Tạp chí Jane's Defence Weekly dẫn nguồn tin của kỹ sư trưởng trung tâm phục vụ và hỗ trợ toàn cầu của Boeing, Paul Cejas cho hay, công ty này đã triển khai đàm phán với Không quân Mỹ liên quan đến việc đưa máy bay cường kích A-10 “Thần sấm” ra thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên ông Paul Cejas từ chối tiết lộ tên khách hàng quan tâm đến loại máy bay này.
Boeing là người thừa kế chủ yếu quyền sở hữu trí tuệ máy bay A-10, cho nên có tất cả quyền liên quan đến tham số kỹ thuật của máy bay nay. Hiện công ty này đã ký hợp đồng với Không quân Mỹ để sửa chữa tái sử dụng 173 chiếc trong tổng số 300 máy bay cường kích A-10 được cất trong kho, ngoài ra con số này còn có thể được tăng lên 69 máy bay. Trong số này sẽ có 105 máy bay A-10 được chuyển giao cho Không quân Mỹ sử dụng, mà theo yêu cầu của hợp đồng này sẽ hoàn thành vào quý 1 năm 2017.
|
Mỹ chào bán cường kích A-10.
|
Theo ông Paul Cejas, trong khi Không quân Mỹ muốn cho toàn bộ số máy bay A-10 này về vườn thì Quốc hội Mỹ lại không chấp nhận điều đó. Điều này đồng nghĩa với việc những máy bay sau khi sửa chữa này sẽ được đưa ra thị trường quốc tế để chào bán.
Ông Paul Cejas cho rằng, ngoài những máy bay được tu sửa ra, công ty Boeing cũng chuẩn bị một kế hoạch hiện đại hóa hoàn toàn, có thể cung cấp cho khách hàng có hứng thú với loại máy bay này.
Theo ông này, chương trình cải tiến sẽ bao gồm trang bị động cơ mới, nâng cấp buồng lái (gồm mũ bảo hiểm tích hợp hệ thống chỉ thị mục tiêu và phân tích thông tin) và hệ thống dẫn đường tấn công. Tuy nhiên, theo cách giải thích của ông Paul Cejas, hiện những kiến nghị cải tiến này vẫn đang trong giai đoạn khái niệm, có thể được bổ sung theo nhu cầu của người dùng.
Đâu là ngôi nhà tiếp theo của máy bay A-10?
Mặc dù Paul Cejas từ chối tiết lộ quốc gia hay khu vực có thể mua máy bay cường kích A-10 và cho rằng thông tin này sẽ được Không quân Mỹ công khai.
Tuy nhiên, theo trang Guancha của Trung Quốc, trong số các nước trên thế giới quan tâm đến cường kích A-10, sếp đầu bảng chắc chắn là Hàn Quốc. Với lý do rất đơn giản, A-10 là máy bay được thiết kế từ thời chiến tranh lạnh để đối phó với mối đe dọa từ xe tăng. Trong khi đó nước đối mặt với mối đe dọa của xe tăng nhiều nhất là Hàn Quốc. Mà đối thủ chủ yếu của Hàn Quốc là Triều Tiên cũng không có hệ thống phòng không dã chiến hiện đại, cho nên nếu máy bay A-10 được hiện đại hóa thì khả năng sống sót của nó sẽ rất cao khi phải đối mặt với pháo và tên lửa phòng không của Triều Tiên.
|
Máy bay cường kích A-10 khai hỏa pháo 30mm. |
Mặc khác, do Không quân Mỹ muốn "thoát khỏi" A-10, cho nên có thể sẽ chào bán loại máy bay này với giá rẻ giống như hải quân nước này “bán phá giá” tàu hộ vệ lớp Oliver Hazard Perry. Mà hiện nay trên thế giới, các nước đợi hàng giá rẻ của Mỹ không ít, như Philippines hoặc các nước Đông Âu.
Bên cạnh đó, Iraq cũng đang tích cực tìm kiếm máy bay cường kích giá rẻ, để đối phó với lực lượng IS cho nên cũng sẽ quan tâm đến cường kích A-10.
Ngoài ra, còn có một khách hàng tiềm năng khác là Đài Loan, mà năm 2014 nước này cung bày tỏ sự quan tâm rất cao đối với tàu hộ vệ lớp Oliver Hazard Perry đã ngừng sử dụng của Mỹ. Vì vậy, cũng không loại trừ khả năng Đài Loai quan tâm đến việc mua cường kích A-10.
Máy bay cường kích A-10 được đưa vào sử dụng từ giữa những năm 1970 cho nhiệm vụ chi viện hỏa lực tầm gần bao gồm việc tấn công xe tăng, xe thiết giáp và các mục tiêu mặt đất khác.
Để làm nhiệm vụ không trợ tầm thấp, khung thân A-10 được bọc giáp ở một số bộ phận để tăng cường khả năng sống sót trước hỏa lực tầm thấp.
A-10 được trang bị pháo 7 nòng cỡ 30mm GAU-8/A Avenger với 1.174 viên đạn và 11 giá treo trên cánh thân cho phép mang tên lửa không đối không/phá giáp AGM-65; bom dẫn đường, rocket...
Bằng Hữu