BMP-3 là chiếc xe chiến đấu bộ binh (Infantry Fighting Vehicle - IFV) mới nhất trong dòng họ BMP của Nga, nó kế thừa những tính năng tốt nhất từ các phiên bản BMP-1 (1966) và BMP-2 (1980). Ở Đông Nam Á, Indonesia là quốc gia duy nhất trang bị mẫu xe tiên tiến này, biến chế cho lực lượng lính thủy đánh bộ.
Nhiệm vụ của BMP-3F khá rộng, gồm: cung cấp sự bảo vệ về vỏ giáp và NBC cho lính bộ binh; yểm trợ cho họ về hỏa lực và sự cơ động trên chiến trường; chiến đấu với lính bộ binh địch (trong hay ngoài công sự); phá hoại các lô cốt hay lực lượng thiết giáp đối phương bao gồm tăng và xe thiết giáp; đánh các mục tiêu bay thấp/ bay chậm như trực thăng. Nó còn có thể bắn khi đang được vận chuyển, đang hành tiến hay đang lội nước.
Đầu những năm 1960, một nhóm các nhà thiết kế, đứng đầu là P. Isakov, đã phát triển loại xe chiến đấu bộ binh nổi tiếng, BMP-1. Nó được thiết kế với mục đích chính là tăng sức cơ động và vỏ giáp bảo vệ cho lính bộ binh cơ giới chiến đấu với sự hỗ trợ của xe tăng. Chiếc xe chiến đấu này đã bắt đầu một xu hướng mới trong thế giới tăng và bắt đầu một cách tiếp cận mới về chiến thuật sử dụng các đơn vị nhỏ bộ binh cơ giới. Lúc đầu chiếc xe này nhận được nhiều ý kiến tranh luận.
|
BMP-3F của lính thủy đánh bộ Indonesia.
|
Một số nhà phân tích đã chỉ cho người xem thấy rằng chiếc MICV nên được sử dụng như một phương tiện vận chuyển bọc thép để di chuyển binh lính theo sau đội hình xe tăng và chiếm lĩnh chiến trường. Tuy vậy, nó cũng nên được trang bị vũ khí.
Vũ khí chính của chiếc BMP-1 là khẩu pháo 73mm nòng trơn có thể bắn các loại xe thiết giáp khác trong tầm 1.000m, kể cả các loại xe tăng đời cũ.
Sau những cuộc thảo luận dài trong quá trình sử dụng và so sánh các mẫu xe thử nghiệm khác nhau, các thành phần vũ khí trên xe đã cho ra đời tổ hợp vũ khí cho xe mới định danh là BMP-2. Về hỏa lực, trang bị pháo 30mm tự động và tên lửa có điều khiển (ATGM) "Konkurs", được thiết kế bởi Cục thiết kế ở thành phố Tula, nó đã giúp cho chiếc xe trở nên đa năng hơn trong các nhiệm vụ tác chiến.
|
BMP-3F Indonesia dàn quân.
|
Nhưng dù vậy, vẫn còn vấn đề phải làm đó là tìm ra vai trò thực sự của một chiếc xe thiết giáp chiến đấu, nhiệm vụ và thiết kế của nó. Điều đó đã thực hiện được trong quá trình chế tạo chiếc BMP-3 và vũ khí của nó. Cục thiết kế ở Tula đã đứng đầu bộ phận phát triển hệ thống vũ khí trong khi nhà máy chế tạo công cụ ở thành phố Kurgan đảm đương nhiệm vụ chế tạo chiếc xe.
Một hệ thống vũ khí được thiết kế để bao trọn nhiều mục tiêu tác chiến được phân công cho các nhóm đơn vị bộ binh. Lúc đầu, nó được trang bị một khẩu 30mm tự động, một khẩu 100mm và một khẩu 7,62mm MG. Khẩu pháo 100mm có thể bắn các loại đạn pháo HE (High Explosive) và tên lửa có điều khiển. Giaỉ pháo đạn đạo tốt (Vo=250 m/giây) cho phép khối lượng súng nhỏ và đảm bảo góc chạm của đạn lớn hơn, qua đó nâng cao sức công phá của viên đạn.
|
Tháp pháo đặc biệt của BMP-3F có thêm lá chắn nước vào tháp pháo.
|
Hệ thống vũ khí đặt trên tháp pháo bao gồm khẩu pháo (có thể bắn tên lửa) 2A70 100mm, pháo 2A72 30mm và một khẩu PKT 7,62mm. Ngoài ra còn có hai khẩu PKT với kính quang học TNP3VE01 đặt ở hai đầ mũi xe.
Khẩu pháo 100mm dành riêng cho loại ICV kết hợp những tính năng của một khẩu pháo thông thường với khả năng của loại vũ khí có điều khiển. Thiết kế độc nhất của hệ thống nạp đạn tự động cho phép bắn ở tốc độ cao, sự chính xác của mỗi loạt bắn được nâng cao nhờ vào hệ thống ổn định vũ khí.
Hệ thống điều khiển bắn tự động trên BMP-3 cho phép bắn pháo và tên lửa chống tăng qua nòng trong khi đang hành tiến. Hệ thống này bao gồm: hệ thống tìm kiếm - đo xa lade ID16 và máy tính dữ liệu đạn đạo; kính nhìn đêm/ngày 1K13-2 của xạ thủ cùng với đèn chiếu OU-5; kính tiềm vọng PPB-2 của xạ thủ; kính tiềm vọng 1PZ-10 của trưởng xe; thiết bị quan sát ngày/đêm TKN-3MB của trưởng xe kết hợp đèn hồng ngoại OU-3.
|
Bên hông một chiếc BMP-3F của Indonesia.
|
Khẩu pháo 100mm bắn tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) với hệ thống tia lade chiếu đặt ngay trên nòng pháo và hệ thống kiểm soát độc lập giúp cho xe có thể bắn ATGM khi đang di chuyển, với tốc độ bắn cao và an toàn cho tổ lái.
Còn khẩu 30mm được gắn chặt vào pháo chính 100mm cùng bộ ổn định cho phép nó bắn một cách chính xác. Lần đầu tiên trên thế giới một chiếc MICV được trang bị hệ thống điều khiển bắn tự động, cung cấp các thông số ngắm và đạn, cũng như khoảng cách, góc bắn và mọi chế độ bắn các loại vũ khí trong lúc xe đang đứng yên, đang di chuyển hay đang bơi nước. Tầm bắn của các loại vũ khí và sức mạnh của chúng cho phép một năng lực hoạt động độc lập trên chiến trường, bao gồm 8 quả ATGM, 40 quả đạn pháo HE, 500 viên cho khẩu 30mm và 6.000 viên đạn súng máy.
|
Diễn tập đổ bộ.
|
Có 4 khoang trong BMP-3 gồm: Khoang lái xe, khoang chiến đấu, khoang lính bộ binh và khoang máy.
Trong đó, khoang lái xe nằm ngay phía đầu xe, có 3 chỗ ngồi gồm: vị trí giữa là của lái xe; hai vị trí bên cạnh là của 2 người lính sử dụng súng máy. Khoang chiến đấu đặt ở giữa xe, ở đó có chỗ của trưởng xe và xạ thủ. Vũ khí chính đặt trên tháp pháo, đạn dược được cung cấp trong một cái giá dạng quay tròn.
Thiết bị điều khiển vũ khí gồm: Kính ngắm (gắn ngay trên nòng pháo), kính bắn mục tiêu trên mặt đất và trên không, kính nhìn ngày/đêm, máy tính đạn đạo. Hai khẩu súng máy được đặt ở hai cạnh của đầu xe. Ngoài ra còn có thiết bị quan sát địa hình. Hệ thống thông tin của trưởng xe vẫn là loại radio-phát R-173 và radio-thu R-173P.
Thiết kế của chiếc xe đặc trưng ở chỗ khoang động cơ được lắp đặt ở đuôi xe. Khoang chiến đấu bao gồm vị trí của xạ thủ và trưởng xe. Khoang điều khiển nằm ở phần đầu của chiếc xe với vị trí ngồi giữa là của lái xe, ghế hai bên dành cho 2 lính bộ binh. Khoang lính 5 người ngăn cách với khoang động cơ bởi một vách ngăn. Việc đặt các cửa ra vào giúp cho binh lính dễ dàng thoát li hay chui vào xe một cách dễ dàng trong khi xe đang chạy.
|
Khoang lính phía sau BMP-3F.
|
Khoang lính có 7 chỗ được đặt sau khoang chiến đấu, có 2 vị trí ngồi đằng trước xe và nhóm 5 người được đặt ở phía sau gần vách ngăn khoang động cơ. Ở đó có những đường ống cung cấp dưỡng khí cho binh lính. Ngoài ra, còn có những cái hộp chứa khẩu phần thức ăn hàng ngày cho cá nhân và hộp SPTA. Chiếc xe có 3 cửa nắp phía trước, 2 cửa nắp trên tháp pháo và 2 cửa nắp ở khoang lính, ngoài ra khoang lính còn có thể mở cửa đuôi và nắp khoang nếu muốn.
Khoang động cơ đặt ngay dưới khoang lính, 2 khoang này được ngăn cách với nhau bởi một bức tường cách âm. Xích xe và hệ thống giảm xóc bao gồm 6 bánh truyền động và các con lăn hỗ trợ. Bánh truyền động của xe bao gồm hai cái đĩa lót cao su ở ngoài. Thiết kế hệ thống treo của xe giúp cho nó di chuyển trên địa hình xấu ở mọi tốc độ mà không bị giằng xóc quá mạnh. Bánh xích và hệ thống treo của BMP-3 có tiết diện lớn hơn, cho phép nó có thể hoán cải thành các xe chức năng khác nhau. BMP-3 bơi nước bằng ống đẩy thủy lực phía sau chứ không bơi bằng bánh xích như BMP-1 và BMP-2.
Vỏ của chiếc BMP-3 được làm từ các tấm nhôm, trong khi mũi xe là hỗn hợp nhôm-thép. Khung xe có dạng bè ra và có đặc điểm động lực học vượt trội. Bánh xích của xe rộng hơn các mẫu BMP trước, do đó nó cho phép vượt qua các địa hình ghồ ghề mà xe ít bị rung lắc. Xe có thể lội nước mà không cần chuẩn bị gì, nó bơi nước bằng động cơ riêng biệt ở đuôi xe.
|
Vị trí của lái xe BMP-3.
|
Chiếc xe được tích hợp hệ thống phóng đạn khói, hệ thống chiến đấu tự động, thiết bị thông tin liên lạc hay hệ thống bảo vệ NBC. Chiếc BMP-3 IFV có thể được vận chuyển bằng mọi phương cách - tàu lửa, xe tải, tàu biển hay máy bay. Chiếc BMP-3 hầu như đã được cải tiến để nâng cao tính tin cậy và khả năng sống sót của nó. Động cơ mới, thiết bị quan sát mới và hệ thống điều hòa không khí cũng đã được phát triển.
Phiên bản BMP-3F của lính thủy đánh bộ Indonesia được thiết kế tăng cường cho chức năng hoạt động trên biển như tăng khả năng chịu sóng gió và “nổi” trên mặt biển, có khả năng di chuyển trên biển trong điều kiện SS3 (sóng gió cấp 3?!) và khai hỏa chính xác ở cấp nhỏ hơn một bậc.
So với phiên bản BMP-3 tiêu chuẩn thì BMP-3F có chỉnh sửa về thiết kế để tăng khả năng nổi và sự ổn định như: Thiết bị tự đào công sự bị loại bỏ, lắp lá chắn sóng và ống xả khói kiểu mới, tháp pháo giờ đây cũng có thêm lá chắn sóng để ngăn nước biển chảy vào xe.
Thiết bị bơi nước giúp xe đạt tốc độ bơi lên đến 10km/h. Hơn nữa, thiết kế của BMP-3F cho phép xe đổ bộ trong điều kiện biển động và kéo theo một xe khác cùng loại. Hệ thống kính ngắm chính SOZH với máy đo xa lade tích hợp và thiết bị điều khiển bắn tên lửa chống tăng ATGM cũng được lắp đặt. Cuối cùng, BMP-3F có thể hoạt động trên biển liên tục 7 tiếng với động cơ đang chạy.
|
BMP-3F là vũ khí "xịn" của Quân đội Indonesia.
|
Tóm lại, về khả năng chịu sóng gió và tải trọng chở hàng, chở lính thì BMP-3F của Indonesia thua AAV-7 của Thái Lan, nhưng về hỏa lực thì BMP-3F tỏ ra vượt trội hơn hẳn, hứa hẹn sẽ là nắm đấm thiết giáp đổ bộ cực kì mạnh mẽ của Quân đội Indonesia.
|
Đổ bộ tấn công từ biển là chức năng chính của BMP-3F.
|
Thông số kỹ thuật
Nặng: 18,7 tấn
Dài: 6,715m
Cao: 3,57m
Rộng: 3,15m
Tổ lái: 3 (+7 lính)
Tốc độ tối đa: 70km/h
Dự trữ dầu hành trình: 600-800km
Động cơ: Diezel UTD-29, làm mát bằng chất lỏng
Góc bắn: Xoay 360 độ, nâng : -6 đến +60 độ
Quãng đường hành trình( trên đường cao tốc): 600km
Tầm bắn : 4.000 m
Đạn pháo 100mm : 40 viên
Tên lửa có điều khiển: 8 quả
Súng 30mm: 500 viên
Súng 7,62mm ( 3 khẩu): 6.000 viên
Quang Minh