm vị trí gắn thùng dầu phụ,.... với tên gọi IS-2M. Ngoài Liên Xô, IS-2 được xuất khẩu sang các quốc gia khác như Cuba, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.
(*) Vai trò của IS-2 tại Liên Xô dần bị thay thế bởi loại IS-3 mạnh mẽ hơn, sẽ được giới thiệu trong kì sau.
IS-2: At chu bai xe tang hang nang Hong quan Lien Xo-Hinh-5
IS-2 song hành cùng T-34-85 và ISU-152.
Thông số xe tăng hạng nặng IS-2
Năm đưa vào sử dụng: 1943
Số lượng: 2.250 chiếc
Kíp lái: 4 người
Kích thước (m) (Dài x Rộng x Cao): 9,9 x 3,09 x 2,73
Nặng: 51 tấn
Động cơ: V-2 công suất 600 mã lực
Tốc độ tối đa: 37km/giờ
Dự trữ hành trình: 240km
Vũ khí: Một pháo D-25T 122mm, cơ số 28 viên đạn
Một súng máy phòng không DShK 12,7mm, cơ số 250 viên đạn
Hai súng máy DT 7,62mm cơ số 2.520 viên đạn.
Quang Minh