Khám phá tàu chiến tối tân, giá hời Indonesia mới nhận

Google News

(Kiến Thức) - Chỉ mua với 1/5 giá gốc, Indonesia đã có được cho mình lớp tàu chiến tối tân, tác chiến chống ngầm, chống hạm, phòng không đầy đủ.

Theo Tạp chí Jane’s Defence Weekly, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro đã chủ trì buổi lễ đưa vào trang bị cho Hải quân Indonesia (TNI-AL) 2 trong số 3 tàu hộ tống lớp Bung Tomo tại Barrow-in-Furness, Anh vào ngày 18/7.

Hai chiến hạm KRI Bung Tomo và KRI John Lie thuộc lớp tàu hộ tống F2000 (còn gọi là lớp Nakhoda Ragam) trước đây được BAE System đóng mới cho Hải quân Hoàng gia Brunei theo một hợp đồng được ký kết vào tháng 1/1998. Tuy nhiên sau khi 3 chiếc tàu được hoàn thành, đôi bên đã xảy ra tranh chấp pháp lý kéo dài trong nhiều năm. Sau đó, Brunei đã từ bỏ không nhận 3 tàu này mà chuyển sang mua 3 tàu chiến của hãng Lurssen, Đức

Mất nhiều năm nằm tại cảng nhà máy đóng tàu của BAE System, sau cùng thì 3 chiếc F2000 đã có chủ nhận. Trong tháng 1/2013, Indonesia đã ký hợp đồng mua lại 3 tàu hộ tống nói trên với giá chỉ bằng 1/5 so với giá bán cho Brunei. Hợp đồng này được xem là một “món hời lớn” của Indonesia.

 Hợp đồng mua 3 tàu hộ tống F2000 được xem là một món hời lớn dành cho hải quân xứ sở vạn đảo.
Indonesia "vớ bở" tàu tối tân, đa nhiệm
Cấu hình vũ khí ban đầu của tàu hộ tống F2000 gồm: pháo hạm siêu nhanh OTO Melara 76mm; hai pháo bắn nhanh 30mm; 2x3 ống phóng ngư lôi hạng nhẹ 324mm. Vũ khí chủ lực của tàu là 8 tên lửa chống hạm MM40 Exocet block II tầm bắn 72km cùng 16 tên lửa phòng không tầm thấp Seawolf.
Tuy nhiên, khi được trao tay Indonesia, hỏa lực trên đã được sửa đổi chút ít ở hệ thống tên lửa diệt hạm - phòng không. Theo đó, tàu hộ tống lớp Bung Tomo bàn giao cho Hải quân Indonesia sẽ được trang bị tên lửa chống hạm MM40 Exocet block III đạt tầm bắn 180km và 16 tên lửa phòng không điểm VL MICA (phóng thẳng đứng).
Rõ ràng, Indonesia quả thực "vớ bở" tàu chiến đa năng có khả năng tác chiến diệt hạm, phòng không, chống ngầm đầy đủ chỉ với 1/5 giá ban đầu thay vì mua mới.
Hệ thống cảm biến trên tàu bao gồm: bộ định vị thủy âm Thales 4130C1 gắn ở thân tàu; radar tìm kiếm mục tiêu mặt nước Kelvin Hughes 1007 hoạt động ở băng tần I và radar tìm kiếm mục tiêu đường không BAE Systems AWS 9 hoạt động ở băng tần E/F.
Tàu hộ tống lớp Bung Tomo có tốc độ tối đa khoảng 30 hải lý/h, tầm hoạt động 5.000 hải lý ở tốc độ tiết kiệm nhiên liệu 12 hải lý/h. Theo Hải quân Indonesia, hai tàu Bung Tomo và John Lie đang trong quá trình quá cảnh về Indonesia. Dự kiến các tàu này sẽ tham dự buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập Lực lượng vũ trang quốc gia Indonesia vào ngày 5/10 tới đây.
Tên lửa diệt hạm MM40 Exocet trang bị cho các tàu chiến lớp Bung Tomo.
Sau khi kết thúc buổi lễ, các tàu sẽ được bàn giao cho Hạm đội Đông của Hải quân Indonesia nơi nó có thể hoạt động với nhiệm vụ tuần tra ngoài khơi. Chiếc tàu thứ 3 mang tên KRI Usman Harun đã không có mặt trong buổi lễ đưa vào trang bị. Tuy nhiên, phương tiện truyền thông Indonesia cho biết, đại diện của Hải quân Indonesia đang trên đường đến Anh để đưa chiếc tàu còn lại về nước.
Tàu Bung Tomo thứ 3 có về được Indonesia?

Họ không đưa ra lý do tại sao chiếc tàu thứ 3 không được đưa vào buổi lễ giới thiệu cùng hai tàu nói trên, hiện tại vẫn chưa rõ liệu sẽ có một buổi lễ khác được tổ chức để đưa con tàu này vào hoạt động hay không.

Đối với trường hợp chiếc tàu thứ 3, Jane’s Defence Weekly đã đưa ra ý kiến cho rằng, chiếc tàu thứ 3 không được đưa vào buổi lễ có thể là do căng thẳng với chính phủ Singapore. Tháng 2/2014, Bộ Ngoại giao Singapore lên tiếng về cách đặt tên con tàu này.
Chiếc tàu thứ 3 mang tên KRI Usman Harun số hiệu 29 vẫn chưa được đưa vào trang bị do căng thẳng với Singapore liên quan đến tên gọi của nó.

Chiếc tàu hộ tống thứ 3 được đặt theo tên Osman (Usman) Haji Mohamed Ali và Harun Said, hai thành viên của biệt kích biển Indonesia (nay là Korps Marinir). Họ đã bị kết tội tham gia vụ đánh bom nhà hàng Mc Donald  ở Orchard Road, Singapore làm 3 người thiệt mạng vào năm 1965.

Cả hai lính biệt kích này sau đó đã bị tử hình tại Singapore vào năm 1968. Mặc dù hai bên đã duy trì mối quan hệ ngoại giao tốt sau vụ việc. Tuy nhiên, Singapore cho biết, họ sẽ không cho phép tàu hộ tống KRI Usman Harun quá cảnh qua lãnh hải của họ. Đồng thời cấm Hải quân Singapore tham gia bất kỳ cuộc tập trận nào có mặt con tàu nói trên.

Không rõ liệu Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia có đứng ra chủ trì buổi lễ đưa vào vận hành thử nghiệm KRI Usman Harun vào một ngày nào đó. Trong trường hợp người đứng đầu BQP Indonesia không tham dự buổi lễ nó có thể cho thấy thiện chí của Indonesia trong việc không làm gia tăng căng thẳng với Singapore.

Quốc Minh