“Lục lại” lịch sử phát triển UAV của Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Ít ai biết rằng Quân đội Việt Nam đã khởi động chương trình phát triển phương tiện bay không người lái từ cách đây nhiều năm.

Sự kiện Viện Công nghệ Không gian thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Liên Hiệp Khoa học sản xuất công nghệ cao Viễn thông – Tin học) thử thành công 2 trong số 5 mẫu máy bay không người lái (UAV) tự chế tạo đã đánh dấu mốc quan trọng trong chương trình phát triển UAV phục vụ mục đích dân sự, quân sự của nước ta.

Thực tế, chương trình nghiên cứu phát triển máy bay không người lái đã được quân đội ta, mà trực tiếp là Quân chủng Phòng không – Không quân thực hiện từ rất lâu, và ít nhiều đạt được những thành tựu đáng nể.

Đi từ mục tiêu bay

Mục tiêu bay là phương tiện bay không người lái (điều khiển từ xa hoặc bay tự động) dùng trong các hoạt động huấn luyện bắn đạn thật của lực lượng tên lửa và pháo phòng không. Phương tiện này này giúp cho các đơn vị pháo, tên lửa huấn luyện chiến đấu sát với thực tế hơn.

Nhằm đáp ứng yêu cầu huấn luyện, Viện Kỹ thuật Quân sự (Quân chủng Phòng không – Không quân) đã tự nghiên cứu cải tiến thành công tên lửa không đối không có điều khiển K-5 thành mục tiêu bay, mang tên gọi BB-3R, BB-13M và M5.

Bên cạnh việc cải tiến, quân đội ta chủ trương nghiên cứu chế tạo mục tiêu bay có tầm bay xa, độ cao lớn hơn, có thể điều khiển.

Theo báo Thể thao & Văn hóa, năm 1996, Quân chủng Phòng không – Không quân đã mua tổ hợp thiết bị bay DF-16 của Israel và giao cho Ban Giáo dục Quốc phòng (Bộ Tham mưu Phòng không – Không quân) phối hợp Nhà máy A40 nghiên cứu chế tạo.

Tới cuối năm 1999, các đơn vị này đã hoàn thành 2 mẫu mục tiêu bay thử nghiệm M-96 (bay ngày) và M-96D (bay đêm). Những mục tiêu bay này có sự hỗ trợ của kính ngắm quang học TZK, điều khiển bằng tay và bay bằng trong tầm quan sát mắt thường.
Mục tiêu bay M-100CT cải tiến từ loại M-96.

Sau thời gian thử nghiệm, M-96 và M-96D được quân chủng cho phép sản xuất hàng loạt phục vụ huấn luyện bắn đạn thật của các đơn vị pháo – tên lửa. Tuy nhiên, mục tiêu bay này sớm lộ một số nhược điểm như: tầm bay ngắn, trần bay thấp, tốc độ chậm.

Do đó, quân chủng đã tiếp tục giao cho các kỹ sư từng tham gia chế tạo M-96 nghiên cứu cải tiến. Tháng 7/2004, Viện Kỹ thuật Phòng không – Không quân đã bay thử thành công mục tiêu bay M-100CT thế hệ mới, đáp ứng nhiều yêu cầu đề ra (tầm bay xa hơn, trần bay cao và tốc độ cải thiện).

Việc nghiên cứu, chế tạo, cải tiến các mục tiêu bay thành công là “nền móng” vững chắc để các nhà khoa học quân sự nước ta tiến tới việc phát triển máy bay trinh sát không người lái.

UAV đầu tiên của Việt Nam

Trước khi mẫu M-100CT bay thử nghiệm, ngay từ năm 2001, Viện Kỹ thuật Phòng không – Không quân đã khởi động đề tài: “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo máy bay không người lái điều khiển chương trình mang tên M400-CT”.

Việc chế tạo được thực hiện hoàn toàn trong nước với các linh kiện do các đơn vị quân đội phối hợp với cơ quan dân sự, trực tiếp là Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện.

Sau 4 năm miệt mài nghiên cứu, ngày 15/9/2005, 2 mẫu M400-CT cất cánh thử nghiệm thành công tại sân bay Kép (Bắc Giang) với trần bay đạt được 2.000m, bán kính hoạt động 15km.
Máy bay không người lái M400-CT của Quân chủng Phòng không - Không quân.

Tiếp đó, các bộ Viện Kỹ thuật Phòng không – Không quân tiếp tục cải tiến và nâng cấp M400-CT đạt trần bay 3.000m, tốc độ 250-280km/h, bán kính hoạt động 30km.

M400-CT có thể dùng cho mục đích do thám, trinh sát, theo dõi mục tiêu trên chiến trường, khu vực hiểm trở, nguy hiểm. Ngoài ra, nó có thể tham gia vai trò quay phim, chụp ảnh địa hình, tìm kiếm cứu nạn.
 
Sự ra đời của máy bay không người lái M400-CT đã đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các nước Đông Nam Á tự chế tạo được loại máy bay này.

Bước đột phá của các nhà khoa học Việt Nam

Cùng với các nhà khoa học quân sự, các cơ quan dân sự Việt Nam cũng xúc tiến thực hiện chương trình chế tạo máy bay không người lái phục vụ mục đích khoa học, đi đầu là Viện Công nghệ Không gian (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Ngay từ năm 2008, Viện Công nghệ Không gian đã bắt đầu triển khai đề tài “Nghiên cứu chế tạo tổ hợp máy bay không người lái phục vụ nghiên cứu khoa học”.
5 mẫu máy bay không người lái của Viện Công nghệ Không gian.

Sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu, các nhà khoa học, kỹ sư, công nhân kỹ thuật trong nhóm đề tài đã hoàn thành 5 mẫu máy bay không người lái và thực  hiện cuộc bay thử thành công 2 mẫu vào ngày 3/5/2013. Sự kiện này đánh dấu bước tiến lớn trong sự phát triển máy bay không người lái tại Việt Nam.

Các mẫu máy bay được thiết kế chế độ điều khiển tự động bay theo chương trình lập sẵn trên nền bản đồ số. Trên các máy bay đều có khả năng mang camera máy ảnh tác nghiệp trong điều kiện ngày và đêm. Chúng có thể cất cánh từ đường bay, nóc ô tô, bệ phóng hoặc trên tay người.

Trong số 5 mẫu máy bay không người lái (gồm AV.UAV.MS1, AV.UAV.S1, AV.UAV.S2, AV.UAV.S3, AV.UAV.S4), loại to lớn nhất là AV.USV.S4 có trọng lượng tối đa tới 170kg, dài 4,2m, sải cánh 5m, tải trọng có ích 50kg. Máy bay trang bị động cơ cánh quạt cho phép đạt tốc độ lớn nhất 180km/h, trần bay 3.000m, bán kính hoạt động tới 100km.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Văn Biên