Kho vũ khí Hàn Quốc có gì để “răn đe” Triều Tiên?

Google News

(Kiến Thức) - Kho vũ khí Hàn Quốc cũng trang bị một số hệ thống tên lửa đối đất có khả năng đưa Bình Nhưỡng vào tầm ngắm.

Để đối phó với sức mạnh quân sự của Triều Tiên, ngay từ những năm 1970 Hàn Quốc đã triển khai chương trình phát triển tên lửa đạn đạo nhắm tới các mục tiêu ở Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, chương trình này gặp không ít khó khăn do áp lực từ Mỹ.

Rào chắn tầm bắn

Năm 1974, Hàn Quốc bắt đầu triển khai chương trình phát triển tên lửa đạn đạo tầm ngắn Hyunmoo (nghĩa là “thần hộ mệnh bầu trời phía bắc”) dựa trên tên lửa đối không 2 tầng nhiên liệu Nike Hercules của Mỹ. Mẫu thử Hyunmoo bắn thử thành công năm 1982 với kết quả hứa hẹn. Tuy nhiên, sau đó do tình hình chính trị Hàn Quốc diễn ra phức tạp nên lần thử thứ 2 mãi tới tháng 9/1985 mới thực hiện.

Sau lần thử thành công năm 1986, Hàn Quốc bắt tay vào quá trình sản xuất và từ đây bắt đầu nảy sinh những vấn đề với Mỹ. Phía Mỹ đã gây áp lực buộc Hàn Quốc phải cung cấp mọi thông tin kỹ thuật về tên lửa Hyunmoo. Họ cũng yêu cầu Hàn Quốc không được phép phát triển tên lửa vượt quá tầm 180km.

Sau khi chấp thuận mọi yêu cầu từ Mỹ, Hàn Quốc bắt đầu sản xuất một số lượng nhỏ Hyunmoo 1 (tên gọi chính thức) với sự theo dõi chặt chẽ từ Mỹ.
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn Hyunmoo 1.

Hyunmoo 1 thiết kế với 2 tầng động cơ đẩy dùng nhiên liệu rắn cho phép đạt tốc độ hành trình 4.470km/h, tầm bắn 180km. Tên lửa có thể lắp đầu đạn thuốc nổ mạnh T-45 nặng 500kg hoặc đầu đạn nổ phân mảnh HBX-6 M17 272kg.

Đạn tên lửa được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính cho phép đạt độ chính xác tương đối, tấn công mục tiêu trong mọi điều kiện thời tiết.

Việc bị giới hạn tầm bắn là một thiệt thòi đối với Hàn Quốc, trong khi Triều Tiên thời điểm những năm 1990 đã sở hữu các tên lửa đạn đạo tầm ngắn Hwasong 5/6 bao quát mục tiêu tầm 600-700km.

Không chịu ngồi yên, chính quyền Hàn Quốc nỗ lực thúc giục Mỹ đồng ý mở rộng giới hạn tầm bắn tên lửa. Năm 2001, Hàn Quốc ký thỏa thuận với Mỹ đồng ý hạn chế tầm bắn tên lửa đạn đạo không vượt quá 300km và mang đầu đạn nặng không quá 500kg.
Tên lửa đạn đạo Hyunmoo 1/2 bị giới hạn tầm bắn không quá 300km.


Với thỏa thuận này, Hàn Quốc bắt đầu cải tiến Hyunmoo 1, kết quả năm 2009 họ đã giới thiệu biến thể tên lửa đạn đạo Hyunmoo 2A nâng tầm bắn lên 300km. Hyunmoo 2A thiết kế cải tiến chủ yếu dựa trên Hyunmoo 1.

Theo một số nguồn tin, Hàn Quốc đã cải tiến Hyunmoo 2A lên Hyunmoo 2B nâng tầm bắn tới 500km. Tuy nhiên điều này là trái với thỏa thuận giới hạn tầm bắn, vì vậy có thể loại này không được sản xuất.

Lách luật để vươn sâu vào lãnh thổ Triều Tiên

Dù được nâng tầm bắn nhưng Hàn Quốc chưa thể tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Triều Tiên, nhất là thủ đô Bình Nhưỡng. Trước tình hình đó, Hàn Quốc đã quyết định từ bỏ chương trình tên lửa đnạ đạo chuyển sang phát triển tên lửa hành trình đối đất.

Thực chất đây là chiêu “lách luật” của Hàn Quốc, lợi dụng nhược điểm thỏa thuận giới hạn tầm bắn chỉ áp dụng tên lửa đạn đạo mà không ngăn cấm tên lửa hành trình đối đất.
Tên lửa hành trình đối đất Hyunmoo 3.


Đầu những năm 2000, Cơ quan Phát triển Quốc phòng Hàn Quốc (ADD) bắt đầu phát triển chương trình tên lửa hành trình đối đất tầm xa Hyunmoo 3. Loại tên lửa mới không dựa trên nền tảng cơ sở Hyunmoo1/2. Theo một số nguồn tin, thiết kế tên lửa mới dựa trên loại BGM-109 Tomahawk của Mỹ và Babur của Pakistan.

Phía Hàn Quốc không công bố chi tiết thông số kỹ thuật của Hyunmoo 3, nhưng theo một số nguồn tin thì tên lửa mới trang bị động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy cho phép đạt tốc độ cận âm, tải trọng 500 kg (mang đầu đạn thuốc nổ). Hệ thống dẫn đường gồm: hệ định vị quán tính và hệ định vị toàn cầu GPS cho phép đạt độ chính xác cao.

Về tầm bắn, biến thể Hyunmoo 3A có thể tấn công mục tiêu ở cự ly 500km, Hyunmoo 3B đạt tầm 1.000km và Hyunmoo 3C  là 1.500km. Với tầm bắn đó, Hàn Quốc đã có thể đưa Bình Nhưỡng và một phần lãnh thổ Triều Tiên vào tầm ngắm.
Dự kiến, tên lửa hành trình đối đất Hyunmoo 3 sẽ chính thức đi vào phục vụ vào năm 2014.

ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN:
Hoàng Lê