Mỹ có bao nhiêu căn cứ quân sự nước ngoài?
Theo Báo cáo Kết cấu Căn cứ Quân sự năm 2013 của Lầu Năm Góc cho biết, căn cứ quân sự ở nước ngoài của Mỹ được triển khai trên 6 châu lục, 4 đại dương (ngoại trừ Nam cực), đặt ở 40 quốc gia trên thế giới, 598 căn cứ với tổng cộng khoảng 400.000 binh sĩ. Ngoài ra, cùng với 11 nhóm tàu sân bay chiến đấu trên biển tạo thành điểm tựa quan trọng của chiến lược toàn cầu Mỹ.
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương có giá trị chiến lược quan trọng đối với Mỹ, vì vậy quân đội Mỹ đã thiết lập 7 nhóm căn cứ tại khu vực này, chiếm 42,7% tổng số căn cứ tại nước ngoài.
|
Ảnh minh họa.
|
Những căn cứ này được bố trí thành 3 tuyến gồm: 4 nhóm căn cứ ở Alaska, Đông Bắc Á, Tây Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương tạo thành tuyến đầu tiên; 2 nhóm căn cứ ở quần đảo Guam và Australia hợp thành tuyến thứ 2 – đây là nơi trung chuyển vận tải hàng không, giám sát trinh sát quan trọng; nhóm căn cứ quần đảo Hawaii tạo thành tuyến thứ 3. Một mặt mỗi tuyến này là hậu phương hỗ trợ tác chiến khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mặt khác lại là tiền đồn phòng thủ lãnh thổ Mỹ.
Trong số những căn cứ này, căn cứ quân sự quan trọng nhất là căn cứ không quân Elmendorf tại Alaska, căn cứ hải quân Diego Garcia tại Ấn Độ Dương và căn cứ không quân Andersen và hải quân tại đảo Guam.
Mỹ điều chỉnh thế nào?
Việc điều chỉnh căn cứ quân sự tại nước ngoài lần này của quân đội Mỹ chủ yếu có 4 phương diện gồm:
- Đầu tiên là cân bằng việc bố trí căn cứ quân sự tại châu Âu. Theo đó, Mỹ sẽ cắt giảm các căn cứ quân sự tại “châu Âu cũ”, tăng cường xây dựng căn cứ mới tại “châu Âu mới” (như các nước Cộng hòa Czech, Bulgaria, Hungary, Ba Lan và Romania), siết chặt không gian chiến lược của Nga hơn nữa.
|
Binh lính Mỹ triển khai ở căn cứ quân sự Ba Lan.
|
- Hai là xây dựng liên minh đa phương mới với các nước vùng Vịnh Péc Xích bao gồm Qatar, UAE, Bahrain, Kuwait, xây dựng một “kết cấu an ninh” toàn diện.
- Ba là tìm kiếm chỗ đứng mới, tăng cường sự hiện diện quân sự tại châu Phi. Những năm gần đây Mỹ mượn danh chống khủng bố, thông qua các phương thức như thiết lập căn cứ máy bay không người lái, triển khai huấn luyện chống khủng bố, quân Mỹ dần thực hiện thâm nhập từ Bắc Phi, vùng Sừng Châu Phi sang Trung Phi và khu vực Đông Phi.
- Bốn là từ sau khi lần đầu tiên đưa ra mục tiêu của chiến lược “xoay trục châu Á – Thái Bình Dương” vào năm 2009, Mỹ đẩy nhanh chiến lược di chuyển về phía Đông, nâng cao vị trí chiến lược của các nhóm căn cứ như đảo Guam. Hiện nay số lượng căn cứ nước ngoài của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương chỉ sau châu Âu, chiếm khoảng 40% tổng số căn cứ nước ngoài của Mỹ. Trong đó Nhật Bản có 109 cơ sở, Hàn Quốc có 83 cơ sở.
|
Tàu sân bay Mỹ tại căn cứ hải quân Yokosuka, Nhật Bản.
|
Để thích ứng với yêu cầu di chuyển trọng tâm chiến lược, Mỹ mượn cớ điều chỉnh căn cứ quân sự toàn cầu, đẩy mạnh việc thực hiện kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự nhỏ gọn và linh hoạt. Những căn cứ này cung cấp trang bị và chuẩn bị vật tư cho hoạt động can thiệp toàn cầu của quân đội Mỹ.
Mỹ xây dựng căn cứ linh hoạt thế nào?
- Đầu tiên, quân đội Mỹ tăng cường xây dựng căn cứ tại Okinawa và đảo Guam. Đây sẽ trở thành trung tâm hỗ trợ của kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự nhỏ gọn và linh hoạt, có vị trí trụ cột tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Hiện nay, ở quần đảo Okinawa tổng cộng có 14 căn cứ quân sự Mỹ, tập trung hơn 70% binh lực của nước này tại Nhật Bản. Nơi đây còn có lực lượng tấn công trên không chiến lược và tác chiến đổ bộ quan trọng nhất của quân đội Mỹ tại nước ngoài, triển khai các loại máy bay chiến đấu như F-15, F-16, đồng thời còn có hơn 100 trực thăng vũ trang.
Còn căn cứ đảo Guam là điểm tựa chiến lược quan trọng của quân đội Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nơi này đang triển khai lực lượng tấn công trên không tầm xa tương đối mạnh, có thể tiếp nhận máy bay ném chiến lược như B-1, B-2 và B-52. Đồng thời, căn cứ đảo Guam còn triển khai biên đội tàu ngầm hạt nhân của quân đội Mỹ, có thể phối hợp tác chiến với nhóm tàu chiến đấu sân bay Mỹ bất cứ lúc nào.
|
Việc Mỹ đưa F-22 tới Malaysia tập trận không loại trừ khả năng là bước tiền đề lập căn cứ tại đây sau này.
|
- Hai là tăng cường hợp tác quân sự với các nước Đông Nam Á. Ngoài ký hiệp định thuê căn cứ với Singapore và Philippines, bắt đầu từ năm 2012, Mỹ và Thái cũng đã triển khai đàm phán về vấn đề “quân đội Mỹ có quyền thăm căn cứ quân sự U-Tapao Thái Lan”.
Tại các nơi khác của châu Á, Lầu Năm góc có kế hoạch trong tương lai sẽ thiết lập căn cứ quân sự nhỏ tại Indonesia, Malaysia và Brunei, tiếp tục thúc đẩy hợp tác quân sự với Ấn Độ.
Hiện nay lực lượng quân sự Mỹ mỗi năm tiến hành khoảng 170 lần tập trận và huấn luyện quân sự tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, biên đội tàu của quân đội Mỹ có khoảng 250 lần vào cảng các nước tại khu vực này.
- Ba là tăng cường lực lượng quân sự tại Australia. Tháng 4/2012, đã có 2.500 lính của lực lượng thuỷ quân lục chiến Mỹ đến đóng tại căn cứ hải quân Darwin.
Ngoài ra, Lầu Năm góc còn có kế hoạch thiết lập căn cứ huấn luyện máy bay không người lái tại quần đảo Cocos của Australian, triển khai tàu chiến, binh lính tại căn cứ hải quân Brisbane và Perth.
Bằng Hữu