Khủng hoảng quân sự Mỹ: Số lượng và chất lượng (2)

Google News

(Kiến Thức) - Trong tình thế khó khăn, Mỹ cần nghĩ đến cách sử dụng các phương tiện không người lái với số lượng lớn.

Đơn giản, đơn giản, đơn giản
Nếu coi kẻ thù là thời gian dài và sự phức tạp, thì giải pháp là thời gian ngắn và sự đơn giản. Căn bệnh ung thư ngân sách có thể được chữa bằng cách chia nhỏ các hệ thống lớn thành các thành phần nhỏ hơn, được phát triển trong thời gian ngắn hơn, phân tách rõ ràng chức năng và kiểm soát rủi ro công nghệ.
Một cách điển hình trong việc này là thiết kế và chế tạo vũ khí dựa trên nền tảng module. Mỗi sự thay thế hay bổ sung sẽ chỉ ảnh hưởng đến từng module nhỏ trong hệ thống lớn.
 
Có những lợi ích to lớn đến từ phương pháp module hóa, đặc biệt là cho các vũ khí lớn và đắt đỏ như tàu chiến, máy bay hoặc phương tiện mặt đất. Phương pháp module là chìa khóa để đảm bảo duy trì sự phù hợp công nghệ theo thời gian. Điều này đặc biệt thích hợp cho việc thúc đẩy sự phát triển của công nghệ thông tin, khi mà sự thay đổi của các dòng lệnh phần mềm có thể quyết định thắng bại, thì vũ khí chỉ còn là chiếc “xe tải” chở các dòng lệnh phần mềm.
Một cách khác là để phân tách một hệ thống thành nhiều thành phần, tạo thành một “gia đình” vũ khí. Mỗi vũ khí trong “gia đình” sẽ được tối ưu hóa cho nhiệm vụ nhất định, chứ không ôm đồm tất cả vào một hệ thống đa năng duy nhất. Khi đó, sẽ mất ít chi phí và ít rủi ro hơn để chế tạo những hệ thống vũ khí chuyên nghiệp một chức năng, thay cho các hệ thống đa năng đắt đỏ và phức tạp.
Gia tăng số lượng
Những biện pháp như chia nhỏ hệ thống phức tạp, đa năng thành nhiều hệ thống chuyên nghiệp giá rẻ sẽ không thể thành công nếu thiếu sự tự động hóa cao. Bởi lẽ, khi số lượng tăng kéo theo chi phí nhân sự điều khiển tăng sẽ là “lợi bất cập hại”, gia tăng áp lực lên ngân sách. Cần thiết phải có các hệ thống tự động hóa cao độ, hạn chế sự điều khiển trực tiếp của con người.
Có nhiều cách sử dụng các loại phương tiện tự hành, không người lái. Chúng có thể được sử dụng để bổ sung cho các hệ thống có người lái. Các cảm biến có thể được bổ sung cho tên lửa với chi phí tương đối thấp. Đó chính là lợi thế của các hệ thống không người lái: Khả năng tự động hóa cao sẽ giảm nhu cầu đào tạo nhân lực, đặc biệt là những vị trí tốn kém như phi công; Khả năng chiến đấu của các hệ thống này cũng rất tốt, có thể triển khai với số lượng lớn để áp đảo đối phương.
Số đông còn có lợi thế khác, đó là áp đặt chi phí lên kẻ thù, gia tăng đáng kể số lượng các mục tiêu kẻ thù phải tấn công. Trong chiến đấu, nhiều hệ thống có giá rẻ có thể bị phá hủy, nhưng số còn lại vẫn tiếp tục chiến đấu, khác hẳn so với việc một hệ thống vũ khí đắt đỏ bị dính đòn và vô hiệu hóa hoàn toàn. Số lượng lớn cũng lợi cho hậu cần, cho phép nhanh chóng thay thế và bổ sung lực lượng tiếp tục chiến đấu. Số lượng lớn vũ khí cũng là “tai mắt” khai thác thông tin tình báo chiến trường để phục vụ phát triển tiến công, cũng như đánh giá thiệt hại.
Liên kết Người – Máy
Hệ thống không người lái không cần phải thay thế mọi chức năng của các hệ thống có người lái, mà chỉ tập trung vào một số nhiệm vụ với chi phí thấp. Một số lượng lớn các hệ thống có giá rẻ, chuyên nghiệp vào một nhiệm vụ, được điều khiển bởi số lượng nhỏ nhân sự sẽ thực hiện nhiệm vụ tốt hơn với chi phí thấp hơn. Trong nhiều trường hợp, các hệ thống sẽ được kết hợp với các hệ thống có người lái, bổ sung sức mạnh chiến đấu của họ. Những người “đồng đội” không người lái sẽ tăng cường cho các máy bay chiến đấu có người lái với các cảm biến và tên lửa. Các xe chiến đấu tự động sẽ hoạt động với vai trò trinh sát tầm xa, nghi binh hoặc hình thành các tuyến liên lạc. Các tàu hậu cần không người lái, được bố trí ở trên mặt biển hoặc dưới đáy biển sẽ gia tăng đáng kể sức mạnh cho các tàu chiến và tàu ngầm thông thường.
 
Hệ thống không người lái có thể được tung vào các vùng nguy hiểm, khi cần thiết sẽ xâm nhập vào sâu trong lãnh thổ đối phương và tự hủy. Một lượng lớn các phương tiện bay không người lái sẽ tung ra các mồi bẫy cỡ nhỏ (MALD), tạo thành một “cơn bão” điện từ vô hiệu hóa phòng không và thông tin liên lạc của địch. Chúng cũng có thể trinh sát, định vị tọa độ của các tên lửa để quân ta tổ chức bắn hạ. Các phương tiện lặn không người lái có thể theo dõi các tàu ngầm của địch. Các robot chiến đấu có thể được máy bay thả xuống hậu phương địch để làm công tác nghi binh, giống như “đội quân dù” trong ngày D-Day. Những hệ thống này không phải là nhân tố chính quyết định thắng lợi, nhưng sẽ giúp quân ta giành chiến thắng dễ dàng hơn rất nhiều.
Chỉ huy số đông
Dĩ nhiên máy móc dù tinh vi đến đâu cũng chưa thể thay thế hoàn toàn con người. Nhiều tình huống trong chiến tranh - đặc biệt là khi chưa thu thập đủ thông tin - rất khó khăn cho tự động hóa. Thay vì tập trung nghiên cứu khả năng ra quyết định của máy móc, hãy nghĩ đến việc một người có thể kiểm soát cùng lúc nhiều vũ khí tự động.
 Máy bay không người lái MQ-9 Reaper.
Điều này đang được Mỹ từng bước thực hiện. Tháng 8/2014, Hải quân Mỹ đã thử điều khiển đến 13 thuyền nhỏ chỉ với 1 lính thủy duy nhất. Không quân Mỹ cũng đã thử cách kiểm soát nhiều máy bay, nhưng vẫn đang rất hạn chế. Bằng cách sử dụng số đông, quân đội Mỹ có thể tạo ra áp lực mạnh trên chiến trường, trong khi chỉ cần ít người điều khiển.
“Tràn ngập lãnh thổ”
Trong khi Mỹ vẫn đang vật lộn với chiến lược “chống tiếp cận”, thì họ có thể viện đến các phương tiện không người lái. Một lượng lớn các vũ khí kiểu này có thể được tung vào các địa bàn chiến lược, và nằm im chờ đợi vài tuần đến hàng tháng trời, trước khi được đem ra sử dụng.
Sử dụng số lượng lớn các phương tiện không người lái sẽ mở ra hướng đi mới cho phương thức chiến đấu. Kèm theo đó là những học thuyết mới, cùng cách đào tạo và tổ chức lực lượng mới. Các hệ thống không người lái sẽ không thay thế tất cả các chức năng của con người, mà chỉ giúp con người thực hiện một số nhiệm vụ tốt hơn. Dù là khó khăn, nhưng nếu muốn duy trì ưu thế quân sự của mình, quân đội Mỹ cần nhanh chóng thay đổi công nghệ theo hướng này.
Thanh Hoa