Theo
Tạp chí Armyrecognition, Tổng giám đốc công ty xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga Rosoboronexport Anatoly Isaykin đã công bố vào hôm thứ 3 (12/8) rằng, các tổ hợp
tên lửa chống tăng hiện đại Kornet-EM sẽ được xuất khẩu cho Bahrain.
|
Tổ hợp chống tăng Kornet-EM được trưng bày tại một cuộc triển lãm.
|
Trong thời gian qua, Rosoboronexport đã ký nhiều hợp đồng lớn với một số nước Trung Đông và Bắc Phi. "Tên lửa chống tăng Kornet-EM sẽ lên đường đến Bahrain trong khi Namibia lại mua phiên bản Kornet-E cùng nhiều vũ khí hạng nhẹ", Isaikin cho biết.
Ra mắt lần đầu năm 2011 tại triển lãm quốc phòng MAKS ở Moscow, Kornet-EM được lắp đặt trên khung gầm của xe việt dã hạng nhẹ 4x4 Tigr. Xe mang hai khối ống phóng, mỗi khối gồm 4 đạn chống tăng có điều khiển. Ở trạng thái hành quân, các ống phóng được thu gọn trong thân xe.
Tên lửa có tầm bắn tối thiểu là 150m và tối đa lên đến 10.000m. Đây được đánh giá là “khắc tinh” của các loại xe tăng tiên tiến, kể cả các xe được trang bị giáp phản ứng nổ, cũng như các xe bọc thép nhẹ và công sự khác …
|
Cận cảnh khối ống phóng và thiết bị dẫn đường Kornet-EM trên nóc xe Tigr.
|
Biến thể Kornet-EM sử dụng đầu dò quang điện tử với hệ thống dẫn đường tên lửa và bám bắt mục tiêu tự động, khiến cho nó trở thành một hệ thống tên lửa “bắn và quên”, tăng gấp 5 lần độ chính xác khi bám mục tiêu ở cự li bất kì. Kíp chiến đấu có thể bám hai mục tiêu cùng lúc, phóng tên lửa liên tiếp với tốc độ cao. Điều này giúp tăng xác suất và hiệu quả tiêu diệt, giảm số đầu xe làm nhiệm vụ. Với các xe tăng trang bị hệ thống bảo vệ tích cực, Kornet-EM có thể phóng hai đạn chống tăng để vô hiệu hóa.
Kornet-EM được thiết kế như một tổ hợp vũ khí chiến đấu tự động, có thể tác chiến độc lập hoặc trong đội hình binh chủng hợp thành, đảm bảo tự động hóa cao độ các khâu trinh sát, phân phối, bám bắt mục tiêu và dẫn đường cho tên lửa tiêu diệt.
Hệ thống Kornet-EM bao gồm:
- Xe chiến đấu hạng nhẹ Tigr với hai bệ phóng tự động mang 8 đạn sẵn sàng phóng.
- Xe trinh sát và điều khiển cấp đại đội, được trang bị hệ thống giám sát hỗn hợp bao gồm quang truyền hình, hồng ngoại và radar trinh sát hỗ trợ, định vị, hệ thống thông tin liên lạc và trao đổi dữ liệu, bộ điều khiển tự động và hệ thống vũ khí (đạn chống tăng có điều khiển Kornet-EM và súng máy PKTM),
- Tên lửa có điều khiển với đầu đạn HE có tầm bắn lên đến 10km.
- Tên lửa chống tăng có điều khiển với tầm bắn tối đa 8.000 m và đầu đạn cho phép xuyên 1.100-1.300 mm giáp RHA, cho phép hệ thống Kornet-EM tiêu diệt các xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại, theo kịp sự phát triển của tăng thiết giáp thế giới.
Lương Minh