Israel “chế” tên lửa tầm xa cho tiêm kích MiG đời cũ

Google News

(Kiến Thức) - Israel đang phát triển tên lửa không đối đất tầm xa tới 100km, độ chính xác cao có thể tích hợp dễ dàng lên tiêm kích đời cũ như MiG, F-5.

Tại triển lãm MSPO 2013 tổ chức ở Kielce (Ba Lan), Tập đoàn Công nghiệp Quốc phòng Israel (IMI) đã giới thiệu một cách đầy đủ các tính năng của hệ thống tên lửa đối đất dùng cho không quân, mang tên Mars.
Chương trình phát triển loại tên lửa này đã được IMI hé lộ trong một vài triển lãm quân sự trước đây nhưng tại MSPO 2013 là lần đầu tiên một mẫu tên lửa thật sự được trưng bày.
Tên lửa không đối đất Mars có chiều dài 4,4m, nặng 549 kg, lắp đầu đạn thuốc nổ nặng 120kg, tầm bắn lên tới 100km, có thể tác chiến trong kiện thời tiết phức tạp, bất kể ngày đêm. Israel muốn hướng tới rất nhiều đối tượng khách hàng qua loại vũ khí mới này.
 Đạn tên lửa tầm xa Mars trưng bày tại MSPO 2013.
“Chúng tôi mang đến cho nó (Mars) có một kích thước tối ưu để hầu hết các máy bay chiến đấu trên thế giới hiện nay đều có thể sử dụng được”, Giám đốc tiếp thị của IMI, Shmulik Geller, nói với Tạp chí IHS Jane's Defence Weekly.
Theo như Geller thì, thiết kế của Mars “tập trung vào 2 yêu cầu cơ bản đó là tạo ra một loại vũ khí có thể được sử dụng bởi các máy bay chiến đấu thế hệ mới cũng như mang lại một sức mạnh mới cho các chiến đấu cơ đời cũ đang chỉ có vai trò hạn chế trong các lực lượng không quân hiện đại”.
Trước tiên, tên lửa mới được trang bị cho những loại máy bay sử dụng chuẩn liên kết 1553 databus như F-16, F-15 hay Eurofighter Typhoon.
“Bởi vì một trong những ưu điểm chính của những loại máy bay này là chúng có thể thay đổi mục tiêu cho tên lửa ngay cả khi máy bay đã cất cánh bằng cách tải các dữ liệu vào Mars từ hệ thống quản lý dữ liệu. Điều này mang đến cho phi công sự linh hoạt khi tấn công các mục tiêu di chuyển hay được lệnh thay đổi mục tiêu tấn công”, ông Geller giải thích.
“Các loại mục tiêu chủ yếu của tên lửa như hệ thống thông tin liên lạc, trung tâm chỉ huy hoặc căn cứ không quân, cơ sở hạ tầng chiến lược hoặc kho hậu cần lại thường là các mục tiêu không biến đổi và cố định, vì vậy nó hoàn toàn có thể sử dụng cho các máy bay hiện đại khác”, ông Geller nói thêm.
 Mars mở ra cơ hội giúp tiêm kích đời cũ như MiG-21 có thể diệt mục tiêu ở tầm xa 100km với độ chính xác cao mà không cần nâng cấp.
Cũng theo ông Geller, từ cái nhìn thực tế rằng: “Trong biên chế của các lực lượng không quân nhiều nước trên thế giới vẫn còn những tiêm kích lỗi thời như dòng MiG đời cũ (có lẽ là loại MiG-21, MiG-23, MiG-25…), Mirage, F-5… Những máy bay này không thể sử dụng các loại bom thông minh tấn công chính xác như JDAM hay Paveway nhưng chúng có thể sử dụng tên lửa Mars. Đây là loại vũ khí bắn - quên nên công việc của các phi công được giảm xuống mức tối thiểu”.
Vì vậy, IMI cho rằng mẫu tên lửa đa năng mới có thể “cứu sống” những chiến đấu cơ đời cũ khi Mars cung cấp cho chúng những khả năng chiến đấu mới với chi phi tích hợp ở mức tối thiểu cho một hệ thống vũ khí đa năng. Điều này thực sự đã tạo ra sự quan tâm đặc biệt từ các nước còn trang bị nhiều máy bay đã cao tuổi.
“Tôi luôn nói với các kỹ sư rằng chúng tôi muốn cung cấp một loại vũ khí cho các khách hàng có thể dễ dàng sử dụng mà không cần phải thực hiện những nâng cấp công nghệ cao siêu. Một câu hỏi thường được đặt ra là cần phải tốn kém bao nhiêu cho một nhiệm vụ đòi hỏi phải có vũ khí dẫn đường chính xác”, Geller chia sẻ.
Anh Trần