Theo trang mạng Strategy Page, nước Nga đang trỗi dậy và quyết tâm lấy lại một vị thế như Liên Xô từng có. Họ bắt đầu thực hiện nhiều biện pháp để thiết lập lại một sự ảnh hưởng mạnh mẽ tới các nước SNG (Cộng đồng các quốc gia độc lập – các nước thành viên Liên Xô cũ), mà việc lập hệ thống phòng không liên hợp đa quốc gia do Nga đứng đầu là một điển hình.
Strategy Page cho biết rằng, yêu cầu đầu tiên hình thành được hệ thống phòng không liên hợp như vậy là các nước tham gia cần có sức mạnh đối không tương đối.
|
Nga đã cho không các nước SNG 13 tiểu đoàn S-300 - con số đáng kể đặc biệt là về mặt chi phí.
|
Để đảm bảo điều này, Moscow sẵn lòng cung cấp miễn phí các hệ thống phòng không uy lực như S-300 cho các thành viên khác. Belarus - nước gia nhập hệ thống phòng không liên hợp từ năm 2009 đã được nhận 4 tiểu đoàn S-300, 4 tiểu đoàn nữa sẽ được chuyển giao hết trong năm nay. Về phần Kazakhastan thì mới được nhận 5 tiểu đoàn S-300PS vào đầu năm nay.
Ngoài ra, khả năng cao là số tiểu đoàn S-300 mà Nga mang đi làm “quà biếu” sẽ không chỉ dừng lại ở đó khi mà Armenia, Uzbekistan và Taijikistan sẽ gia nhập hệ thống phòng thủ liên hợp đa quốc gia trong thời gian tới.
Theo giới phân tích, Nga tất nhiên đã cân nhắc rất kỹ khi “hào phóng” tặng đi hàng trăm triệu USD như vậy. Rõ ràng, Moscow cần xây dựng thành công một hệ thống phòng không liên quốc gia với tối đa số lượng thành viên là các nước láng giềng. Đặc biệt, trong bối cảnh Mỹ đang dần hoàn thiện hệ thống phòng thủ tên lửa và vũ khí tấn công nhanh toàn cầu cùng với đó là tham vọng to lớn của Trung Quốc.
Về phần mình, các quốc gia SNG có ngân sách không quá rủng rỉnh, việc được viện trợ một số lượng lớn hệ thống phòng không uy lực hàng đầu thế giới như S-300 là một điều hấp đẫn đáng để cân nhắc.
|
Tuy đang được dần loại bỏ tại Nga nhưng trên thế giới S-300 vẫn là hệ thống vũ khí đối không đáng gờm.
|
Lợi ích tiếp theo, Nga sẽ đạt được mục tiêu như công bố là nâng cao khả năng phòng thủ cho các nước đối tác, cũng như cho toàn bộ hệ thống nói chung. Không những thế, S-300 mà Nga viện trợ đều là những phiên bản đời đầu (định danh chủng của NATO là SA-10), như với Kazakhstan là S-300PS. Moscow đang “thừa” hàng trăm tiểu đoàn S-300 như vậy. Chúng có thể là hàng qua sử dụng từ các đơn vị chiến đấu hoặc còn mới tinh trong kho dự trữ chiến lược của Bộ Quốc phòng.
Dù vẫn rất uy lực nhưng những hệ thống SA-10, thậm trí là bản nâng cấp SA-12 đều là sản phẩm của thời đại chiến tranh Lạnh, chúng đang được cho nghỉ hưu trong cuộc cách mạng hiện đại hóa Quân đội Nga. Moscow đã từ bỏ sản xuất S-300 nội địa từ năm 2011 và thay vào đó là những hệ thống S-400 Triumph (NATO định danh là SA-21) hiện đại hơn nhiều. Bắt đầu có mặt trong biên chế từ năm 2007, số lượng S-400 sẽ lên đến 56 tiểu đoàn vào 2020. Vì vậy, cần có biện pháp xử lý số lượng lớn hàng nghìn quả đạn, hàng trăm bệ phóng S-300 bị loại thải.
“Những gói viện trợ béo bở như trên hoặc các hợp đồng hữu nghị với các đối tác xa xôi đều là những phương án giải quyết không tồi”, Strategy Page nhận định.
Anh Trần